Nhóm chúng tôi cũng hỏi như thế khi ngồi dưới mái lều lợp tranh của một cơ sở hải sản bên bờ biển. Một tay nhậu bàn bên vui vẻ và nhanh nhảu nói còn mấy ký nhưng tụi tui “bao” rồi, lát nữa xách về đó.
Thôi chết! Lỡ chém gió với mấy thằng bạn đây là quán ruột của mình, giờ biết làm sao? Cái khó ló cái khôn, tôi sà vào bàn mấy chiến hữu… xa lạ rồi hạ giọng nói: "Quý ông anh thông cảm, mấy người kia là bạn của tui, từ thành phố Quảng Ngãi vào. Nghe nói cá sơn đỏ quê mình…". Không ngờ họ ok ngay, nói biết rồi biết rồi, lâm cảnh ai cũng vậy. Mấy tay nhậu xởi lởi này lại còn mời tôi miếng cá sơn nướng muối ớt rồi uống cạn ba ly rượu gạo, xong mới được về chỗ cũ.
Ăn cá sơn nướng mộc (để nguyên đầu, mang, vi, vảy) có cái thú là thưởng thức… mùi vị trước. Vi và vảy cá sơn khi đã bắt lửa thì thơm đến ngẩn ngơ. Đố bạn cưỡng lại được mà không phải hít hà đó.
Cá bằng nửa bàn tay thì nướng kiểu này, ăn với muối ớt. Cá lớn hơn bàn tay, cỡ một ký trở lên, thịt quá dày thì phải lách dao vào hai bên lườn, lồng gia vị tùy thích vào cho thấm trước khi đặt lên vỉ nướng.
Thấy cô chủ quán trẻ măng, mặt ửng hồng bên lò lửa, anh chàng thành phố chắc… xao xuyến lắm nên vụng về hỏi: "Em ơi, sao gọi là cá sơn đỏ? Cá có ngon hông?".
Chủ quán cười duyên nói cả hai câu hỏi của anh đều… dở đến mức khó đỡ. Thấy anh mắc cỡ nên em trả lời: "Gọi cá sơn đỏ là vì vi vảy đều đỏ. Còn câu thứ hai, thử hỏi có chủ quán nào nói có món nào mình bán là dở đâu anh. Phải luôn luôn nói ngon”. Đó là câu trả lời mặc định.
Thật lòng mà nói chúng tôi thấy thinh thích cái vẻ xinh giòn của cô chủ nhưng ngôn ngữ của cô gai góc quá làm ai nấy đều… ớn lạnh. Cũng may là đĩa cá, muối ớt, dưa leo, rau răm, chai rượu gạo đã được đặt lên bàn thu hút chúng tôi. Nếu không, chúng tôi chả biết phải điều chỉnh những cái mặt lơ ngơ của mình như thế nào nữa.
Thật là tuyệt! Đúng là cá sơn nướng chấm muối ớt chẳng ngớt lời khen. Lại thêm phụ gia dưa leo với rau răm len lén thơm thầm hương đồng nội. Anh bạn chiều cao không tới “mét sáu” mà nặng gần 70 ký quên mất mình đang ăn kiêng nên vô tư nhai.
Hai đĩa cá sơn không còn cái vảy. Chai rượu gạo vơi khi bóng chiều đã đầy trong con mắt cô chủ. Nhưng kìa… Đứa nào cũng dụi mắt, không lẽ say rồi sao? Cô chủ bây giờ sao… già vậy?
Một thằng mạnh miệng hỏi mới hay cô gái gai góc lúc nãy là em, chuẩn bị thi đại học, ra trông chừng quán cho chị một lát mà thôi. Anh chàng thành phố bị chỉnh lúc nãy chợt bông phèng: “Chị ơi, em về nhớ cá sơn đỏ và nhớ luôn… cô em nho nhỏ”.
(Theo iHay)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.