Các địa phương nỗ lực bảo vệ đàn lợn, lo bình ổn giá thịt lợn dịp Tết

Nguyên Vỹ - Thiên Hương Thứ hai, ngày 23/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chỉ còn gần 3 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2021 - thời điểm nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao, thế nhưng tình hình dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng vẫn đang diễn biến phức tạp.
Bình luận 0

Điều này không chỉ đe dọa đàn lợn của người chăn nuôi, mà còn gây khó khăn cho công tác tái đàn, tăng đàn cũng như ổn định giá thịt lợn, đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho thị trường cuối năm.

Dịch bệnh tiếp tục đe dọa

Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước tiếp tục phát sinh 1.409 ổ dịch tả lợn châu Phi, trong đó có 496 ổ dịch xảy ra từ cuối năm 2019 kéo dài sang năm nay; 27 ổ dịch mới và 886 ổ dịch tái phát tại 50 tỉnh, thành phố. Dịch bệnh này đã khiến hơn 76.900 con lợn bị chết và phải tiêu hủy, tương đương 3.845 tấn thịt.

Bảo vệ đàn lợn phục vụ thị trường dịp tết  - Ảnh 1.

Chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học tại HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: Thiên Hương

"Tiềm năng của ngành chăn nuôi trong tái cơ cấu vẫn còn rất lớn. Giai đoạn tới cần tiếp tục có sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho tới người chăn nuôi, đặc biệt là vai trò quan trọng của ngành thú y từ Trung ương đến địa phương để hoàn thành mục tiêu của kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020-2025".

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.

Nguyên nhân chính do mầm bệnh đã lưu hành rộng rãi trong quần thể, tồn tại trong môi trường các ổ dịch cũ. Thời tiết diễn biến phức tạp trên diện rộng làm giảm sức đề kháng của vật nuôi, trong khi chưa có vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Cũng theo ông Long, đến nay hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, chăn nuôi kiểu tận dụng còn chiếm tỷ lệ cao, thậm chí tại một số địa phương vẫn còn tồn tại phương thức chăn nuôi thả rông gây khó khăn trong chống dịch. 

Trong đó nhiều ổ dịch tái phát từ ổ dịch cũ, hoặc phát sinh tại các hộ tiếp giáp, gần với khu vực đã xảy ra dịch từ năm 2019. Có không ít trường hợp hộ chăn nuôi mua giống lợn trôi nổi trên thị trường, hoặc giao dịch trên mạng xã hội nên không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch, tận dụng thức ăn thừa cho chăn nuôi.

Tiền Giang là địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất ĐBSCL, nhưng gần đây đã ghi nhận 40 trường hợp bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 8 huyện. Chỉ tính từ tháng 10/2020 đến nay, ngành chuyên môn phát hiện 20 hộ có lợn nhiễm bệnh, trong đó nhiều nhất là huyện Tân Phú Đông ghi nhận 14 hộ có lợn mắc bệnh và ngành chức năng đã công bố dịch tả lợn châu Phi ở xã Tân Thới.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT Tiền Giang cho biết, tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu độc, khử trùng phòng chống dịch bệnh; tăng cường giám sát dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý gọn các ổ dịch không để lây lan diện rộng.

Tương tự, Đồng Tháp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng xảy ra ở một số xã như Bình Thành, Tân Bình, Tân Long (huyện Thanh Bình); Bình Thạnh (huyện Cao Lãnh), Hòa An (TP.Cao Lãnh). Tuy nhiên mật độ ít với 6 ổ dịch, số lợn nhiễm bệnh đã tiêu hủy khoảng 84 con.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho biết, nếu như trước đây đàn lợn của tỉnh có khoảng 300.000 - 500.000 con/năm, thì nay chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 con/năm. Do đàn lợn giảm mạnh nên các thương lái, lò mổ ở Đồng Tháp phải nhập lợn hơi từ các tỉnh khác về phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày. 

Vì thế, dịp cuối năm và Tết 2021, khả năng phải nhập nhiều hơn, bởi việc tái đàn lợn không thể đáp ứng kịp.

Sau nhiều nỗ lực phòng chống, dịch tả lợn châu Phi ở Đăk Lăk đã tạm lắng, nhưng vẫn còn 9 địa phương có dịch bệnh chưa qua 21 ngày. Tính từ đầu năm đến nay, ngành thú y Đăk Lăk ghi nhận 133 ổ dịch và gần 1.600 con mắc bệnh.

Thẫn thờ nhìn vào những dãy chuồng lợn trống không đang phủ vôi bột trắng xóa, bà Phạm Thị Lợi (ở tổ dân phố Thống Nhất, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, đây là năm thứ 2 liên tiếp, đàn lợn của gia đình bị chết vì dịch bệnh. Bao nhiêu hy vọng vào lứa lợn xuất đi trong dịp tết đều đổ xuống sông xuống biển.

"Bệnh đến từ 1 lợn nái, ban đầu lợn bỏ ăn và gia đình chích thuốc, sau đó lợn không ăn nữa và chết. Những con lợn khác cũng có triệu chứng như vậy. Năm ngoái lợn cũng chết vì dịch nhưng được nhà nước hỗ trợ chút ít, gia đình mua giống gây lại, giờ lợn tiếp tục chết, gia đình chưa biết tính sao"- bà Lợi chia sẻ.

Không được phép lơ là

Lý giải nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi vẫn tái phát ở những hộ từng xảy ra dịch, ông Nguyễn Văn Long cho biết: "Sở dĩ một số người chăn nuôi có phần chủ quan với dịch bệnh là do giá lợn hơi rất cao từ đầu năm đến nay, nhiều người đã liều tái đàn, tăng đàn trong điều kiện chuồng trại chưa đảm bảo an toàn, khó áp dụng các biện pháp phòng dịch bền vững".

Bên cạnh đó, công tác quản lý, việc kê khai tái đàn lợn từ cấp xã vẫn chưa được thực hiện tốt. Hệ thống thú y huyện không còn nên mạng lưới thú y cơ sở ngày càng mỏng, khiến công tác giám sát và quản lý dịch bệnh chưa tốt.

Các địa phương nỗ lực bảo vệ đàn lợn, lo bình ổn giá thịt lợn dịp Tết - Ảnh 4.

Thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại để phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: T.L

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế nhưng Cục Thú y nhận định, dịch bệnh này vẫn có nguy cơ tái phát và lan rộng trong thời gian tới, nhất là vào thời điểm cuối năm, do nhu cầu vận chuyển, giao dịch lợn thương phẩm, lợn giống tăng lên.

Với bệnh lở mồm long móng, hiện không phải vấn đề đáng lo ngại do cả nước chỉ có 13 ổ dịch tại 4 tỉnh. Như vậy tuyệt đại đa số (99,1%) trong tổng đàn gia súc 34 triệu con an toàn với bệnh này.

Chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi lợn hiệu quả cao, ông Đinh Văn Sơn (ở xã Bình Lộc, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) kể: Gia đình chăn nuôi lợn từ năm 2015 đến nay. Nhờ chính quyền tạo điều kiện tham quan học tập kinh nghiệm nhiều nơi nên ông Sơn nhận thấy chăn nuôi chuồng lạnh có nhiều ưu điểm. Năm 2016, gia đình ông đầu tư 1,5 tỷ đồng để nâng cấp từ chuồng hở thành chuồng lạnh trên diện tích 1ha, chăn nuôi 2.400 con lợn nái và khoảng 6.000 con lợn thịt.

Các dãy chuồng nuôi được ông xây dựng theo quy trình khép kín, có trang bị hệ thống máy lạnh, quạt gió để duy trì ở nhiệt độ ổn định 27 độ C. Ngoài ra ông còn đầu tư hệ thống hầm biogas để thu gom toàn bộ chất thải và khử mùi hôi chuồng trại. Do lợn nuôi trong môi trường nhiệt độ phù hợp, mát mẻ nên đàn lợn khỏe mạnh, lợn tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian chăn nuôi trung bình khoảng 10 ngày so với chăn nuôi chuồng hở.

Từ đó, gia đình ông giảm được lượng thức ăn, công chăm sóc, tiết kiệm điện, nước. Lợn khỏe mạnh có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh. Đặc biệt, trong năm 2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại khắp nơi thì trang trại của của ông Sơn không bị ảnh hưởng gì. Lợi nhuận kinh tế thu được cao hơn khoảng 20% so với chuồng hở.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng giai đoạn 2021-2025 diễn ra tại TP.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, trong giai đoạn cuối năm, khi việc mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn tăng cao; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa càng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bùng phát. 

Việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi cùng các bệnh khác không được phép lơ là, vừa giúp giữ đàn lợn an toàn, vừa đảm bảo cung ứng thực phẩm cho thị trường dịp tết.

"Riêng với bệnh dịch tả lợn châu Phi, lần đầu tiên ngành nông nghiệp có một kế hoạch phòng chống cấp quốc gia. Trước đó, chúng ta đã căn bản xây dựng được hệ sinh thái nghiên cứu, giám sát quá trình phòng chống dịch bệnh. Triển vọng có vaccine cho dịch tả lợn châu Phi vào năm 2021 là có khả năng" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem