Các nước phản ứng sau khi LHQ công bố báo cáo về Syria

Thứ ba, ngày 17/09/2013 16:18 PM (GMT+7)
Nhiều nước phương Tây tiếp tục cho rằng Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Bình luận 0
Ngày 16.9, ngay sau khi Liên hợp quốc công bố báo cáo khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria trong cuộc tấn công kinh hoàng trung tuần tháng Tám vừa qua, nhiều nước phương Tây tiếp tục cho rằng Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.

img
Hình ảnh truyền hình do phe đối lập tung ra với cáo buộc quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học dạng khí để tấn công phe nổi dậy. Ảnh: AP

Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney nêu rõ báo cáo của Liên hợp quốc đã xác nhận khí độc sarin được nạp vào đầu đạn những quả tên lửa đất đối đất, loại vũ khí mà Mỹ cho rằng chỉ quân đội chính phủ Damacus mới có.

Anh và Pháp cũng tán thành quan điểm trên. Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Mark Lyall Grant và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng chế độ al-Assad là thủ phạm đứng đằng sau cuộc tấn công tại ngoại ô Damascus.

Phản ứng trên của phương Tây được đưa ra sau khi đại diện của nhóm chuyên gia Liên hợp quốc đã trình lên Tổng Thư ký Ban Ki-moon bản báo cáo về quá trình điều tra vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học tại Syria hôm 21.8.

Theo kết luận của bản báo cáo, các điều tra viên đã tìm thấy "các bằng chứng rõ ràng và thuyết phục" giúp khẳng định vũ khí hóa học đã được sử dụng trong vụ tấn công ở khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damacus.

Cũng theo báo cáo, loại vũ khí nguy hiểm này "đã được sử dụng nhằm vào dân thường, trong đó có cả trẻ em, trên một phạm vi tương đối lớn."

Tuy nhiên, xác nhận chính thức đầu tiên của Liên hợp quốc về việc vũ khí hóa học đã được sử dụng trong cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng tại quốc gia Trung Đông đã không nêu đích danh bên nào tại Syria đứng đằng sau vụ tấn công.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 16.9, Tổng thống Mỹ Barack Obama nêu rõ thỏa thuận mà Mỹ đạt được với Nga cuối tuần trước là bước đi quan trọng, có khả năng chấm dứt mối đe dọa từ kho vũ khí hóa học của Syria. Tuy nhiên, ông cũng đồng thời ký sắc lệnh cấp viện trợ quân sự phi sát thương cho lực lượng đối lập Syria nhằm ngăn ngừa việc sử dụng và phổ biến vũ khí hóa học.
TTXVN (Theo TTXVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem