Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Bộ GTVT đã quy hoạch toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ, trong đó, có 5 dự án trạm dừng nghỉ đã tìm được nhà đầu tư sau một thời gian mở thầu tìm kiếm nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm, đủ năng lực đầu tư.
Để thực hiện đầu tư dự án trạm dừng nghỉ, Bộ GTVT đã giao Cục Đường cao tốc Việt Nam, các ban quản lý dự án được giao nhiệm vụ căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và đấu thầu, tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ do Bộ GTVT quản lý thuộc mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được phê duyệt.
Cục Đường cao tốc Việt Nam tổ chức thẩm định, phê duyệt thông tin dự án và công bố dự án đầu tư kinh doanh; Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; Ký kết và quản lý hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án; Quyết định xử lý tình huống trong đấu thầu; Đình chỉ cuộc thầu, không công nhận kết quả lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan; Hủy thầu đối với trường hợp quy định tại Luật Đấu thầu.
Đến nay, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án trạm dừng nghỉ trên một số tuyến đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Cụ thể, dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã lựa chọn được nhà đầu tư trúng thầu.
Tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Nhà đầu tư trúng thầu dự án trạm dừng nghỉ là Liên danh Công ty CP xe khách Phương Trang - Futabuslines và Công ty TNHH Thành Hiệp Phát. Tại phương án phê duyệt, hai dự án trạm dừng nghỉ trên 2 tuyến cao tốc nêu trên, có tổng mức đầu tư hơn 600 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng.
Tại dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Nhà đầu tư trúng thầu dựa án trạm dừng nghỉ là Liên danh Công ty Cổ phần xe khách phương Trang FUTABUSLINES – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát với giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước là 260 tỷ đồng; giá trị sơ bộ chi phí thực hiện dự án (M1) là 290,716 tỷ đồng; giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (M2) là 3,342 tỷ đồng.
Trên thực tế, tại một số cao tốc hiện hữu đã có những trạm dừng nghỉ hoạt động, tuy nhiên, đây đều là những trạm dừng nghỉ được đầu tư khi chưa có đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật về trạm dừng nghỉ.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, để tránh tình trạng nhà đầu tư triển khai xây dựng trạm dừng nghỉ manh mún, thiếu tầm nhìn quy hoạch tổng thể, chỉ đấu thầu để giành quyền kinh doanh nhưng không thực sự chú trọng vai trò cốt lõi của trạm dừng nghỉ là nơi nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng cho người dân tham gia giao thông, quá trình lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cần chọn được đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, vận hành khai thác để đề xuất quy hoạch các trạm dừng nghỉ.
Ngoài ra, cần tổ chức đấu thầu các cụm trạm dừng nghỉ đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc và đầu tư hệ thống giao thông thông minh để đảm bảo an toàn, hiệu quả khai thác.
Đối với các tuyến cao tốc chưa có trạm dừng nghỉ, các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới, cơ quan chức năng nên rà soát, những tuyến cao tốc nào có thể tận dụng mặt bằng hoặc đã có sẵn mặt bằng thì mở nhanh các trạm dừng tạm để giải quyết nhu cầu cho người dân.
Với các trạm dừng đã có trong quy hoạch, cần có cơ chế đặc thù để rút ngắn thủ tục, đẩy nhanh quá trình triển khai. Khi đã có tiêu chuẩn, quy hoạch trạm dừng nghỉ, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hết sức để doanh nghiệp làm nhanh nhất có thể.
Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Chuyên gia giao thông cho rằng, khi đầu tư một tuyến cao tốc, chủ đầu tư cần phải quy hoạch thiết kế vị trí trạm dừng nghỉ, vì đây là hạng mục không thể tách khỏi dự án.
"Các trạm dừng nghỉ khi được đầu tư bắt buộc phải có đầy đủ các công năng về trạm xăng dầu, khu nghỉ ngơi, nhà vệ sinh, khu bán hàng dịch vụ... theo quy mô của từng trạm", GS.TS Từ Sỹ Sùa nêu rõ.
"Tại trạm dừng nghỉ, tài xế, hành khách rất quan tâm tới khu vệ sinh và khu nghỉ ngơi, ăn uống. Việc đi vệ sinh là nhu cầu cần thiết và được miễn phí, nhưng thực tế, một số trạm đặt những thùng đựng tiền tuỳ tâm hoặc có người đứng thu tiền là sai quy định của pháp luật, rất phản cảm. Hay trạm dừng nghỉ bố trí khách hàng ngồi ngoài hè, còn khu vực trong nhà trưng bày sản phẩm bán hàng như siêu thị là chưa phù hợp", GS.TS Từ Sỹ Sùa nhận xét.
GS.TS Từ Sỹ Sùa khẳng định, tối thiểu, trạm dừng nghỉ phải có khu vệ sinh miễn phí, khu nghỉ ngơi thoáng mát đảm bảo sức khoẻ của hành khách và tài xế. Việc này rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khoẻ của tài xế sau 1 hành trình lái xe đường dài.
Cũng theo GS.TS Từ Sỹ Sùa, cần ngăn chặn tình trạng ép giá, niêm yết giá hàng hoá quá cao. Bộ GTVT cần có các quy định cụ thể về hoạt động của trạm dừng nghỉ và có sự giám sát của các cơ quan chức năng để trạm dừng nghỉ hoạt động đúng theo các quy định của pháp luật.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729:2012 đã quy định rõ ràng về thiết kế đường cao tốc ô tô, khoảng từ 15 - 25km nên bố trí một chỗ dừng xe dọc tuyến nằm ngoài phạm vi nền đường. Khoảng từ 50 - 60km nên bố trí một trạm phục vụ kỹ thuật thông thường (có khả năng cấp xăng, dầu, sửa chữa nhỏ và dừng xe, có nhà nghỉ, nhà vệ sinh, cửa hàng ăn).
Khoảng cách từ 120 - 200km nên bố trí một trạm phục vụ lớn (có khả năng sửa chữa phương tiện, cấp xăng, dầu, có thể tiếp đón người đi đường với nhà ăn, khách sạn).
Bộ GTVT đã quy định tại các trạm dừng nghỉ bắt buộc phải có các hạng mục xây dựng dự kiến bao gồm: công trình dịch vụ công; công trình dịch vụ thương mại và công trình bổ trợ.
Trong đó, công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí) bao gồm: bãi đỗ xe; không gian nghỉ ngơi; phòng nghỉ tạm thời cho lái xe; khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Thời gian vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt việc xây dựng Thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương triển khai các các trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc.
Bộ trưởng Thắng yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, Ban quản lý: "Từ nay đến cuối năm 2025, toàn bộ trạm dừng nghỉ của các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông mới đi vào khai thác sẽ hoàn thành theo đúng quy hoạch".
Vừa qua, tại thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) đang xin ý kiến Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: "Trước đây, khi triển khai cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, chúng ta chưa có kinh nghiệm nhiều trong xây dựng cao tốc".
Đồng thời, chưa quyết định xã hội hóa hay Nhà nước đầu tư trạm dừng nghỉ. Đến cuối giai đoạn 2022, ngay khi nhìn thấy vấn đề, Bộ GTVT làm rất nhanh, xây dựng khung pháp lý đi theo hướng xã hội hoá.
Bộ trưởng Thắng khẳng định: "Toàn bộ khu vực cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 36 trạm dừng nghỉ. Từ nay đến cuối năm 2025, toàn bộ các tuyến cao tốc, khi đi vào khánh thành và cả những trạm dừng nghỉ của tuyến cao tốc giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đầy đủ đồng bộ trạm dừng nghỉ".
"Với các tuyến mới, khi đã có quy chuẩn, pháp lý đầy đủ, việc xây dựng trạm dừng nghỉ sẽ rất đơn giản", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng GTVT cho biết: "Trước mắt, các dự án xây dựng trạm dừng nghỉ nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư. Khi đấu thầu thử, có trạm thu hút 40 đơn vị tham gia. Có một trạm giá khởi điểm khoảng 120 tỷ đồng nhưng đấu thầu lên hơn 200 tỷ đồng. Đó cũng sẽ là nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước".
Tư lệnh ngành GTVT tự tin nói: "Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc có gì, chúng ta có đầy đủ. Tôi đã chỉ đạo rất kỹ vấn đề trạm sạc điện".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.