Đảm bảo điện khi nắng nóng tiếp diễn

Nguyễn Phương Thứ hai, ngày 15/06/2015 10:19 AM (GMT+7)
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sẽ cố gắng đáp ứng đủ điện và có dự phòng khi nắng nóng còn tiếp diễn trong những tháng tới. Tháng 6 và 7 miền Bắc bắt đầu vào cao điểm mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện rất cao, có thể đạt tới 474 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất khoảng 24.560MW.
Bình luận 0

Vẫn có dự phòng

Công suất khả dụng của hệ thống điện quốc gia khoảng từ 26.000 - 28.200MW (bao gồm cả các tổ máy nhiệt điện than dự phòng, đang thí nghiệm, chưa tính mua điện Trung Quốc và các tổ máy nhiệt điện chạy dầu). Như vậy trong tháng 6, hệ thống điện vẫn đáp ứng đủ công suất cho nhu cầu phụ tải và có dự phòng.

img
Những ngày nắng nóng, nhân viên EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định. (Trong ảnh, nhân viên điện lực Ba Vì đang kiểm tra trạm biến áp tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội).  Ảnh: Đàm Duy
Để đáp ứng yêu cầu phụ tải tăng cao, EVN tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị điện lực khối phát điện và truyền tải tăng cường đảm bảo công tác thi công xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, đặc biệt các dự án thuộc khu vực miền Nam.

 

Cụ thể về nguồn điện, EVN đã hòa đồng bộ lần đầu tổ máy 2 Nhiệt điện Mông Dương 1 và hiện đang chạy thử nghiệm; tổ máy 1 Nhiệt điện Duyên Hải 1 đã cắt dầu hoàn toàn chuyển sang chạy bằng than, đạt công suất 603/622MW.

Về lưới điện, EVN cũng đã hoàn thành nâng công suất trạm biến áp 500kV Ô Môn góp phần đảm bảo cung ứng điện khu vực Tây Nam Bộ, nhất là các thời điểm nguồn cấp khí PM3 cho cụm nhiệt điện Cà Mau không ổn định. Tính đến nay, giá trị khối lượng thực hiện đầu tư của toàn EVN ước đạt 38.529 tỷ đồng, giá trị giải ngân đạt 28.412 tỷ đồng.

Mục tiêu vận hành hệ thống điện tháng 6 là khai thác các nhà máy thủy điện theo biểu đồ điều tiết, tiếp tục đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du, nhất là tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đang trong tình trạng khô hạn nghiêm trọng.

EVN cũng tính tới khai thác cao các tổ máy nhiệt điện than theo kế hoạch điều tiết thủy điện và khai thác cao các tổ máy tua-bin khí theo khả năng cấp khí để đảm bảo cấp điện miền Nam.

Đảm bảo điện cho các sự kiện quan trọng

Những ngày đầu tháng 6, các công ty điện lực vẫn đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng của đất nước như kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra hay các kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, trung học cơ sở. EVN đang đốc thúc các công ty điện triển khai cả phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn điện mùa mưa bão; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện trong những tháng còn lại của mùa khô 2015…

Từ nay đến cuối tháng 6, EVN phấn đấu tiến hành đốt lò, chạy thử nghiệm tổ máy 2 Nhiệt điện Duyên Hải 1; hòa điện lần đầu và phát điện thử nghiệm tổ máy 2 Nhiệt điện Ô Môn I; tiến hành đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa dự án Thủy điện Lai Châu. Đồng thời tiếp tục phối hợp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm bị chậm tiến độ vì vướng đền bù giải phóng mặt bằng.

Trước nhiều ý kiến cho rằng việc cấp điện thiếu, chất lượng chưa đảm bảo và không ổn định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định, chưa khi nào sản xuất và cung ứng điện của Việt Nam tốt như hiện nay.

Chất lượng điện chưa đảm bảo và chưa ổn định ở một số nơi là do hệ thống phân phối điện xuống cấp, cần có vốn để đầu tư cải tạo nâng cấp. Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện trong kế hoạch nâng cấp chất lượng các hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Tại khu vực các tỉnh phía Nam, các nguồn điện mới vẫn còn chậm, dự báo đến 2017–2018 nguồn cung cấp điện tại chỗ cho khu vực phía Nam sẽ vẫn thiếu. Vì vậy, ngoài việc đưa điện từ miền Bắc và miền Trung vào, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao ngành điện và các bộ ngành có liên quan thực hiện 9 dự án cấp bách, trong đó chủ yếu là các dự án nguồn điện phục vụ khu vực phía Nam, làm sao để đảm bảo nhu cầu cấp điện cho năm 2017 và 2018.

Chính phủ đã và đang có các chính sách khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các hệ thống phát điện. Thời gian qua có khá nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư triển khai thành công như Mông Dương 2 (Quảng Ninh)… Việc chậm tiến độ một số dự án điện đã được Chính phủ khắc phục. Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh tiết kiệm điện và nâng cao chất lượng đường lưới, vì vậy, điện sẽ không thiếu mà luôn có dự phòng khoảng 20- 25%.

  Theo thực tế thống kê, giai đoạn đầu năm 2015, tổng công suất thiết kế các nhà máy điện Việt Nam khoảng 30.000 MW, hiện có khoảng 20% công suất dự phòng và sẽ có thể tăng hơn nữa lên khoảng 30% khi thời tiết mát vào mùa đông hay mùa xuân.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem