Cần Thơ: Công tác giám sát và phản biện xã hội cần lựa chọn vấn đề thiết thực
Công tác giám sát, phản biện xã hội cần lựa chọn vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến hội viên, nông dân
Hồng Cẩm thực hiện
Thứ ba, ngày 29/10/2024 11:01 AM (GMT+7)
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, những năm qua Hội Nông dân TP.Cần Thơ đã tích cực triển khai hực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Chia sẻ về kế hoạch, phân công, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị (khóa X), ông Nguyễn Vũ Phương, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Cần Thơ, cho biết:
Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giám sát và phản biện xã hội, bám sát Quyết định số 217, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, trong những năm qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn TP.Cần Thơ đã tích cực triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, nông dân và xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Theo đó, hàng năm Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố chủ động đăng ký với cấp ủy đảng các nội dung cụ thể và phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức giám sát theo yêu cầu đề ra; đồng thời, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn.
Riêng năm 2024, Đảng đoàn Hội Nông dân ban hành Kế hoạch số 2, ngày 24/1 về lãnh đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát năm 2024. Theo đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố đăng ký với cấp ủy đảng các nội dung cụ thể, được Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt và xây dựng Kế hoạch số 26, ngày 2/5 về công tác kiểm tra, giám sát năm 2024. Trong đó, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố còn xây dựng 5 kế hoạch kiểm tra, giám sát tại các cơ sở hội trực thuộc.
Trên cơ sở nội dung giám sát của thành phố và tình hình thực tế của từng địa phương, Hội Nông dân các quận, huyện xây dựng kế hoạch giám sát và phối hợp giám sát với MTTQ và các đoàn thể, thống nhất với cơ quan quản lý nhà nước liên quan trình cấp ủy phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Có thể nói, công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội được tăng cường và đi vào nề nếp, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội các cấp.
-Với kế hoạch triển khai cụ thể, những năm qua công tác giám sát và phản biện xã hội của Hội Nông dân TP.Cần Thơ đã đạt kết quả như thế nào thưa ông?
Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Hội Nông dân thành phố đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung của Quyết định; mục đích, tính chất, các nguyên tắc của giám sát và phản biện xã hội. Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, Hội Nông dân các cấp trong thành phố đã bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và của Hội để tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân.
Qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm cho cán bộ, hội viên trong việc quán triệt và thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội và giai cấp nông dân trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Kết quả trong năm 2024 đã tuyên truyền 2.054 cuộc, cho 112.271 lượt người dự, đạt 137,6% chỉ tiêu Trung ương Hội giao.
Thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Hội Nông dân thành phố, công tác kiểm tra, giám sát có nhiều đổi mới, năm 2024, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố tổ chức 4 Đoàn kiểm tra và 1 Đoàn giám sát (theo Kế hoạch số 26, ngày 2/5/2024). Đặc biệt, lần đầu tiên giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 14, ngày 08/12/2023 của HĐND thành phố đối với UBND xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai.
Cùng với đó, Hội Nông dân thành phố cử lãnh đạo tham gia các đoàn giám sát của thành phố. Bên cạnh, Hội Nông dân các cấp đã tham gia đóng góp xây dựng dự thảo các đề án, kế hoạch, quy hoạch; các dự thảo luật và một số văn bản có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn…; tham gia các hội nghị đóng góp các dự thảo luật do Ủy ban MTTQ tổ chức.
Hội Nông dân thành phố chỉ đạo các cấp Hội làm tốt công tác nắm bắt tình hình hội viên nông dân và nhân dân, phản ánh dư luận xã hội trong cán bộ, hội viên nông dân; tích cực tham mưu, phối hợp tổ chức các hội nghị để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nông dân để kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, góp phần xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nông dân và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiêu biểu như ngày 16/10 vừa qua, Hội Nông dân thành phố phối hợp với các cơ quan trực thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tổ chức thành công buổi tiếp xúc cử tri là 209 cán bộ, hội viên nông dân tiêu biểu, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ và Thủ tướng Chính phủ tại TP.Cần Thơ...
-Thưa ông, qua đó Hội Nông dân TP.Cần Thơ đã rút ra được kinh nghiệm như thế nào trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định 217?
Trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Hội Nông dân các cấp đã rút bài học kinh nghiệm, đó là: Để thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội cho thấy, cần có sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, đơn vị được giám sát, phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp.
Cần phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Hội Nông dân trong việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, phạm vi, hình thức giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; lựa chọn những vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội.
Kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên và nhân dân với hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của Đảng, Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội.
Trước khi tiến hành hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết về nội dung, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát, phản biện xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, trả lời các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát.
-Xin ông cho biết những khó khăn của Hội Nông dân TP.Cần Thơ trong quá trình thực hiện Quyết định 217 cũng như đề xuất, kiến nghị của ông để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện của Hội?
Tuy đã đạt được những kết quả như nói trên nhưng công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp Hội Nông dân TP.Cần Thơ hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, một số cấp Hội, nhất là cấp cơ sở nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm trong giám sát và phản biện xã hội, vì vậy chưa tích cực, chủ động xác định nội dung, xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội.
Việc lựa chọn, xác định đối tượng, nội dung, phương thức triển khai thực hiện, giám sát, phản biện xã hội có mặt còn lúng túng. Công tác phối hợp với các ngành có liên quan để tổ chức giám sát còn gặp khó khăn, nhất là việc giám sát cơ quan cùng cấp. Quá trình giám sát ở một số tổ chức Hội chưa chú trọng thực hiện công tác đôn đốc, theo dõi việc tiếp thu, giải quyết các kết luận, kiến nghị sau giám sát...
Theo tôi, nguyên nhân của hạn chế nói trên là do nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu về vai trò giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức đến công tác này; chưa phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện đối với những quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương, đơn vị.... Kỹ năng và kinh nghiệm giám sát, phản biện xã hội của một số cán bộ Hội có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong các cấp Hội Nông dân nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cần quan tâm chỉ đạo, triển khai một số nội dung sau đây:
Đó là tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là Quyết định số 217 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó, tạo sự thống nhất và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể về mục đích, ý nghĩa của công tác giám sát và phản biện xã hội.
Đối với các cấp Hội Nông dân, tùy điều kiện và tình hình thực tiễn của các tổ chức Hội hiện nay để chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nội dung giám sát, phản biện xã hội phù hợp, trong đó có sự phối hợp, thống nhất với Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội để báo cáo cấp ủy cùng cấp cho ý kiến, chỉ đạo triển khai các nội dung giám sát, phản biện xã hội.
Thường xuyên nắm bắt, tiếp thu ý kiến phản ánh của cán bộ, hội viên nông dân, các tầng lớp nhân dân và ý kiến của các chuyên gia để có cơ sở xác định các vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến hội viên nông dân trong giám sát, phản biện xã hội.
Nhất là trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung các nội dung có tác động lớn đến hội viên nông dân nói riêng và đời sống xã hội được các tầng lớp nhân dân quan tâm như: Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa XIII (Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới); việc triển khai Luật Đất đai (sửa đổi); vệ sinh an toàn thực phẩm; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; việc xây dựng các sản phẩm OCOP; việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Hội Nông dân…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.