Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ bị béo phì

Diệu Linh Thứ năm, ngày 11/08/2022 06:09 AM (GMT+7)
Theo Bộ Y tế, có đến 72% trẻ tử vong do sốt xuất huyết bị thừa cân, béo phì. Trong khi đó, số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh, là thời điểm sốt xuất huyết bùng phát mạnh nhất.
Bình luận 0

Trẻ béo phì gặp nhiều nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong số 18 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay có tới 72,2% trẻ thừa cân béo phì.

Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.

Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ bị béo phì - Ảnh 1.

Một trẻ béo phì mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng điều rị tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Ảnh Bạch Dương

Theo TS Khoa, từ kết quả phân tích trên cho thấy, người dân không được chủ quan với sốt xuất huyết. Dù đa phần các ca sốt xuất huyết đều tự khỏi, chỉ uống thuốc giảm sốt nhưng cũng có nhiều ca bệnh nguy hiểm. 

"Người dân cần phải nhận biết các dấu hiệu cảnh báo sốc sốt xuất huyết để đưa người bệnh nhập viện kịp thời. Đồng thời, đối với những trẻ bị sốt xuất huyết mà thừa cân béo phì cần được đưa đi khám và theo dõi, điều trị kịp thời khi có biến chứng", TS Khoa chia sẻ. 

Theo TS Khoa, trong vòng 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, trong tuần 31 năm 2022, cả nước ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc giảm hơn 12%, trong đó số nhập viện là gần 6.600 ca, giảm 17,1% so với tuần trước đó.

So với các tuần trước đó, số mắc của tuần 31 có dấu hiệu chững lại, tuy vẫn ở mức cao. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145.536 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 53 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp.

TP HCM, Bình Dương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất với 10 ca tử vong ở mỗi địa phương, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận đều ghi nhận 5 ca/ tỉnh, Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), số còn lại rải rác tại một số tỉnh, thành khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ bị béo phì - Ảnh 2.

Triệu chứng mắc sốt xuất huyết. Nguồn BYT

Người mắc sốt xuất huyết cần làm gì? 

TS Khoa khuyến cáo, khi mắc sốt xuất huyết người dân cần lưu ý: 

- Nghỉ ngơi tại giường.

- Uống đủ nước: ( trên 5 cốc đối với người lớn hoặc tính theo trẻ em). Sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm. Uống nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải.

- Uống paracetamol (< 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo trẻ em).

- Chườm ấm.

- Tìm nơi muỗi đẻ trong và ở xung quanh nhà để diệt.

- Không uống acid acetylsalicylic (aspirin), mefenemic acid (ponstan), ibuprofen hay các chất chống viêm không steroid khác (NSAID) hay các thuốc steroid. Nếu bạn đã uống những thuốc này, hãy tới gặp bác sĩ.

- Không cần thiết uống kháng sinh.

"Khi gặp các triệu chứng nặng như sốt cao trên 40 độ C, đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn; phát ban, đau cơ xương khớp, nổi hạch thì bệnh nhân cần phải đến viện để được thăm khám và điều trị ngay. Người dân cũng không tự ý truyền dịch, chỉ truyền dịch tại cơ sở y tế và có sự chỉ định của bác sĩ", TS Khoa nhận định. 

Cảnh báo sốt xuất huyết nặng ở trẻ bị béo phì - Ảnh 3.

Triệu chứng sốt xuất huyết nặng. Nguồn BYT

Phòng bệnh sốt xuất huyết thế nào? 

Bộ Y tế khuyến cáo, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt, người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt bọ gậy, lăng quăng và thực hiện 6 biện pháp phòng bệnh sau:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

- Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

- Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

- Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

- Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Mời các bạn xem video: Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. 

Cách phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết. Nguồn HCDC

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem