Cảm nhận đầu tiên khi thưởng thức món ăn này là vị cay xé lưỡi của ớt mọi (ớt rừng). Nếu bạn là người không ăn cay thì ngay sau khi nuốt xong muỗng canh thứ nhất nước mắt đã lập tức trào ra, bụng nóng ran, mồ hôi chảy đầm đìa cho dù là giữa mùa đông giá rét. Không có ớt thì không phải là canh măng, tùy theo khẩu vị của người ăn để cho ớt nhiều hay ít, nhưng với khẩu vị của người dân vùng này thì một nồi canh măng cho khoảng 5-7 người ăn, người làm bếp cũng phải giã khoảng 1/2 bát ớt mọi. Ớt xanh giã nhỏ cho vào nước canh, kết hợp với măng, ăn khi nóng tạo vị cay nồng, mồ hôi toát ra. Bởi thế, đây chính là vị thuốc trị cảm cúm, đặc biệt là chống sốt rét rất hiệu quả.
Bát canh măng rừng.
Tuy nhiên, ớt chưa phải là gia vị chính của món canh măng hấp dẫn này. Thứ không thể thiếu và là gia vị chính làm nên nét đặc trưng riêng biệt của món canh măng ở đây chính là lá cây thuốc măng. Đây là loại cây thân leo sống trên rừng, thân màu xám, lá to, sờ tay thấy nhám. Theo người dân địa phương thì lá cây thuốc măng có vị bùi bùi. Tác dụng làm mềm măng và tạo vị ngọt, béo.
Lá thuốc măng hái về trộn với gạo, giã nhỏ hoặc đem ngâm với nước vo gạo một đêm, sau đó dùng làm nước nấu canh. Khi ăn, nước canh có vị béo, ngọt, không cần dùng đến mì chính hay bột ngọt công nghiệp.
Món gia vị thứ ba trong nồi canh măng đó là xương giò lợn hoặc thịt hun khói. Món này tạo nên mùi vị lạ, đồng thời cũng có tác dụng thay thế bột nêm, giúp nồi canh ngọt hơn. Canh măng cũng có thể nấu với nhiều loại nguyên liệu khác nhau như thịt hay xương động vật, chim rừng, cá khe, ếch, ốc bươu...
Tất nhiên nguyên liệu chính của món ăn này đó chính là măng rừng, ngon nhất là măng nứa. Măng hầu như có quanh năm nhưng chính mùa vẫn là từ tháng 7 đến tháng 8 hàng năm. Canh măng rừng thường dùng để ăn với cơm. Theo như lời người dân địa phương thì khi ăn món này sẽ “tốn” cơm lắm lắm bởi ăn mãi không biết ngán.
(Theo Báo Quảng Bình)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.