Sau những buổi lao động mệt nhọc
ngoài ruộng về, người ta thường ghé tạt vô vườn hái nắm rau dại về nấu canh.
Rau má mọc chen trong những vườn mía, hay mương lạn. Rau má lá tròn như đồng
tiền có khía cho vị đắng, nhưng tính ngọt mát. Rau dền có hai loại dền xanh và
dền tía. Loại dền nào cũng cho vị ngọt mát. Rau huyết bò cũng có sắc màu và
tính chất như rau dền.
Bên cạnh đó là lá mỏ quạ xanh non, mồng tơi là dày, có
nhớt, người ta còn hái cả đọt choại non, đọt bình bát dây, cũng được tận dụng.
Nhiều thứ rau hỗn tạp ấy đem về rửa sạch để ráo rồi nấu canh. Vì vậy, canh rau
tập tàng ấy còn được gọi là canh rau lộnxộn, rau thập cẩm...
Tép trấu (có nơi còn gọi là tép mồng) ra đồng chạy cù
(tức chọn những đám năng, láy mọc từng chòm ở các đìa, ao, dùng chân vừa chạy
vừa dậm chung quanh cho tép, các bãi trầu hũn hĩn gom lại rồi dùng xà nel hay
rổ xúc, nhanh tay xúc lấy).
Tép mang về lựa, rửa sạch, để ráo nước rồi bằm
nhuyễn, nêm ít nước mắm, bột ngọt, tiêu, hành lá cho vừa ăn. Sang hơn thì đặt
nò dưới sông nơi có dòng nước chảy mạnh kiếm được mớ tép bạc. Tép bạc có thể
bằm nhuyễn, cũng có thể để nguyên con, chỉ ngắt bỏ phần đầu của nó mà thôi.
Bắc nồi nước sôi, thả tép vào khuấy đều, cho rau vào
ngay, trộn sơ, nêm thêm ít muối, bọt ngọt và nhắc xuống. Nếu nấu chung với mấy
củ khoai lang thì khoai gọt sạch, chặt miệng nhỏ và nấu trước cho mềm rồi mới
cho tép và rau vào sau.
Nồi canh rau tập tàng ăn nóng với cơm, cá hũn hĩn, bãi
chầu kho quẹt vừa ngon miệng, mồ hôi lại vã ra như tắm, nên bao nhiêu mệt mỏi
gần như tan biến. Không cao sang, không cầu kỳ, chỉ là món canh dân dã nơi đồng
quê, nhưng ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi hương vị thơm ngọt, thanh mát
của nó.
Đói lòng nhờ
chén canh rau
Chén cơm, hạt
muối dạt dào tình quê (Ca dao)
Vậy mới hay, trí tuệ dân gian đã giúp người bình dân
tận dụng một cách tuyệt vời, hiệu quả những thứ hoang dại, trời cho để phục vụ
một cách hữu hiệu cho đời sống con người.
Hai Miệt Vườn (Hai Miệt Vườn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.