Cắt bỏ trái "mề gà" khi trồng na Thái, một nông dân Cần Thơ hái toàn trái to bự, mỗi đợt bán cả tấn

Thứ hai, ngày 25/09/2023 10:26 AM (GMT+7)
Những năm qua, ở huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), nhiều nông dân đã nhạy bén chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp tăng thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiêu biểu có mô hình trồng na Thái của hộ ông Nguyễn Văn Măng, ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh.
Bình luận 0

Bí quyết trồng na Thái của lão nông miền Tây

Với hơn 4.000m2 đất của gia đình ông Nguyễn Văn Măng đã áp dụng nhiều mô hình sản xuất, như trồng lúa, nuôi tôm, thả cá,... nhưng giá cả bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Năm 2016, thông qua bạn bè giới thiệu về hiệu quả cây na Thái ông mua 150 gốc về trồng thử nghiệm trên diện tích khoảng 1.000m2 đất vườn phía sau nhà. 

Quá trình chăm sóc ông Măng học hỏi từ bạn bè và tích lũy thêm kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng ngừa dịch hại... 

Cắt bỏ trái "mề gà" khi trồng na Thái, lão nông miền Tây thu toàn quả to, mỗi đợt cắt bán cả tấn - Ảnh 1.

Vườn na Thái của ông Nguyễn Văn Măng, nông dân xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) đang ra hoa kết trái.

Ông Nguyễn Văn Măng, nói: “Vùng đất ở đây nhiều phù sa rất thích hợp cho cây na Thái sinh trưởng, phát triển. Hơn nữa cây na Thái không phải thuộc loại khó tính như các loại cây trồng khác, việc chăm sóc, bón phân, tưới nước hay phòng ngừa dịch hại cũng không cần tốn công và nhiều chi phí, điều quan trọng là phải kiểm soát được rệp sáp và nhện đỏ nếu không trái sẽ không đạt”.

Sau 2 năm na bắt đầu cho trái, đồng nghĩa với việc gia đình có nguồn thu nhập từ mô hình này và từ năm thứ 3 trở đi cây lớn đúng sức cho trái nhiều hơn cho thu nhập cao dần lên. Mỗi năm na cho thu hoạch 2 đợt trái vào giữa năm và cuối năm, thời gian từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch khoảng 4 tháng. Sau khi thu hoạch phải tỉa cành và bón phân để cây phục hồi và cho nụ bông mới. 

Theo ông Măng, để đảm bảo trái na được to tròn và bóng đẹp thì quá trình cây cho trái phải tuyển lựa, chọn để lại những trái tròn đều, đầy đặn, loại bỏ bớt những trái mà ông gọi là “mề gà”. Khi trái lớn bằng cổ tay phải bao lại để tránh côn trùng, sâu bọ chích hút, có như vậy thì quá trình nuôi trái và thu hoạch mới đạt năng suất và sản lượng, trung bình mỗi trái có trọng lượng từ 0,5-1kg, có những trái đạt khoảng 1,2kg. 

Chỉ với 100 gốc na mỗi đợt gia đình ông thu hoạch từ 1,2-1,5 tấn trái, tùy theo thời điểm thị trường mà thương lái thu mua từ 30.000-50.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình thu được từ 30-35 triệu đồng mỗi vụ.

Thấy hiệu quả từ mô hình này mang lại, năm 2019 ông Măng tiếp tục cải tạo diện tích đất bờ và mở rộng thêm gần 3.000m2 trồng 300 gốc na Thái. Hiện tại với hơn 400 gốc na cho thu nhập mỗi năm từ 200-250 triệu đồng, trong khi chi phí phân, thuốc chưa tới 20 triệu đồng, đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với diện tích chỉ hơn 4.000m2 đất nông nghiệp. Thời điểm này, vườn na của gia đình ông Măng đang ra hoa kết trái, dự tính sẽ cho thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán. 

Để đảm bảo nguồn thu nhập trong mùa Tết, ông đang tích cực chăm sóc, bón phân, phòng trừ dịch hại với mong muốn đạt năng suất và sản lượng cao nhất. Từ ngày áp dụng mô hình trồng na Thái gia đình ông có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống dần khấm khá. 

Ông Nguyễn Văn Măng, cho biết: Ban đầu tôi không nghĩ hiệu quả cao như vậy, nhưng qua các đợt thu hoạch na cho sản lượng cao, giá cả cũng ổn định và thương lái đến tận vườn thu mua nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích, tôi thường nói vui trong gia đình mình “làm chơi mà ăn thiệt”.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) cho biết: “Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, xã Vĩnh Trinh đã phát triển được 22,7ha vườn cây ăn trái, trong đó mô hình trồng na Thái là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả của địa phương và ông Nguyễn Văn Măng được xem là người đầu tiên đem cây na về trồng trên vùng đất này. 

Sắp tới xã tiếp tục vận động bà con, nhất là những hộ có vườn tạp, cải tạo áp dụng các mô hình trồng cây ăn trái, như: na Thái, dừa, mít,... tạo công ăn việc làm và ổn định thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

Minh Hải (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem