Ngay khu vực đầu cồn có 2 điểm nóng với 9 cần xáng đang khai thác, liên tục cạp cát bỏ lên sà lan tự hành trọng tải 1.000-2.000 tấn. Cứ khoảng 3-4 giờ thì cạp xong cho một sà lan.
Khai thác suốt đêm
Ông Năm Nhu - người địa phương, dẫn chúng tôi đi quan sát các khu vực sạt lở nặng quanh cồn do nạn cạp cát lậu không đúng vị trí gây nên, nhiều nơi xuất hiện hàm ếch dựng đứng, có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Nhà một số hộ dân bị rạn nứt, riêng đất của ông Năm Nhu từ 1ha trước đây nay sạt lở chỉ còn 3 công.
|
Những chiếc xáng cạp của Công ty Phát Đạt khai thác sai vị trí cấp phép tại khu vực cồn Sơn. |
Theo quy định của chính quyền, khi cấp phép khai thác mỏ cát, chủ đầu tư phải cắm bảng thông báo chủ mỏ, khu vực giới hạn khai thác, số điện thoại đường dây nóng của ngành tài nguyên môi trường… Tuy nhiên, ở khu vực mỏ cát của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Phát Đạt tại cồn Sơn, dù biển báo khai thác được cắm cách đầu cồn khoảng 700m, tức chỉ được khai thác từ đoạn biển báo này xuống phía hạ lưu 2.000m, nhưng 4 xáng cạp của công ty không tuân thủ quy định.
Ông Năm Nhu bức xúc: “4 chiếc xáng này luôn bỏ vị trí được cấp phép để “giữ gìn” mỏ. Chúng di chuyển lên đầu cồn để khai thác cả ngày lẫn đêm khiến việc sạt lở cồn ngày càng nặng. Chúng tôi nhiều lần báo chính quyền địa phương, nhưng việc xử lý không triệt để, mỗi lần có đoàn kiểm tra thì chủ mỏ đều biết thông tin, cho 4 chiếc xáng quay về khu vực được cấp phép để né chuyện xử phạt”.
Về đêm, khu vực đầu cồn Sơn sáng đèn như phố nổi bởi 9 chiếc xáng liên tục hoạt động. Ông Năm Nhu cho biết, ban ngày, những chiếc xáng cạp hoạt động xa bờ trên 200m theo quy định, nhưng về đêm thì kéo vào khai thác chỉ cách bờ độ 100-150m để được nhiều cát, ít tốn xăng dầu.
Chúng tôi đến khu vực cồn Tiên (quận Ô Môn) và cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), hàng chục chiếc xáng cũng hoạt động liên tục suốt ngày đêm tại khu vực 6 mỏ cát được cấp phép lẫn những khu vực không được cấp phép trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Bất lực hay bảo kê?
Anh Đặng Hữu Phước - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản, nước và Khí tượng thủy văn (Sở TNMT Cần Thơ), cho biết: Cách đây 2 năm, Cần Thơ có 10 mỏ cát trên sông Hậu với 31 cần xáng được cấp phép. Hiện nay, qua chấn chỉnh đã ngừng cấp phép mới cũng như gia hạn nên chỉ còn 16 cần được khai thác tại 7 mỏ. Mặc dù thực tế chỉ cấp có 16 cần nhưng qua khảo sát thực tế, có đến vài chục cần đang hoạt động, giờ khai thác được cấp từ 6 - 18 giờ cùng ngày nhưng các xáng này hoạt động suốt đêm không nghỉ.
Về 5 chiếc xáng cạp mang các biển số LA03038, LA04323, LA 02086, LA 05023 và CT 02032 đang khai thác tại khu vực đầu cồn Sơn thuộc quận Bình Thủy, qua kiểm tra trên bản đồ hiện trạng khai thác cát, ông Phước khẳng định: Khu vực trên không cấp phép khai thác cát cho bất kỳ đơn vị nào. Đồng thời, các xáng cạp trên cũng không được cấp phép khai thác.
Theo tôi, nên có chế tài nặng như tịch thu phương tiện nếu phát hiện khai thác cát không phép, có như vậy mới hạn chế được nạn “cát tặc” hoành hành này.
Ông Nguyễn Hữu Tặng - Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt.Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày 1 chiếc xáng cạp lấy khoảng 2-3 sà lan cát loại lớn, lãi ròng 25-40 triệu đồng. Với lợi nhuận lớn như vậy, các chủ xáng đã dùng tiền thuê người để giám sát lực lượng chức năng, không loại trừ cả việc mua chuộc cán bộ để “bắn” tin, lịch các đoàn kiểm tra.
Tại một cuộc họp về chấn chỉnh khai thác cát cách đây không lâu do UBND TP.Cần Thơ tổ chức, nhiều lãnh đạo cho biết mỗi lần đoàn kiểm tra liên ngành ra quân là thông tin được “bắn” rất nhanh cho các chủ mỏ. Khi đoàn xuống tới nơi thì các xáng cạp đã về đúng vị trí hoặc không hoạt động. Ngoài ra, lợi nhuận mang lại từ khai thác cát thì khổng lồ, nhưng chế tài xử phạt chưa đủ tính răn đe nên nạn khai thác cát trái phép cứ diễn ra bất chấp cơ quan chức năng ráo riết kiểm tra.
Đức Khánh - Cát Tường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.