Cầu nối giúp nhà nông Tiền Hải thi đua làm giàu

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 19/11/2021 10:08 AM (GMT+7)
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp Hội Nông dân (ND) huyện Tiền Hải, Thái Bình đã làm tốt vai trò là cầu nối, đồng hành hội viên, nông dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Bình luận 0

Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao

Với mô hình nuôi tôm công nghệ cao, anh Nguyễn Văn Thức (ở xã Nam Thắng, huyện Tiền Hải) là một trong những tỷ phú nông dân ở địa địa phương. Anh Thức cho biết: Để có mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 4.500m2, anh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng ao nuôi tôm kiên cố; mua sắm bạt phủ đáy, bạt che mái, máy sủi, máy quạt...

"Nuôi tôm công nghệ cao tuy vốn đầu tư lớn nhưng cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu nuôi tôm theo phương thức truyền thống thì một năm chỉ được 2 vụ, còn nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới được 3 vụ/năm, năng suất cao hơn nhiều, tỷ lệ tôm nuôi thành công đạt hơn 90%..." - anh Thức nói.

Cầu nối giúp nhà nông Tiền Hải thi đua làm giàu  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao của nông dân huyện Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh: Bình Minh

"Hội ND huyện Tiền Hải tiếp tục làm tốt hoạt động liên kết sản xuất với 4 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nông dân về vốn, giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản cho nông dân".

Ông Hoàng Quốc Việt -

Chủ tịch Hội ND huyện Tiền Hải

Anh Thức chia sẻ: Năm 2020, gia đình anh đã xuất bán 3 vụ tôm thẻ chân trắng với tổng sản lượng gần 15 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 600 triệu đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường tôm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm xuất bán giảm nhưng tôm của gia đình anh vẫn có nhiều thương lái đến mua bởi chất lượng tôm tốt, mẫu mã đồng đều. Ông Vũ Văn Biền - Chủ tịch Hội ND xã Nam Thắng cho biết: Nông dân xã Nam Thắng trước kia chủ yếu nuôi trồng thủy sản theo phương thức quảng canh. Từ năm 2015 trở lại đây, trên địa bàn xuất hiện các mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới giúp đời sống của nhiều nông dân nơi đây từng bước được cải thiện.

Từ vài mô hình nuôi tôm công nghệ cao ban đầu, Hội ND xã hiện đã nhân rộng được hơn 10 mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà lưới.

"Khó khăn nhất đối với những hộ đầu tư mô hình này là cần nguồn vốn lớn nhưng các hộ khó tiếp cận với tổ chức tín dụng để vay vốn. Vì vậy, Hội ND xã đã đứng ra tín chấp với các ngân hàng giúp hội viên vay vốn. Đồng thời, Hội thành lập mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ chăn nuôi với mục đích để hội viên hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật chăn nuôi" - ông Biền cho biết.

Nâng chất các phong trào

Không chỉ ở Nam Thắng, nhiều nông dân ở Tiền Hải đã đổi mới tư duy, đầu tư tiền tỷ vào mô hình phát triển kinh tế của mình mang lại hiệu quả cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Toàn huyện hiện có 9 tổ hợp tác, 1 HTX do Hội ND quản lý và hoạt động hiệu quả, đem lại nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm cho hội viên như mô hình nuôi vịt biển, gà ri lai tại xã Đông Xuyên, nuôi cá sủ sao tại xã Nam Thịnh...

Ông Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Hội ND huyện Tiền Hải cho biết: Hội ND huyện thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở. Huyện hội chỉ đạo Hội ND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên tích cực sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh gắn với việc thực hiện các chương trình kinh tế trọng điểm của huyện. Để hoạt động công tác Hội có hiệu quả, Hội tăng cường kiểm tra, giám sát hội cơ sở thực hiện các nhiệm vụ. Từ đầu năm đến nay, Hội ND huyện tổ chức 76 buổi kiểm tra việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm. Hội phối hợp tổ chức đối thoại 4 cuộc giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tham mưu giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của nông dân.

Các cấp hội đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức 42 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân với trên 2.790 hội viên tham dự, trong đó tập huấn dạy nghề là 7 lớp cho 291 hội viên. Về vốn hỗ trợ, Hội ND huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 166 tỷ đồng, cho 5.401 hộ vay, với Ngân hàng NNPTNT hơn 400 tỷ đồng, cho 6.100 hộ vay; nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân đạt hơn 3,5 tỷ đồng cho 124 hội viên vay phát triển kinh tế.

Có vốn, có kiến thức, nhiều hội viên, nông dân đã mạnh đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Ông Việt cho biết thêm: Thực tế, nông dân là đối tượng chịu nhiều rủi ro vì khó khăn trong tìm đầu ra cho nông sản; luôn thiệt thòi vì phải loay hoay với điệp khúc "được mùa mất giá, mất mùa được giá". 

Để góp phần hỗ trợ hội viên giải quyết vấn đề này, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem