Cầu Thủ Thiêm 4 trên 6.000 tỷ đồng, có hai tĩnh không thông thuyền
Cầu Thủ Thiêm 4 trên 6.000 tỷ đồng, có hai tĩnh không thông thuyền
Vũ Quyền
Thứ ba, ngày 05/12/2023 07:49 AM (GMT+7)
Cầu Thủ Thiêm 4 được bố trí 2 trụ tháp bằng bê tông cốt thép cùng với hệ nâng, nhịp dẫn, tĩnh không thông thuyền cầu chính khi hoạt động bình thường (BxH = 80x15m), khi có tàu lớn đi qua (BxH = 80x45m).
Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng
Sở GTVT TP.HCM mới đây đã có tờ trình gửi Hội đồng Thẩm định TP.HCM (do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Theo tờ trình, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 7 và TP.Thủ Đức có quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp), vận tốc thiết kế 60km/h.
Cầu có điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, quận 7; điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4, TP.Thủ Đức.
Tổng chiều dài tuyến khoảng 2,16km, trong đó phần cầu dài 1,635km, phần đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 525m.
Đặc biệt, tại phần chính của cầu được bố trí 2 trụ tháp bằng bê tông cốt thép cùng với hệ nâng, nhịp dẫn sử dụng dầm bê tông cốt thép dự ứng lực. Tĩnh không thông thuyền cầu chính qua sông Sài Gòn khi hoạt động bình thường (BxH = 80x15m), khi có tàu lớn đi qua (BxH = 80x45m).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng); trong đó vốn ngân sách TP khoảng 2.826 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay), vốn BOT khoảng 2.883 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).
Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến sẽ được xây dựng từ năm 2024-2028. Từ năm 2028 sẽ bắt đầu thu phí BOT đến năm 2048, thời gian thu phí khoảng 18 năm 8 tháng.
Nếu được thông qua, từ nay đến 2024, TP sẽ chuẩn bị dự án; năm 2024-2025 thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; 2025 tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; thiết kế, thi công xây dựng công trình vào năm 2025, hoàn thành năm 2028. Thời gian tổ chức quản lý và thu phí công trình bắt đầu từ năm 2028 đến năm 2048.
Cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện nay, các công trình hạ tầng giao thông chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm gồm 4 tuyến đường chính, hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc... đã cơ bản hoàn thành (dự kiến đưa vào khai thác trong năm 2025).
Bên cạnh việc đầu tư hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu đô thị mới Thủ Thiêm, hình thành một hệ thống giao thông thuận tiện, thông thoáng hiện đại để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM cần phải sớm đầu tư xây dựng hệ thống các cầu kết nối giao thông khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm hiện hữu của TP và khu đô thị Nam TP.
Hiện nay, khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa kết nối được với quận 4, quận 7 và khu đô thị Nam TP.
Do vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được TP xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc đầu tư sớm dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 giảm áp lực giao thông cho trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, nút giao thông, Huỳnh Tấn Phát - đường Lưu Trọng Lư - đường Bến Nghé, nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, khu công nghiệp Tân Thuận...
Đồng thời, tạo điều kiện thu hút đầu tư, phát triển du lịch, tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển nhanh khu đô thị mới Thủ Thiêm, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển khu đô thị mới phía Nam TP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của TP.HCM.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.