Chăn nuôi cá sấu lâm vào tình cảnh xấu

Trần Đáng – Thảo Xanh Thứ tư, ngày 03/06/2015 16:48 PM (GMT+7)
Thời gian qua lượng da cá sấu và cá sấu con sống xuất khẩu đang có dấu hiệu đi xuống. Sau một thời gian chống chọi tìm đầu ra cho sản phẩm, một số doanh nghiệp chăn nuôi cá sấu ở TP.HCM đã phải chuyển hướng kinh doanh. 
Bình luận 0

Chật vật đầu ra

Ông Tăng Hùng - chủ trang trại cá sấu Phước Hiệp ở Củ Chi, TP.HCM cho biết, trước nhiều áp lực về vốn, đầu ra thị trường nội địa hiu hắt trong khi xuất khẩu hạn hẹp, ông đành cho đóng cửa trang trại và chuyển hướng kinh doanh.

img
Xử lý sản phẩm trong xưởng sản xuất thành phẩm từ da cá sấu của một trang trại nuôi cá sấu ở Củ Chi, TP.HCM.  Ảnh:  T.Đ
Tương tự, ông Nguyễn Trường Quốc (ngụ ở Bình Chánh, TP.HCM) cũng từng có một trang trại nhỏ nuôi cá sấu gia công cho các công ty da. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nguồn vốn eo hẹp trong khi đầu ra khó khăn, các đơn hàng ít dần và giá thành giảm mạnh khiến ông bị thua lỗ nặng nên vừa quyết định tạm ngừng nuôi cá sấu và chuyển qua nuôi heo. Ông Quốc cho biết, vì nuôi gia công nên nguồn vốn phụ thuộc vào doanh nghiệp. Trong hoàn cảnh các doanh nghiệp lúng túng chưa tìm được đầu ra, người dân nuôi gia công sẽ chịu lỗ.

 

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Kiểm Lâm (Sở NNPTNT TP.HCM), hiện nay số lượng cá sấu nước ngọt được nuôi trên địa bàn các quận, huyện thành phố đã lên đến gần 160.000 con. Trong khi đó bình quân hàng năm TP.HCM chỉ xuất khẩu có hơn 20.000 con cá sấu và xuất bán nội địa hơn 30.000 con cá sấu nước ngọt, tức còn dư tới 110.000 con. Trong lĩnh vực xuất khẩu da cũng gặp tình trạng tương tự khi mà từ đầu năm đến giờ, sản lượng da cá sấu xuất khẩu chỉ được 610 tấn, đạt... 1,5% kế hoạch xuất khẩu đề ra cả năm 2015 của TP.HCM.

Lý giải về điều này, ông Lâm Tùng Quế - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM) cho biết, thực chất các doanh nghiệp Việt Nam có thực lực, vấn đề chính là đầu ra của sản phẩm vẫn chỉ thu hẹp với 3 thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số doanh nghiệp phía Trung Quốc đã ngừng thu mua cá sấu. Thị trường đã khó, các doanh nghiệp còn đối mặt với vấn nạn phải cạnh tranh gay gắt với các thương lái Trung Quốc khi họ hạ giá thành và thu mua cá sấu sống hàng loạt qua con đường tiểu ngạch.

Cần đầu tư cho công nghệ thuộc da

Theo ông Đào Văn Đang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cái khó của các doanh nghiệp Việt Nam chính là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó ở thị trường sản phẩm chế biến sâu, thuộc da thì công nghệ thuộc da của ta còn non yếu. Ông Vang cho biết, hiện các doanh nghiệp ở Việt Nam đã nhập công nghệ thuộc da từ Ý về với mong muốn nâng cao chất lượng các sản phẩm da cá sấu trong nay mai.

Trước những khó khăn của các doanh nghiệp chăn nuôi cá sấu ở thành phố, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM cũng đã có tích cực đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ như ngoài việc xuất khẩu còn tìm cách đẩy mạnh thị trường tiêu thụ nội địa; hỗ trợ về kỹ thuật, mỹ thuật, vốn cũng như tham gia các hội chợ thương mại để tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới.

Bên cạnh việc xuất khẩu da thành phẩm và cá sấu sống, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu sử dụng toàn bộ chế phẩm từ cá sấu. Hiện tại Công ty Cá sấu Hoa Cà đã nghiên cứu tận dụng thành công xương cá sấu để nấu cao chữa bệnh xương thủy tinh.

Ông Tôn Thất Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Cá sấu Hoa Cà cho biết, vừa qua ông cùng các đồng nghiệp đã sang Mỹ báo cáo kết quả chữa bệnh xương thủy tinh từ cao cá sấu và mong rằng chuyến đi này sẽ là bệ phóng tìm hướng đi mới cho các sản phẩm cá sấu của công ty trong tương lai. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem