Cháy rừng ở Hà Tĩnh: Gửi những người chống "giặc lửa" trên đỉnh rú

Trần Văn Việt Thứ sáu, ngày 05/07/2019 12:39 PM (GMT+7)
Trong cuộc chiến với "giặc lửa" của vụ cháy rừng lịch sử tại Hà Tĩnh những ngày qua, tôi đã thực sự xúc động khi thấy trên Facebook của anh Kha Le Van, một cán bộ lâm nghiệp, những hình ảnh kèm lời chú thích: “Những hình ảnh đầu sóng ngọn gió này của lực lượng chữa cháy rừng chúng tôi rất ít được nhắc tới vì thường ở vị trí đỉnh rú (núi) cao”.
Bình luận 0

"Dân LN" giữ rừng

Trong đau thương và xót xa đến nghẹn đắng vì hậu quả vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh vừa qua, mãi đọng lại một hình ảnh rất đẹp về tình quân dân, sự hy sinh và quả cảm của những chiến sĩ công an, quân đội và lực lượng phòng chống cháy. Họ mãi mãi xứng với danh xưng “Quân đội Nhân dân” và “Công an Nhân dân”.

Nhưng sẽ thật là thiếu sót lớn khi chúng ta không biết tới những hy sinh thầm lặng của những “người rừng” - các cán bộ lâm nghiệp - những người luôn "đứng mũi chịu sào" trên đỉnh rú (núi) trong cuộc chiến với giặc lửa những ngày qua. Những người mà việc bảo vệ màu xanh của rừng đã thành thói quen như việc ăn, thở hàng ngày.

imgimg

Những hình ảnh lực lượng công an, quân đội chiến đấu với “giặc lửa”  trong vụ cháy rừng tại Hà TĨnh. (Nguồn: VNE, Doisongtieudung.vn)

Ngẫm về họ, về cuộc chiến vì màu xanh tuy gian nan và khó lường nhưng thứ còn đọng mãi lại là tình người, tình quân dân, và tình yêu màu xanh của người xứ Nghệ, với đặc sản nắng nóng và gió Lào.

Vụ cháy rừng lịch sử ở Hà Tĩnh dường như đã chạm đến trái tim mỗi người, thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận. Trên các phương tiện báo chí truyền thông dày đặc hình ảnh và nhiều câu chuyện cảm động xung quanh vụ cháy này...

Nhiều người rơi nước mắt khi đọc những dòng sẻ chia trên facebook “Nhung Kieu Tuyet”, kèm bài thơ “Vì anh là lính cứu hoả” gửi cho những người lính cứu hỏa trong vụ cháy rừng Hà Tĩnh. Chỉ sau hơn một ngày, những dòng thơ này lan truyền mạnh mẽ, thu hút cả nghìn bình luận của cư dân mạng.

Rồi câu chuyện về 1.000 suất cơm của một chủ nhà hàng ở Nghệ An mang đến cho từng chiến sĩ chữa cháy làm lay động trái tim con người, nhắc nhớ về tình yêu thương, sự sẻ chia và đóng góp trong hoạn nạn. Xúc động làm sao khi hành động của ông chủ nhà hàng đó xuất phát từ: “Mình nằm phòng lạnh mát mẻ thế này, trong khi các chiến sĩ và người dân đang chịu nóng, chịu khói và cả nguy hiểm để dập lửa. Mình không trực tiếp dập lửa thì cũng phải làm việc gì đó…”.

Trong cái rủi có cái may. Nhờ vụ hỏa hoạn, người ta mới "sực tỉnh” trước sức tán phá khủng khiếp của thiên tai. Và cũng từ đó người ta mới nhận ra giá trị vô cùng to lớn của rừng. 

Hà Tĩnh quê tôi vốn nổi tiếng với thứ đặc sản “nắng như đổ lửa” và “gió Lào”. Và cũng vì thứ đặc sản này mới thấy hết sự kiên cường và nghĩa khí của người dân “khu bốn” trong cuộc chiến chống “giặc lửa”, nhọc nhằn và gian khó không khác gì chống giặc ngoại xâm xưa kia.

imgimgimg

Hình ảnh nghỉ ngơi sau lần dập cháy trên đỉnh núi của những người kiểm lâm. (Ảnh: FB Kha Le Van)

Nhưng cũng có điều chạnh lòng. Những ngày qua, những người làm nghề lâm nghiệp lại gần như không được nhắc tới nhiều trong các dòng tìn, dù họ cũng góp phần không nhỏ trong cuộc chiến gian khổ này. Trên nhiều phương tiện thông tin, họ chỉ là những người không tên, được nhắc cùng lắm ở… (dấu ba chấm). Vì thế, bài viết này như một sự chia sẻ hiếm hoi với họ. Và tôi tin, họ cũng chỉ cần có thế. Vì với những người gắn với nghiệp rừng là vậy – chỉ cần cái tình, nhớ đến nhau là đủ.

Khi họ xông pha giữ rừng, chống giặc lửa, với tôi họ đã là người nhà (cùng ngành lâm nghiệp), trở thành “dân lâm nghiệp”. Người lâm nghiệp, chúng tôi hay nói vui với nhau là “dân LN” với nhau, tức là “dân lơ ngơ”, “dân láo ngáo”, một cách gọi tếu táo để thể hiện sự thân tình và trọng nghĩa của người làm nghề rừng.

Nhưng câu chuyện dưới đây về chia sẻ trên Facebook của một đồng nghiệp là rất đặc biệt, nó làm tôi buộc phải viết bài này.

Những người “đầu sóng ngọn gió”

Trên Facebook của anh Kha Le Van, một cán bộ lâm nghiệp, anh đã chia sẻ những hình ảnh, kèm lời chú thích: “Những hình ảnh đầu sóng ngọn gió này của lực lượng chữa cháy rừng chúng tôi rất ít được nhắc tới vì thường ở vị trí đỉnh rú (núi) cao”.

Ai theo nghề rừng cũng sẽ hiểu đằng sau dòng chia sẻ này là cả một sự trăn trở, vượt ra ngoài tính địa phương và cục bộ ngành nghề, nó là vấn đề quốc gia và toàn cầu. Và tôi, hai mắt cứ rưng rưng và cay xè, khi đọc mỗi câu, mỗi từ chia sẻ cũng như bình luận của nhiều đồng nghiệp khác...

Tiếp theo dòng chia sẻ đó, anh Kha Le Van viết thêm ngắn gọn: “Kiệt sức do gồng mình mang máy thổi gió nặng trên 10kg + nước 5kg. Thương các đồng nghiệp của tôi...”.

Chỉ trong một ngày, chia sẻ đã nhận được sự đồng cảm rộng rãi của mọi người, trong đó không ít đồng nghiệp. Và cũng chỉ dừng lại ở con số chia sẻ có tính chất “nội bộ”, vì người ngoài ngành theo nhiều lẽ nào đó sẽ không quan tâm... 

Đáng chú ý, anh Thiều Lê nói về “sự thầm lặng” hy sinh, vất vả của cán bộ lâm nghiệp như sau: “Truyền thông và mọi người chỉ thấy công an, bộ đội chữa cháy. Còn lực lượng chữa cháy hiệu quả nhất là công nhân cán bộ của các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và công ty lâm nghiệp thì chẳng mấy ai nhớ mô (đâu)". Bạn Binh Hoai tiếp: “…Chỉ những người trong cuộc mới hiểu được hết tinh thần và trách nhiệm của anh em”.

Quả đúng thế thật, vì chúng ta sẽ khó có thể tìm thấy hình ảnh của họ trên các trang báo hay trên truyền hình. Nên hình ảnh duy nhất mà tác giả có về họ trong bài viết này phải “trông cậy” vào facebook của anh Kha.

Bạn Tuấn Anh Đặng chia sẻ thêm: “Lực lượng ni (này) dập lên đỉnh rồi còn các lực lượng khác ở dưới. Các sếp đi thăm ở dưới nên không biết không hiểu, anh em ban quản lý thiệt thòi lắm. Động viên hay tiếp tế không đến nơi”.

Nhưng người Lâm nghiệp cũng rất khác biệt. Trong vất vả thì luôn lạc quan, yêu đời, luôn tràn ngập niềm vui, “tự sướng” với nhau bằng những câu nói pha trò và tếu táo. Bạn Quyết Rừng thì tếu táo tham gia: “Những anh vất vả thường lên đỉnh”. Bạn Biên Bèo cũng hưởng ứng và động viên: “Cố gắng lên anh em, mai mốt hết cháy xuống Vinh ta uống bia hơi”.

Bạn Phạm Thanh Tuấn nói: “Chúng ta là lực lượng đi sớm nhất và về muộn nhất, không thay ca, chủ yếu là tự túc..”. Bạn Chinh Nguyen Trinh: “Thành phần đi sớm về muộn. Ở đâu cũng phải có mặt”. 

Và còn nhiều sự hy sinh thầm lặng như thế lắm, nhưng mấy ai biết đến họ? Ông Đậu Văn Tiến, trú xóm 8, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, mỗi lần nghe tin có vụ cháy rừng trên địa bàn đều xung phong đi đầu cầm cưa phá đường băng cản lửa cứu rừng. Ông đã được ví là “Người hùng cản lửa cứu rừng không cần thù lao”.

Trăn trở nghề rừng ở Việt Nam

Một thực tế rằng chỉ những ai là cán bộ lâm nghiệp mới qua đào tạo chuyên về lĩnh vực chữa cháy rừng (PCCCR). Vì trường Đại học Lâm nghiệp, cái nôi của họ là nơi có chương trình chuyên về cháy rừng. Chưa nói, cán bộ lâm nghiệp gắn với công việc chuyên môn nên thông thạo địa bàn, kỹ năng "trèo đèo, lội suối, lên đỉnh” (núi) là chuyện hằng ngày.

Kỹ năng và chuyên trách về rừng là rất ý nghĩa trong PCCCR. Gần đây, trong cuộc họp ngay sau khi đã chặn đứng được đám cháy, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh ở Nghệ An đã nhấn mạnh điều này trong phương án PCCCR. Đó là: “Phải có bản đồ khu vực…, phải nhấn mạnh người có kinh nghiệm rồi mới đến lực lượng vũ trang… và phải sát với thực tiễn địa bàn”. Cũng trong cuộc họp, Chủ tịch Thái Thanh Quý đã nhấn mạnh về sự bất cập khi thiếu quan tâm đến lực lượng chuyên trách. 

img

Sự ra đi của bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964) trong vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh là hình ảnh tiêu biểu về sự mất mát của người làm nghề rừng. (Ảnh: N.V)

Trong vụ cháy rừng vừa qua, số cán bộ lâm nghiệp tham gia là nhỏ bé so với sức mạnh của 15.000 người tham gia - chủ yếu là người dân, quân đội, công an và lực lượng PCCC chuyên nghiệp. Toàn tỉnh Nghệ An chỉ có khoảng 500 cán bộ thuộc lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng và doanh nghiệp lâm nghiệp.

Và cũng một thực tế khác rằng, người cán bộ Lâm nghiệp được trang bị thô sơ, không có xe chuyên dụng hay dụng cụ chuyện nghiệp, mà thay vào đó là xe máy cá nhân, phương tiện thô sơ theo kiểu “cuốc – thuổng – gậy – gộc” để chống “giặc lửa”.

Xin được mượn chia sẻ của một bạn dành cho các chiến sĩ quân đội và công an để nói về những cán bộ Lâm nghiệp: “Họ cũng gian truân, vất vả, trăn trở cùng công việc như bao người khác, cũng có lúc lo lắng, sợ sệt... Ở quê nhà, mẹ già, vợ trẻ, con thơ đang nhìn theo họ, ngóng trông, chờ đợi họ. Sao không khỏi có phút yếu lòng, sao không khỏi có chút lo lắng…”.

Thế nhưng, thực tế đây lại là lực lượng nòng cốt, hiệu quá nhất vì đặc thù của các vụ chống cháy rừng là việc tiếp cận địa hình vô cùng khó khăn, gần như không khả thi cho nhiều phương tiện cơ giới của lực lương công an và quân đội.

Trực tiếp thị sát công cuộc phòng chống giặc lửa trong vụ cháy vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: “Điểm cháy ở trên chiền núi cao, không thể dùng máy bơm và vận chuyển nước lên dập được nên phương thức vẫn là dùng cành cây để dập và máy thổi để khoanh vùng cháy”.

Những sự thật đến mức “phũ phàng” đó khiến chúng ta giật mình khi Việt Nam là quốc gia với 50% diện tích lãnh thổ là rừng và đất lâm nghiệp. Việt Nam cũng là quốc gia mà người dân sống dựa chủ yếu vào rừng, với hơn 70% dân sống gần rừng, hơn 25 triệu đồng bào dân tộc thiểu số sống phụ thuộc hoàn toàn vào rừng.

Chiến lược của Đảng và nhân dân ta, với công cuộc “phát triển bền vững” (vì tương lai lâu dài), “tăng trưởng xanh” (chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển), và phát triển vì người nghèo, vì đồng bào vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu và vùng xa.

Với những cánh rừng nơi biên giới, những cán bộ lâm nghiệp là những người ở “đầu ngọn gió” ngày đêm bảo vệ cho tấm áo của mẹ thiên nhiên, che chắn bão lũ và thiên tai, dịch bệnh. Với những cảnh rừng ven biển, họ là những người ở đầu “ngọn con sóng” để thành đê chắn sóng, chắn cát bay và xâm nhập mặn – bảo vệ mùa màng và cuộc sống người dân trong đất liền.

Sư hy sinh của bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1964) trong vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh là một hình ảnh tiêu biểu về sự mất mát đau đớn, cũng như công lao, đóng góp của người làm nghề rừng. 

Đó là sự hy sinh tột cùng. Tôi bị ám ảnh không chỉ vì cái chết đau đớn của bà Hoa, mà còn là hình ảnh người phụ nữ lớn tuổi mang trọng bệnh, nhưng vẫn leo rừng mang nước cho con trai đang ở “tuyến đầu” chống giặc lửa. Xót xa về sự hy sinh này, một cán bộ lâm nghiệp để dòng trạng thái trên facebook: “Quá đau lòng, những lúc này mới thấy người làm nghề rừng cực khổ. Cầu mong bà siêu thoát nơi suối vàng…”.

Có thể trong cuộc sống với bộn bề vật chất, những người theo “nghiệp rừng” bị lãng quyên nhưng họ luôn hiện diện trong tim mỗi chúng ta.

Tất cả những sự hy sinh thầm lặng của "dân LN" gần như được gói gọn trong vần “thơ phủi” mà anh Thiều Lê - một cán bộ lâm nghiệp vừa viết xong ngày 3/7 vừa rồi, với nhan đề “NHỮNG CON NGƯỜI THẦM LẶNG”:

Tôi muốn viết lên đây một đôi lời

Về các anh, các bạn của tôi

Lực lượng chuyên trách trong ngành lâm nghiệp

Sống bám rừng với bao nỗi gian truân

Đã mấy ngày qua các anh phải hành quân

Cùng các ban, ngành lao vào biển lửa

Cố hết sức cứu lấy những cánh rừng 

Họ không phải là lính, nhưng như là lính

Vai mang ba lô, chân mang dày của lính

Quần áo đủ màu, tay vỉ, tay dao

Không là lính nhưng kỷ luật sát sao

Đâu có cháy anh là người đến trước

Chân vững vàng anh đâu sợ núi non cao

Lửa cháy mạnh lòng không chút núng nao

Cùng đồng đội lao vào chiến đấu

Trong tâm cháy luôn ở tại tuyến đầu

Vừa chữa cháy, vừa động viên, hướng dẫn

Bởi vì anh là người lính nghiệp lâm

Khi lửa tắt anh là người ở lại

Trực sau cùng không để lửa cháy lan

Xong công việc ngả lưng trên đất sỏi

Hay vạt cỏ bị héo vàng tro khói 

Trên gương mặt còn lấm lem tro bụi

Quệt mồ hôi chia ngụm nước mát lành...

Liệu có ai nhớ đến các anh?

Người lâm nghiệp quên mình trong lửa cháy

Đến đầu tiên, về thầm lặng cuối cùng

Không một tấm hình, chẳng chút vinh danh

Chỉ có đồng nghiệp là hiểu các anh

Mãn nguyện cười khi rừng được cứu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem