Chỉ vuốt nhẹ rồi cướp đồ mà không ai hay

Thứ sáu, ngày 17/06/2011 12:41 PM (GMT+7)
Chỉ cần chạm nhẹ vào cơ thể, hay qua đôi lời nói chuyện, kẻ gian có thể lấy đi tài sản có giá trị mà nạn nhân không hề hay biết. Đó là một thực trạng khiến nhiều sinh viên tại làng đại học Thủ Đức TPHCM hoang mang.
Bình luận 0

Tỉnh ra thì đã muộn!

Chuyện trộm cắp, cướp bóc ở làng đại học (giáp ranh giữa phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương và phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TPHCM) lâu nay không còn là chuyện lạ. Thời gian gần đây, nhiều đối tượng còn dùng thuật “thôi miên” để cướp tài sản, khiến nhiều sinh viên vốn đã cảm thấy bất an, giờ đây càng lo sợ hơn.

Một ngày cuối tháng 5, C. (sinh viên năm 4, khoa Công tác xã hội, trường Đại học KHXH&NV TPHCM) đang ngồi học bài trong phòng thì có một người phụ nữ trạc 30 tuổi bước vào phòng, bắt chuyện liên hồi. Sau đó, người phụ nữ nắm lấy tay, vỗ lên vai của C. rồi bảo mang ra cho cô ta toàn bộ tài sản gồm một laptop và 4,5 triệu đồng tiền mặt.

Sau khi lấy xong, người phụ nữ ung dung đi ra khỏi phòng và biến mất. C. ngẩn ngơ người đến cả buổi thì mới tỉnh lại. Với vẻ mặt ủ rũ, C. nói: “Lúc đó không hiểu tại sao em đưa tiền cho bà ấy nữa, chỉ nhớ bà ta nắm lấy tay, sờ vai em. Sau khi tỉnh dậy, em mới biết mình bị mất tài sản”.

Khác với C., H. (khoa Văn học & Ngôn ngữ, trường Đại học KHXH&NV TPHCM) bị một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên tiếp thị sản phẩm vào phòng ngồi nói chuyện và lấy toàn bộ tài sản.

H. kể lại: “Sáng 26.10.2010, em đang ngồi trong phòng thì có một người phụ nữ lạ bước vào xin nước uống, hỏi thăm đủ thứ chuyện về gia đình, học hành... rồi vuốt nhẹ lên tóc em. Sau đó, người phụ nữ kia tặng một hộp hình vuông và nói đó là quà dành cho em. Cho đến lúc tỉnh dậy thì phát hiện mình bị mất một ví tiền, điện thoại trị giá hơn 3 triệu đồng”.

Tương tự, V. (khoa Môi trường - Tài nguyên, Đại học Nông Lâm) nằm đọc sách tại phòng thì bị một người thanh niên lạ vào bắt chuyện, tự xưng nhân viên tiếp thị sản phẩm. Sau một hồi chuyện trò thân mật, V. tỉnh người thì phát hiện máy tính, điện thoại, ví tiền đã không cánh mà bay.

Khi chúng tôi đi tìm hiểu, phỏng vấn để thu thập thông tin, các nạn nhân có vẻ ngại tiếp xúc và nói chuyện với người lạ. V. thú thật: “Giờ em sợ nói chuyện hay gặp mặt người lạ lắm rồi, nếu ở nhà một mình thì em đóng cửa phòng, ai gõ cửa thì em hỏi trước rồi mới ra mở”.

Sinh viên cần đề cao cảnh giác

Không chỉ “thôi miên” cướp tài sản, nhiều đối tượng liều lĩnh cạy cửa đột nhập vào phòng để lấy cắp, dùng vũ lực để cướp đi những tài sản giá trị của sinh viên.

Trung tá Nguyễn Văn Hây - Trưởng Công an phường Đông Hòa - cho biết: “Công an phường thời gian qua đã theo dõi nắm bắt tình hình tại làng đại học, tổ chức tuần tra liên tục nhằm lập lại trật tự an ninh tại đây. Trong lúc đi tuần, công an phường cũng đã bắt quả tang nhiều đối tượng cướp hoặc chuẩn bị cướp”.

Lúc 22 giờ ngày 14.5.2011, trong lúc tuần tra tại khu vực hồ đá thuộc làng đại học Thủ Đức, công an phường phát hiện và đưa về trụ sở ba đối tượng nghi vấn. Qua đấu tranh ba đối tượng, Trần Văn Văn, Chu Quang Hợp và Trần Văn Lợi (trú tại Đô Lương - Nghệ An) khai nhận đang trên đường đi cướp tài sản của các đôi tình nhân tại đây. Công an đã thu giữ một mã tấu, ống tuýp sắt, một đoản phá cổ xe và hai xe máy.

Trung tá Hây cho biết: “Trong thời gian tới, công an phường sẽ kết hợp với các ban ngành địa phương, Đoàn, hội sinh viên các trường đại học đóng trên địa bàn để tuyên truyền về âm mưu, thủ đoạn của các loại tội phạm. Bên cạnh đó, công an phường kết hợp với bảo vệ dân phố thường xuyên tuần tra kiểm soát các nơi có nguy cơ mất an ninh trật tự như hồ đá. Điều đầu tiên và cốt yếu để hạn chế ngay tình trạng mất cắp, cướp giật tại đây là “sinh viên cần đề cao cảnh giác và có ý thức bảo vệ tài sản của mình”.

Theo CATP

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem