Chiến dịch Trung Quốc nã pháo dữ dội, kéo dài suốt 20 năm nhằm khuất phục Đài Loan

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 25/10/2020 18:55 PM (GMT+7)
Ngày 23.8, Brent Christensen, giám đốc Viện Mỹ ở Đài Loan (AIT), đã lần đầu tiên tham dự lễ kỷ niệm 62 năm ngày Đài Loan giao tranh với Trung Quốc. Sự kiện đánh dấu cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần hai, theo Taiwan News.
Bình luận 0

img

Tàu sân bay USS Lexington khởi hành đến hỗ trợ Đài Loan năm 1958.

AIT được coi là cơ quan ngoại giao không chính thức của Mỹ ở Đài Loan. Ông Christensen là quan chức hàng đầu của Mỹ và là quan chức nước ngoài duy nhất có mặt tại lễ kỷ niệm.

62 năm trước, 9 năm sau khi Quốc dân Đảng rời đại lục sang Đài Loan, quân đội Trung Quốc phát động chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng đồn trú Đài Loan trên đảo Kim Môn, cách đại lục không đến 10km.

Trong 44 ngày diễn ra sau đó, hơn 475.000 quả đạn pháo được Trung Quốc đại lục nã xuống đảo Kim Môn và sự kiện này được gọi là trận pháo kích Kim Môn. Suốt 20 năm sau, Trung Quốc vẫn nã pháo lên đảo Kim Môn với tần suất gần như mỗi ngày, cho đến khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Nỗ lực thống nhất Đài Loan

Năm 1958, Đài Loan không ngừng mở rộng hoạt động quân sự, gia cố phòng tuyến trên đảo Kim Môn và quần đảo Mã Tổ, trở thành cái gai trong mắt Trung Quốc đại lục.

Từ ngày 17.7.1958, lực lượng Đài Loan đã nắm được thông tin tình báo rằng Trung Quốc đang tập trung binh lực ở vùng ven biển gần Kim Môn. Ước tính 189.000 quân cùng 370 khẩu đội pháo được Trung Quốc trải dọc ở vùng ven biển, theo Taiwan Today.

Ít nhất 267 máy bay quân sự được đặt trong trạng thái sẵn sàng tấn công đảo Kim Môn. Nếu tính từ khoảng cách 1.300km, quân đội Trung Quốc có tới 1.842 máy bay có thể tung vào chiến dịch. Các hoạt động tuần tra, trinh sát của tiêm kích MiG-15 và MiG-17 xuất hiện với tần suất dày đặc.

Ngày 29.7, oanh tạc cơ Trung Quốc được điều đến căn cứ ở Thượng Hải. Cùng ngày, 4 máy bay Thunderjet của Đài Loan bị 4 chiếc MiG-17 tấn công, trong đó một chiếc bị bắn rơi và 1 một chiếc bị hư hại.

img

Trung Quốc đã nã hàng chục ngàn quả đạn pháo xuống đảo Kim Môn mỗi ngày năm 1958. Ảnh minh họa.

Ở trên biển, hai hạm đội tàu chiến Trung Quốc với 17 tàu chiến và 21 tàu rải ngư lôi neo tại cảng Phúc Kiến, nơi gần nhất hướng ra đảo Kim Môn.

Ngày 3.8.1958, lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông và lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev có cuộc gặp kéo dài 4 ngày ở Bắc Kinh. Hai bên lên án những hành động đe dọa hòa bình của Mỹ và Anh. Giới quan sát ở thời điểm đó đồn đoán, lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô có nhắc đến tình hình ở Kim Môn và quần đảo Mã Tổ.

“Các phóng viên nước ngoài cảm nhận sắp có điều gì đó to lớn xảy ra”, Lawrence Chang, phóng viên tờ NBC News khi đó nói. Ngày 6.8, Đài Loan đặt quân đội trong tình trạng cảnh giác cao độ, sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 13.8, 8 tiêm kích Sabrejet của Đài Loan đụng độ với 8 chiếc MiG-17 ở phía nam quần đảo Mã Tổ, dẫn đến thiệt hại cho cả hai phía. Ở trên biển, các tàu pháo Đài Loan và Trung Quốc đại lục giao chiến ác liệt. Phía Trung Quốc tổn thất 3 tàu và bị hư hại một tàu.

Ngày 20.8.1958, Tưởng Giới Thạch trực tiếp có mặt tại đảo Kim Môn, thị sát hoạt động chuẩn bị chiến đấu. 3 ngày sau, trong ngày đầy nắng và không có mây, tình hình trở nên yên tĩnh lạ thường.

6 giờ 30 phút tối, những âm thanh như tiếng sấm xuất hiện dồn dập, báo hiệu đợt pháo kích bắt đầu. “Chúng tôi đang ngồi ăn tối thì đột nhiên nghe thấy hàng loạt tiếng sấm”, Wang Kui-ying, người từng là đội trưởng của đội nữ binh sĩ bảo vệ đảo Kim Môn, nói. “Ngay sau đó là những tiếng nổ vang trời, khói bụi bốc lên ở khắp nơi”.

Nhưng Wang nói cô không sợ hãi vì “chỉ tân binh mới sợ tiếng pháo, những người lính kinh nghiệm sợ tiếng súng máy hơn”. Nhưng điều Wang không biết ở thời điểm đó là pháo kích dồn dập đến mức nào. Hơn 25.000 quả đạn pháo rơi xuống đảo Kim Môn trong 2 giờ đầu tiên.

Pháo kích kéo dài suốt cả đêm. Quân đội Trung Quốc nã tới 57.000 đạn pháo trong ngày giao tranh chính thức đầu tiên

Ở bên kia chiến tuyến, Đài Loan cũng nã pháo đáp trả dù hỏa lực lép vế trước Trung Quốc đại lục. Thương vong trên đảo Kim Môn trong ngày đầu tiên ước tính lên tới 200 người và là ngày ghi nhận thương vong lớn nhất. 3 phó tư lệnh Đài Loan đồn trú trên đảo nằm trong số những người thiệt mạng.

Khi Tổng thống Mỹ quyết can thiệp

Ngày 27.8.1958, Mỹ tuyên bố một tàu sân bay và 4 tàu khu trục gấp rút rời Địa Trung Hải để bổ sung lực lượng cho Hạm đội 7 đối phó Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower, một cựu tướng lục quân, tuyên bố Mỹ sẽ “không từ bỏ trách nhiệm với Đài Loan”, theo Hiệp ước Phòng thủ Mỹ-Đài Loan ký vào năm 1954.

Đến ngày 10.9, Liên Xô và Trung Quốc ra tuyên bố chung, cảnh báo Mỹ đang có hành động gây hấn khi đưa tàu chiến sân bay Midway và tàu tuần dương hạng nặng Los Angeles đến hội quân cùng Hạm đội 7 để bảo vệ Đài Loan.

img

Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Eisenhower thăm Đài Loạn năm 1960.

Trên đảo Guam, Đô đốc Harry Felt, tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, tuyên bố: “Hạm đội 7 sẽ giáng đòn tấn công nhằm vào các mục tiêu của Trung Quốc ngay lập tức nếu bị tấn công trước”. Vai trò của các tàu chiến Mỹ là đặc biệt quan trọng, vì các tàu này yểm trợ cho tàu hậu cần Đài Loan đem đồ tiếp tế lên đảo Kim Môn. Tổng lượng hàng hóa tiếp tế mỗi ngày lên tới 350 tấn.

Trong suốt 44 ngày pháo kích Kim Môn, Trung Quốc nã xuống hòn đảo khoảng 12.000 quả đạn pháo mỗi ngày. Các tàu pháo, máy bay của hai bên cũng giao chiến với tần suất thấp hơn.

Ngày 22.9.1958 đánh dấu sự kiện quan trọng, các máy bay Đài Loan lần đầu tiên sử dụng tên lửa không đối không Sidewinder do Mỹ viện trợ để tấn công máy bay MiG của Trung Quốc đại lục. Nhiều chiếc MiG bị tên lửa Sidewinder bắn rơi và đây là lần đầu tiên tên lửa đối không lập công trên chiến trường.

Đến đầu tháng 10.1958, Trung Quốc bắt đầu giảm dần tần suất pháo kích, đổi thành “ngày lẻ bắn, ngày chẵn nghỉ”. Nghĩa là Đài Loan đã bảo vệ đảo Kim Môn thành công.

Khi Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower thăm Đài Loan năm 1960, Trung Quốc đại lục đón chào” bằng cách khai hỏa 85.965 quả đạn pháo lên đảo Kim Môn. Khi ông D. Eisenhower rời Đài Bắc, thêm 88.978 quả đạn pháo khác được khai hỏa.

Trung Quốc vẫn duy trì kiểu pháo kích giãn cách cho đến tận ngày 15.12.1978, khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, công nhận chính sách Một Trung Quốc, trong đó Đài Loan là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trong 20 năm pháo kích Kim Môn, tính từ thời điểm căng thẳng hạ nhiệt, Trung Quốc đại lục đã giáng xuống hòn đảo ước tính khoảng 1 triệu quả đạn pháo, gây thương vong và thiệt hại nặng cho người và của.

_____________________

Mỗi khi Trung Quốc có ý đồ hành động quyết liệt với Đài Loan, Mỹ lại có hành động đáp trả mạnh mẽ. Có một sự kiện xảy ra năm 1996 đã làm thay đổi hoàn toàn chiến lược phát triển quân sự của Trung Quốc. Bài kỳ tới xuất bản 19h ngày 26.10 trên mục Thế giới sẽ làm rõ hơn những điều ít biết đằng sau sự kiện này.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem