Trên bàn thờ trang nghiêm của ông đặt bức hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước khi ngồi trò chuyện, ông thắp 3 nén nhang, cầu mong cho Đại tướng luôn luôn được thanh thản, bình an.
Bức ảnh chụp ông Sôn thăm Đại tướng năm 2009.
Ông là Đại tá Lò Văn Sôn - nguyên Trung đội trưởng Trung đội 1, C221, D910, E148, có mặt tại chiến trường Điện Biên Phủ từ năm 1953, trực tiếp tham gia chiến đấu và cùng đồng đội bẻ gãy "chiến dịch Hải Ly" của thực dân Pháp ở lòng chảo Điện Biên.
Ông năm nay đã 93 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Nhắc đến những ký ức một thời ở Điện Biên Phủ, ánh mắt ông không giấu được vẻ tự hào về những ngày tháng chiến đấu của mình.
Người cựu chiến binh cho biết, trong đời chiến đấu của mình, ông đã có rất nhiều lần được gặp Đại tướng. Ấn tượng sâu sắc nhất là một lần gặp Đại tướng tại Sở chỉ huy Mường Phăng năm 1953, một lần vào năm 1958 khi Đại tướng về thăm lại chiến trường, và một lần ông được về Hà Nội vào năm 2009.
Ông Lò Văn Sôn, dân tộc Thái, từng là lính cai ngục thời Pháp, được chi bộ Nhà tù Sơn La giác ngộ theo cách mạng, từ đó trở thành cán bộ cốt cán phong trào cách mạng ở Sơn La và toàn bộ Khu tự trị Tây Bắc. Về sau ông tham gia kháng chiến ở Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 148.
Nhằm ngăn chặn quân ta hành quân lên Tây Bắc, đồng thời giữ Tây Bắc và che chở cho Thượng Lào, tướng Navarre lệnh cho tướng René Cogny (chỉ huy các lực lượng bộ binh Bắc Việt Nam) phải tiến hành chiến dịch Castor (Hải ly). Qua đó chiếm lại và xây dựng cụm cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ông cùng các đồng đội từng phải đánh giáp lá cà với một lực lượng đông hơn và mạnh hơn hẳn về vũ khí, trang bị. Tiểu đoàn 10 đối đầu với 6 tiểu đoàn nhảy dù của địch.
Ông Lò Văn Sôn.
Bên bờ sông Nậm Rốm, nhiều chiến sĩ đã bắn đến viên đạn cuối cùng và rút dao găm xông vào huyết tử. Có người đã trúng tới 2-3 viên đạn vào chân nhưng vẫn nằm yên giả chết, đợi địch đến gần mới vùng dậy đâm dao, tung lựu đạn hạ gục đối phương.
Về sau, do yêu cầu của chiến dịch, ông cùng đồng đội đã rút về và tham gia xây dựng sở chỉ huy căn cứ ở Mường Phăng. Tại đó, lần đầu tiên ông đã được gặp Đại tướng. Trước đó, ông vẫn nghĩ Đại tướng là một người cao siêu, uy phong, mãnh liệt và lớn lao lắm.
Tuy nhiên, ông ngỡ ngàng khi hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông từng suy nghĩ không hoàn toàn như vậy. Đại tướng mới xấp xỉ 40 tuổi, trông hiền từ, ấm áp, nhưng đôi mắt ánh lên quyết tâm chiến thắng, luôn giản dị và chân thật với tất cả mọi người.
Đại tướng căn dặn các chiến sĩ: “Nhiệm vụ của các chú rất quan trọng. Bên cạnh việc tuyên truyền bà con ủng hộ chiến dịch, phải tuyệt đối giữ bí mật việc xây dựng căn cứ chỉ huy để đảm bảo chiến dịch được thắng lợi”.
Đại tướng bắt tay, ôm và căn dặn từng chiến sĩ phải vững vàng, quyết tâm chiến đấu vì đất nước. Ông Sôn đã gọi Đại tướng là anh, vì khi ấy dường như chẳng còn khoảng cách nào của một người Tổng tư lệnh với binh sĩ nữa.
Với ông, Đại tướng không chỉ là người chỉ huy mà còn là người bạn, người anh thân thiết như ruột thịt.
Bước vào chiến dịch, bên ta chỉ có nắm cơm chấm muối lót lòng buổi sáng, thân mình mảnh khảnh, vàng vọt bởi sốt rét, ốm đau, dao cùn, súng cũ mà xông lên với kẻ thù một cách dũng mãnh.
Ông Sôn thắp hương trên bàn thờ Đại tướng.
Những lời động viên của Đại tướng đã kích thích tinh thần, giúp đơn vị của ông đứng vững suốt chiến dịch và góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Sau 56 ngày đêm chiến đấu liên tục, với ý chí quyết thắng, cùng sự chỉ đạo tài tình của Đại tướng, quân đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khiến địa cầu chấn động.
Bản thân ông Lò Văn Sôn và những người đồng đội của mình luôn tự hào vì được chiến đấu cho cách mạng, được chỉ huy bởi một vị tướng giỏi mà bình dị như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1958, Đại tướng lên thăm Trung đoàn 148. Bữa cơm hôm đó được anh em chuẩn bị với những đặc sản của quê hương như gà nướng, măng sật, sâu chít, rượu Điện Biên, tráng miệng bằng cam Mường Phồn.
Ông Sôn là một trong những người vinh dự dùng cơm cùng Đại tướng. Hôm đó, Đại tướng bảo anh em phải tăng cường hơn nữa công tác tìm kiếm thông tin mất mát hy sinh của các chiến sĩ đã nằm xuống.
“Mồ hôi, nước mắt và máu của hàng vạn con người thấm xuống Điện Biên, vì thế chúng ta có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn và xây dựng quê hương” – Đại tướng dặn dò.
Sau ngày giải phóng đất nước, ông Sôn nghỉ hưu và chuyển về sống tại bản Panh, xã Chiềng Xôm, TP. Sơn La.
Năm 2009, ông cùng một số cán bộ lão thành cách mạng được tỉnh tạo điều kiện về thăm Đại tướng tại căn nhà số 30 Hoàng Diệu.
Nhìn thấy Đại tướng, ông cùng đồng đội ào lên ôm chầm lấy người Anh Cả của mình.
Nhận ra những người lính Điện Biên năm xưa, Đại tướng khóc: “Vậy là chúng ta còn sống và gặp nhau ở đây. Các chú đến thăm anh được một lần là anh mừng lắm rồi”. Mọi người gặp nhau mừng mừng tủi tủi.
Khi nghe tin Đại tướng, người Anh Cả của mình đã ra đi mãi mãi, những kỷ niệm của một thời khói lửa lại hiện về trong ký ức ông rõ mồn một.
Ông cứ tiếc rằng, chẳng thể cùng Đại tướng đón kỷ niệm 60 năm ngày Điện Biên Phủ độc lập vào năm 2014.
“Tuổi già, sức yếu nên sinh tử là lẽ thường, thế nhưng sao khi nghe tin anh Giáp mất, lòng tôi không khỏi hụt hẫng, xót xa như mất đi một người thân của mình vậy”, ông ngậm ngùi tâm sự.
“Anh đã yên lòng ra đi. Trên những mảnh đất mà anh và chúng tôi đã đi qua, đã mật phục, chiến đấu và hy sinh, nay là những thửa ruộng, nương vườn xanh lá, trĩu quả, là những con đường trải nhựa, nhà cao tầng, lớp học khang trang” – ông Sôn thắp nhang trên bàn thờ Đại tướng khấn như vậy.
VTC (Theo VTC)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.