Chiến sự Nga - Ukraine, các nền kinh tế châu Á "phải vạ"
Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài: Các nền kinh tế châu Á "phải vạ", ai là kẻ hưởng lợi?
Huỳnh Dũng
Thứ bảy, ngày 09/04/2022 09:51 AM (GMT+7)
Một báo cáo nghiên cứu từ tổ chức World Bank cho thấy, chiến sự Nga - Ukraine kéo dài có nguy cơ làm suy giảm các nền kinh tế châu Á trong những tháng tới. Tuy vậy, vẫn có những quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến nay.
Báo cáo dự báo nguồn cung hàng hóa của tổ chức Ngân hàng Thế giới cho thấy, căng thẳng tài chính và giá cả cao hơn sẽ gây thêm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mức tăng trưởng của Châu Á ước tính là 5%, thấp hơn so với dự kiến trong tháng 10 năm ngoái đề ra. Kịch bản xấu nhất là dự báo mức tăng trưởng của khu vực sẽ giảm xuốngcòn 4%. Vốn dĩ khu vực này đã chứng kiến mức tăng trưởng phục hồi lên 7,2% vào năm 2021, sau khi nhiều nền kinh tế trải qua thời kỳ suy thoái với sự bùng phát của đại dịch Cvovid-19.
Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng, Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực sẽ có mức tăng trưởng 5% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 8,1% có được vào năm 2021.
Báo cáo này còn cho biết, chiến sự Nga - Ukraine đã làm tăng giá dầu, khí đốt và các mặt hàng khác, ăn sâu vào sức mua hộ gia đình và tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp, và chính phủ vốn đang phải đối mặt với mức nợ cao bất thường do đại dịch tác động.
Trong khi đó, nhiều tổ chức cho vay phát triển kêu gọi các chính phủ dỡ bỏ các hạn chế đối với thương mại, và dịch vụ để tận dụng nhiều cơ hội thương mại hơn, và chấm dứt trợ cấp nhiên liệu hóa thạch để khuyến khích việc áp dụng nhiều công nghệ năng lượng xanh hơn.
Chuyên gia kinh tế trưởng Aaditya Mattoo của Ngân hàng Thế giới cho biết: "Sự liên tiếp của các cú sốc có nghĩa là nỗi đau kinh tế ngày càng tăng, người dân sẽ phải đối mặt với khả năng tài chính ngày càng bị thu hẹp". Báo cáo cũng nhấn mạnh việc thay đổi chính sách tiền tệ ở Mỹ và sự suy thoái ở Trung Quốc là những lý do khác dẫn đến những cú sốc tiềm tàng trong khu vực này.
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cân nhắc việc tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ và kiềm chế lạm phát, nhiều nền kinh tế châu Á vẫn tụt hậu trong quá trình phục hồi đại dịch của họ. Ngân hàng Thế giới cho biết, các quốc gia như Malaysia có thể phải hứng chịu dòng chảy tiền tệ và các tác động tài chính rối loạn khác từ những chính sách thay đổi đó.
Trong khi đó, nền kinh tế vốn đã chậm lại của Trung Quốc có thể chững lại thêm nữa khi sự bùng phát của COVID-19 gây ra các vụ đóng cửa nghiêm trọng như hiện nay ở Thượng Hải, siêu đô thị lớn nhất của đất nước. Điều đó có khả năng ảnh hưởng đến nhiều quốc gia châu Á có hoạt động thương mại phụ thuộc vào nhu cầu lớn đến từ Trung Quốc.
Báo cáo còn cho biết: "Những cú sốc này có khả năng làm tăng thêm những khó khăn hiện có sau COVID-19. 8 triệu hộ gia đình thuộc các nước thành viên rơi vào cảnh nghèo đói trong đại dịch sẽ tiếp tục thấy mức thu nhập thực tế giảm hơn nữa, khi giá cả tăng cao từ cuộc khủng hoảng mới này".
Kinh tế Châu Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự Nga- Ukraine
Từ giá lương thực đến du lịch và cung cấp vũ khí, các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến sự Nga - Ukraine, ngay cả khi họ không trực tiếp chịu tác động từ cuộc xung đột, theo một báo cáo mới của Economic Intelligence Unit (Đơn vị Tình báo Kinh tế-viết tắt EIU).
Theo Đơn vị Tình báo Kinh tế (EIU), giá lương thực đặc biệt nhạy cảm với chiến sự Nga - Ukraine vì cả hai nước đều là những nhà sản xuất hàng hóa quan trọng. Một số nước châu Á phụ thuộc vào các mặt hàng như phân bón từ Nga và tình trạng thiếu hụt toàn cầu đã khiến giá nông sản và ngũ cốc tăng cao trong những tuần gần đây.
EIU cũng cảnh báo với mức độ phụ thuộc tương đối cao của khu vực này vào năng lượng và nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp - ngay cả khi các quốc gia không nhập khẩu trực tiếp từ Nga hoặc Ukraine, thì giá cả cũng sẽ tăng vọt, EIU cảnh báo.
EIU cho biết: "Sự phụ thuộc nhiều bao gồm sự phụ thuộc vào Nga và Ukraine như một nguồn cung cấp phân bón và ngũ cốc ở Đông Nam Á và Nam Á, điều này có thể gây ra sự gián đoạn trong lĩnh vực nông nghiệp".
Trong khi đó, các cường quốc trên thế giới đã giáng đòn trừng phạt vào Nga với các biện pháp trừng phạt trên diện rộng đối với chiến sự Nga - Ukraine. Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với năng lượng, trong khi Anh có kế hoạch sẽ làm như vậy vào cuối năm nay. Liên minh châu Âu cũng đang xem xét liệu có nên làm điều tương tự hay không. Các biện pháp trừng phạt cũng đã được áp dụng đối với các nhà tài phiệt, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu chính phủ của Nga.
"Đông Bắc Á - nơi có các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới cũng có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung cấp khí hiếm dùng trong sản xuất chất bán dẫn", EIU cho biết trong báo cáo của mình. Các lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có thể bị cắt vũ khí của Nga.
Người chiến thắng và kẻ thua cuộc từ mức tăng đột biến của hàng hóa
Giá dầu, khí đốt và ngũ cốc toàn cầu đã tăng vọt kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bùng nổ. Bởi Nga và Ukraine đóng góp một tỷ lệ đáng kể trong nguồn cung của thế giới đối với một số mặt hàng đó. Giá lúa mì bất ngờ tăng so với mức tăng ban đầu, tới 65% so với một năm trước. Giá ngô tăng hơn 40% trong cùng kỳ. Tuy nhiên, một số quốc gia sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá, nhưng những quốc gia khác có thể được hưởng lợi.
"Sẽ có những lợi ích xuất khẩu cho một số quốc gia từ giá hàng hóa cao hơn và việc tìm kiếm nguồn cung thay thế trên toàn cầu", Đơn vị tình báo kinh tế nhận định. Bên cạnh thực phẩm và năng lượng, nguồn cung niken cũng bị ảnh hưởng do Nga là nhà cung cấp niken lớn thứ ba thế giới.
Các quốc gia sẽ được hưởng lợi từ giá hàng hóa cao hơn:
• Các nhà xuất khẩu than: Úc, Indonesia, Mông Cổ
• Các nhà xuất khẩu dầu thô: Malaysia, Brunei
• Khí tự nhiên hóa lỏng: Australia, Malaysia, Papua New Guinea
• Nhà cung cấp niken: Indonesia, New Caledonia
• Nhà cung cấp lúa mì: Úc, Ấn Độ
Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi giá cả tăng cao (nhập khẩu từ Nga / Ukraine tính theo tỷ lệ phần trăm nhập khẩu thế giới năm 2020):
• Phân bón: Indonesia (hơn 15%), Việt Nam (hơn 10%), Thái Lan (hơn 10%), Malaysia (khoảng 10%), Ấn Độ (hơn 6%), Bangladesh (gần 5%), Myanmar ( khoảng 3%), Sri Lanka (khoảng 2%).
• Ngũ cốc từ Nga: Pakistan (khoảng 40%), Sri Lanka (hơn 30%), Bangladesh (hơn 20%), Việt Nam (gần 10%), Thái Lan (khoảng 5%), Philippines (khoảng 5%), Indonesia (dưới 5%), Myanmar (dưới 5%), Malaysia (dưới 5%).
• Ngũ cốc từ Ukraine: Pakistan (gần 40%), Indonesia (hơn 20%), Bangladesh (gần 20%), Thái Lan (hơn 10%), Myanmar (hơn 10%), Sri Lanka (gần 10%), Việt Nam (dưới 5%), Philippines (khoảng 5%), Malaysia (khoảng 5%).
Mất khách du lịch Nga
Trong khi các đường hàng không của châu Á vẫn mở cửa cho các hãng hàng không Nga, nhưng khách du lịch từ nước này có thể không đến thăm. EIU cho biết: "Du lịch là tiềm năng chính trong thương mại dịch vụ và với các tuyến hàng không châu Á vẫn mở cho các hãng hàng không Nga, không giống như ở châu Âu, thương mại như vậy có thể tiếp tục (và có khả năng mở rộng). Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng đi du lịch của người Nga có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn kinh tế, đồng rúp mất giá và việc rút các dịch vụ thanh toán quốc tế khỏi Nga".
Một số ngân hàng của Nga cũng đã bị loại khỏi SWIFT, một hệ thống toàn cầu kết nối hơn 11.000 ngân hàng thành viên tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Trong khi đó, đồng rúp ban đầu giảm gần 30% so với đồng đô la khi chiến sự bắt đầu. Kể từ đó, đồng tiền này đã tăng trở lại nhưng giao dịch lần cuối thấp hơn khoảng 10% so với đầu năm, làm tổn hại đến ví của những người Nga bình thường.
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào khách du lịch Nga vẫn còn thấp ở châu Á. Thái Lan là nước hưởng lợi lớn nhất trong khu vực vào năm 2019, đón 1,4 triệu lượt khách Nga, theo EIU. Tuy nhiên, con số đó chỉ chiếm chưa đến 4% tổng lượng khách đến trong năm đó. Việt Nam đứng thứ hai, trong khi Indonesia, Sri Lanka và Maldives lọt vào top 5 điểm đến hàng đầu châu Á cho khách du lịch Nga.
EIU cho biết: "Tuy nhiên, nếu không có xung đột, du lịch Nga có thể sẽ tăng tầm quan trọng, do việc hạn chế du khách Trung Quốc xuất cảnh đang diễn ra".
Châu Á bị mất nhiều nhất trong trật tự năng lượng thế giới mới nổi
Bất kể cuộc chiến của Nga ở Ukraine kết thúc khi nào và như thế nào, nó cũng sẽ xé nát cấu trúc phức tạp của các mối quan hệ sản xuất và tiêu thụ năng lượng, và khiến các nước lớn phụ thuộc vào xuất khẩu và nhập khẩu quay trở lại "bản vẽ" mới để đảm bảo tương lai kinh tế của họ.
Có thể thấy, tình trạng hỗn loạn đã làm rung chuyển thị trường năng lượng thế giới trong những tuần gần đây, giá dầu và khí đốt tăng vọt lên mức cao nhất. Chúng ta cũng có thể thấy tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga ngày càng rõ nét và phức tạp, dồn dập, ngay cả khi nỗi đau của lạm phát tăng cao vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Chính vì vậy, việc vũ khí hóa năng lượng một cách phức tạp trong một cuộc xung đột liên quan đến các nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới sẽ khiến người tiêu dùng bị thâm hụt niềm tin vào thị trường năng lượng.
Cuộc chiến ở Ukraine là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế phụ thuộc vào nhập khẩu dầu khí trên khắp châu Á đang lao đao vì thiệt hại tài sản thế chấp, đặc biệt là những người vẫn nghĩ rằng họ có thể dựa vào ý thức chung của các quốc gia và các nguyên tắc kinh tế đã được kiểm nghiệm qua thời gian để đảm bảo nhu cầu năng lượng, trước khi chiến sự nổ ra.
Bài học đầu tiên là hàng hóa năng lượng tồn tại trong các thị trường có tính kết nối cao, nơi mà sự gián đoạn nguồn cung ở một phần của thế giới nhanh chóng lan sang phần còn lại. Khi các lệnh trừng phạt chống lại Nga và các lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga làm gián đoạn thị trường, người sử dụng công nghiệp và các hộ gia đình trên toàn thế giới đang phải chịu các hóa đơn nhiên liệu và điện nước cao hơn bao giờ hết.
Thứ hai, chiến sự Nga - Ukraine và việc vũ khí hóa năng lượng làm xuất hiện sự đổ vỡ lòng tin chưa từng có giữa các quốc gia sản xuất và tiêu dùng, nó gây rối loạn trong việc đảm bảo sản xuất và lưu chuyển kịp thời ở các thị trường nơi cần khẩn cấp, điều này vừa đáng lo ngại vừa nguy hiểm.
Nếu các nhà sản xuất và xuất khẩu năng lượng, nhiên liệu bắt đầu sống dưới "làn sóng trừng phạt" không điểm dừng này, họ sẽ không chỉ mất các nhà đầu tư nước ngoài mà còn không có động lực để đầu tư vào việc duy trì, hoặc tăng năng lực sản xuất. Điều này dễ dàng thấy ở Iran và Venezuela, nơi các nhà sản xuất dầu mỏ cũng bị tê liệt bởi các lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ. Về lâu dài, điều này sẽ làm gia tăng sự xói mòn sớm của giới đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
Tuyệt nhiên, khi không thể dựa vào sự ổn định của các nhà cung cấp của họ, và buộc phải đối phó với cú sốc cung cấp năng lượng này đến cú sốc cung cấp năng lượng khác, các nhà tiêu thụ và nhập khẩu năng lượng lớn sẽ không thể thực hiện các kế hoạch mở rộng kinh tế, thị trường của mình.
Các quốc gia khác cũng đang được thúc đẩy một lần nữa sử dụng than, một nguồn năng lượng bẩn hơn nhưng rẻ hơn. Trung Quốc, quốc gia chiếm hơn một nửa lượng than tiêu thụ trên thế giới đã quyết định tăng công suất sản xuất trong nước lên 300 triệu tấn / năm với nỗ lực thay thế toàn bộ than nhập khẩu.
Trong khi đó, chính sách năng lượng đột ngột quay đầu ở phương Tây đang khiến các bên liên quan trong các lĩnh vực năng lượng truyền thống và mới bối rối, khi chưa nói đến người tiêu dùng. Từ việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nhà sản xuất địa phương tăng sản lượng, sau khi lần đầu tiên gặp khó khăn với các hạn chế và quy định, đến việc than đá trở lại và buộc họ muốn phát triển dầu khí một lần nữa phải tìm sự hỗ trợ từ một số nước châu Âu. Viễn cảnh này cho thấy "đường chân trời" chuyển đổi năng lượng thế giới đang trở nên tồi tệ hơn.
Các mối đe dọa địa chính trị đối với nguồn cung cấp dầu và khí đốt có thể tiếp tục trầm trọng hơn nếu mọi thứ không có dấu hiệu hạ nhiệt và tìm ra hướng giải quyết, các khu vực sản xuất năng lượng khác vốn đã dễ bị tổn thương như ở Trung Đông, châu Phi và châu Mỹ Latinh cũng sẽ tiếp tục ngày càng lún sâu.
Trong khi đó, các chính phủ châu Á cần hiểu rằng cuộc chiếnở Ukraine và các cuộc xung đột khác trong tương lai sẽ bị kéo đến "trước cửa nhà" họ, nếu các nguồn năng lượng trở thành vũ khí của chiến sự thời hiện đại. Các nhà lãnh đạo châu Á cần phải tỉnh táo trên trường quốc tế. Các chính phủ châu Á cũng nên thúc đẩy ngoại giao năng lượng với các nhà sản xuất và các cường quốc tương đương, đồng thời tăng cường các kho dự trữ dầu khí khẩn cấp để chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc cung cấp năng lượng tiếp theo, có nguy cơ tiềm ẩn xảy ra bất cứ lúc nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.