Chiều nay 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc sẽ về nước

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 25/10/2016 12:59 PM (GMT+7)
Theo nguồn tin của gia đình một trong 3 thuyền viên bị bắt cóc, chiều nay (ngày 25.10) 3 thuyền viên sẽ về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Bình luận 0

Cùng ngày 25.10, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) đã làm việc với đại diện Chi nhánh xuất khẩu lao động (Tổng Công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam - Vinamotor) về việc hỗ trợ 3 thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc, nay được trao trả. Theo đó, các bên nhất trí phương án sẽ cử đoàn ra đón các lao động tại sân bay gồm: đại diện Công ty, Cục quản lý lao động (Bộ LĐTBXH) và gia đình các thuyền viên.

Ông Đoàn Mạnh Cường, Giám đốc chi nhánh xuất khẩu lao động (Vinamotor) cho biết: “Ngay sau khi các em trở về chúng tôi sẽ cho các em kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe để có biện pháp hỗ trợ về tâm lý”. Nói về việc trả lương, hỗ trợ cho các thuyền viên này, ông Cường cho rằng: “Hiện tại chúng tôi chưa xác định được số ngày làm việc cuối cùng của các lao động với phía đối tác Đài Loan. Phần lương hay hỗ trợ sẽ được xem xét, tính toán sau khi lao động về nước”.

img

Vợ chồng ông Phan Xuân Linh (Nghệ An) đang chờ được gặp con trai là 3 thuyền viên bị bắt cóc. Ảnh: Cảnh Thắng

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Xuân An – Phó chủ tịch Hiệp Hội Xuất khẩu lao động Việt Nam nhận định, đây là trường hợp may mắn hy hữu hiếm có trong tiền lệ  hoạt động xuất khẩu lao động đưa thuyền viên đi làm việc tại Đài Loan của Việt Nam. “Tôi được biết đây là trường hợp thuyền viên đầu tiên của Việt Nam khi đi làm việc ở nước ngoài bị cướp biển Somalia bắt. Trước đó, thông tin về 3 thuyền viên này rất mong manh, mọi người đã hết hy vọng. Vậy mà sau nhiều năm không có thông tin giờ các em lại được thả. Quả là kỳ diệu” -  ông An nói. Nhận định về nguyên nhân được thả ông An cho rằng, có thể sau một thời gian yêu cầu tiền chuộc, phía chủ tàu Đài Loan đã đáp ứng một phần (không trả hết), nhưng vì bọn cướp biển không đòi thêm được nữa nên chúng mới thả con tin.

Nói về việc xử lý tình huống, nếu chẳng may thuyền viên bị cướp biển bắt, ông An cho rằng: Điều đầu tiên là cần nghe theo mệnh lệnh của bọn cướp biển. Tiếp sau đó, cần bình tĩnh, hành động theo kế hoạch của số đông (các thuyền viên bị bắt cóc). Đặc biệt không được tự ý, manh động. “Việc thuyền viên bị cướp biển bắt là trường hợp bất khả kháng, vì vậy không thể nói phía công ty “bồi thường” cho họ. Việc hỗ trợ sẽ được phía công ty và Cục quản lý lao động bàn bạc. Ngoài hỗ trợ trước mắt, các lao động này có thể được hỗ trợ theo Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước khi gặp rủi ro” – ông An nói thêm.

Trước đó, cách đây 4 năm, vào tháng 2.2012, 3 thuyền viên Việt Nam trên tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan là Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, ở Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, ở Nghệ An) đã bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương).

                                                                                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem