Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, quả vải tươi của địa phương đã được tiêu thụ khắp toàn quốc với tổng sản lượng đạt 118.700 tấn (chiếm 55% so với tổng sản lượng tiêu thụ).
Từ những năm 1990-2000, vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) vang danh cả nước, trở thành cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất đồi núi sỏi đá này. Ảnh: I.T
Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua các thương nhân phân phối, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị (Coop.Mart, Big C, Happro…).
Trong đó tổng sản lượng Công ty TNHH TM và XNK Hùng Thảo đã cung ứng vào hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op là 460 tấn, HTX Hồng Xuân cung ứng vào hệ thống siêu thị Big C là 3 tấn, thông qua hệ thống phân phối chợ đầu mối Thủ Đức - TP.HCM là 20.600 tấn…
Năm nay người dân Bắc Giang "trúng" mùa vải thiều, vừa được mùa vừa được giá. Ảnh: I.T
Ông Đào Xuân Cường - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, ngoài tiêu thụ nội địa, quả vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu (XK) đi trên 30 nước và vùng lãnh thổ cụ thể, như một số nước EU (Pháp, Đức, Hà Lan…), Trung Đông, Nga, Singapo, Thái Lan, Malaysia, Australia, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tổng sản lượng vải tươi XK đạt 97.100 tấn (chiếm 45% so với tổng sản lượng tiêu thụ), tổng giá trị XK ước đạt 170,5 triệu USD.
Trong đó, vải tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 86.200 tấn (chiếm 88,7% sản lượng XK), vải tươi xuất sang các thị trường khác là 1.200 tấn (chiếm 1,2% sản lượng XK); vải đã qua chế biến (vải khô, vải bóc cùi, long vải...) XK là 3.300 tấn (tương đương với khoảng 9.700 tấn vải tươi, chiếm 10,1% sản lượng XK).
55% sản lượng vải thiều của Bắc Giang được tiêu thụ trong nước, còn lại là xuất khẩu đi hơn 30 nước và vùng lãnh thổ. Ảnh: I.T
Một số đơn vị xuất khẩu điển hình như: Doanh nghiệp Hùng Thảo xuất sang thị trường Trung Quốc khoảng 5.600 tấn, Hợp tác xã Hồng Xuân phối hợp và cung ứng cho doanh nghiệp Tránh Thu XK sang thị trường Mỹ 2 tấn, Công ty TNHH dịch vụ TM&XK VINASACO xuất sang Nhật Bản 6,5 tấn, Công ty cổ phần LOGISTCS NYV xuất 20 tấn vải cắt cuống sang Nga, Công ty cổ phần XNK thực phẩm Toàn Cầu xuất 480 tấn quả bóc cùi và đông lạnh sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Trong cả vụ thu hoạch vải thiều đã có trên 200 thương nhân là doanh nghiệp, thương nhân phân phối người Trung Quốc sang phối hợp với doanh nghiệp và thương nhân Việt Nam đặt điểm cân thu mua vải xuất hàng sang thị trường Trung Quốc; toàn tỉnh lúc cao điểm có trên 700 điểm cân, tập trung chủ yếu ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên…
Chủ yếu gồm các điểm cân lớn đóng xốp xuất sang Trung Quốc, chuyển đi các tỉnh miền Nam tiêu thụ... Các điểm cân vải thiều chủ yếu đặt tại phố Kim, xã Phượng Sơn; khu vực Cầu Cát, xã Nghĩa Hồ; ngã 3 phố Kép xã Hồng Giang; phố Lim xã Giáp Sơn; thôn Mai Tô, xã Phì Điền; phố Chợ, xã Tân Sơn... Ngoài ra còn có các điểm cân nhỏ là xe cóc dọc các tuyến đường mang đi tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Toàn tỉnh Bắc Giang lúc cao điểm có trên 700 điểm cân mua vải thiều, trong đó trên 200 thương nhân là doanh nghiệp, thương nhân phân phối người Trung Quốc sang thu mua vải thiều. Ảnh: I.T
Cũng theo ông Cường, vụ vải năm nay toàn tỉnh vừa được mùa vừa được giá, giá vải lúc cao điểm đạt 35-40.000 đồng/kg, trong đó giá vải thiều XK được thu mua với giá cao. Giá vải bình quân toàn vụ đạt 16.000 đồng/kg.
Giá bán thùng xốp, đá cây ổn định, với giá cả bình quân một số loại như: thùng xốp nhỏ từ 30.000-35.000 đồng/thùng, thùng xốp to từ 50.000-55.000 đồng/thùng, đá cây từ 30.000-40.000 đồng/cây...
Các dịch vụ hỗ trợ khác như ngân hàng, vận tải… hết sức thuận lợi. Giao thông tương đối ổn định, không có hiện tượng tắc đường mà chỉ xảy ra hiện tượng lưu thông chậm tại một số điểm tập trung nhiều điểm cân dọc Quốc lộ 31 như: phố Kim, xã Phượng Sơn; Cầu Cát, xã Nghĩa Hồ; ngã ba kép xã Hồng Giang, phố Lim xã Giáp Sơn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.