Cho gà "kết duyên" chim trĩ, tạo ra con lai chân như chim, mình như gà, giảng viên giật ngay giải Nhất

Khánh Nguyên Thứ tư, ngày 20/10/2021 18:19 PM (GMT+7)
"Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất con lai gà - trĩ giúp tạo thương hiệu vật nuôi mới của tỉnh Bắc Giang" của nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa được trao giải Nhất tại Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Bình luận 0

Cho gà lai chim trĩ để tạo ra giống gà độc đáo, thịt thơm ngon

Chia sẻ về ý tưởng cho gà lai chim trĩ để tạo ra con lai gà - trĩ, ông Ngô Thành Trung - giảng viên Bộ môn Ngoại - Sản, thành viên nhóm nghiên cứu tinh hoa về công nghệ sinh học sinh sản và phôi của Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, mục tiêu của ý tưởng là tạo được con lai gà - trĩ giúp phát triển thương hiệu gà đồi Yên Thế hoặc xây dựng thương hiệu gia cầm mới của Bắc Giang.

"Từ trước đến nay tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với sản phẩm gà đồi Yên Thế, đây là giống vật nuôi đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở cấp quốc gia, con gà nuôi thương phẩm là giống gà ri lai, mía lai. Do gà đồi Yên Thế nổi tiếng nên nhiều nơi cũng sử dụng con giống đó rồi mạo danh thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm. Vì vậy, mục đích lớn nhất của ý tưởng này là tạo ra con lai giữa gà và trĩ, có hình dáng khác biệt với các giống gia cầm khác, đặc biệt là có chất lượng thịt thơm ngon" - ông Trung nói. 

Cho gà "kết duyên" chim trĩ, tạo ra con lai chân như chim, mình như gà, giảng viên giật ngay giải Nhất - Ảnh 1.

Con lai gà - trĩ của nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát huy được ưu điểm của con trống chim trĩ và con mái là gà mía. Ảnh: VNUA.

Trên cơ sở ý tưởng đó, nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã lấy tinh của con chim trĩ phối với con gà mái để tạo ra con lai có tầm vóc phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt.

"Chúng tôi phấn đấu nhân nhanh được đàn con lai gà - trĩ bằng thụ tinh nhân tạo (tỷ lệ đẻ trứng trên 70%, tỷ lệ trứng có phôi trên 70%, tỷ lệ nở trên 80%, tạo ra 5.000 con lai gà - trĩ; đồng thời xây dựng được quy trình chăn nuôi con lai gà - trĩ thương phẩm (khối lượng xuất bán sau 4 tháng nuôi trên 1,6 kg/con, hàm lượng protein thô trong thịt đạt trên 21%, tỷ lệ mỡ dưới 2%, trên 90% các loại axit amin thiết yếu, tỷ lệ axit amin glutamic trên 15%, tỷ lệ các loại axit béo không no trên 30%); xây dựng được 1 mô hình nhân giống con lai gà - trĩ" - ông Trung cho biết thêm. 

Cũng theo ông Trung, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có giống gà lông cằm của người Nùng, đây là giống đặc hữu có thể sử dụng làm con mái nền lai với chim trĩ, khi đó sẽ tạo được một con lai có kiểu hình vô cùng khác biệt.

Cho gà "kết duyên" chim trĩ, tạo ra con lai chân như chim, mình như gà, giảng viên giật ngay giải Nhất - Ảnh 2.

Nhóm tác giả Ngô Thành Trung - Giảng viên Bộ môn Ngoại - Sản, thành viên Nhóm nghiên cứu tinh hoa về công nghệ sinh học sinh sản và phôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và em Vũ Hải Yến - lớp K62CNSHE, sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Thú y nhận giải Nhất cho ý tưởng con lai gà - trĩ tại "Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Giang năm 2021",

"Cũng giống như gà Đông Tảo có đôi chân rất to, gà Phú Thọ có 6 ngón, gà Mông thịt có màu đen thì ý tưởng của chúng tôi cũng muốn tạo ra con lai có hình thể khác biệt như vậy. Bên cạnh đó, chất lượng thịt của con lai cũng rất ngon" - ông Trung nói. 

Ông Trung khẳng định, với tốc độ nhân đàn nhanh, quy trình chăn nuôi có kiểm soát, thể vóc lớn hơn của con lai gà - trĩ so với chim trĩ mà vẫn có chất lượng thịt ngon, các chỉ tiêu sinh trưởng của con lai gà - trĩ cao hơn so với chim trĩ sẽ giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi và lợi nhuận cao hơn so với chăn nuôi chim trĩ và nuôi gà thương phẩm.

Ý tưởng gà lai trĩ nhận giải thưởng cao nhất trong một hội thi của tỉnh Bắc Giang

Tại "Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học tỉnh Bắc Giang năm 2021", đề tài "Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất con lai gà - trĩ giúp tạo thương hiệu vật nuôi mới của tỉnh Bắc Giang" của tác giả Ngô Thành Trung - Giảng viên Bộ môn Ngoại - Sản, thành viên Nhóm nghiên cứu tinh hoa về công nghệ sinh học sinh sản và phôi (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và em Vũ Hải Yến - lớp K62CNSHE, sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Thú y đã giành giải Nhất.

Cho gà "kết duyên" chim trĩ, tạo ra con lai chân như chim, mình như gà, giảng viên giật ngay giải Nhất - Ảnh 3.

Sinh viên Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu đặc tính của chim trĩ để chuẩn bị quá trình lai. Ảnh: VNUA.

Được biết, nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm tại Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang. Trong khuôn khổ lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức đã trao giải "Hội thi tìm kiếm ý tưởng trong nghiên cứu khoa học Tỉnh Bắc Giang năm 2021".

Hội thi nhằm tìm kiếm trong nhân dân, các cơ quan trực thuộc tỉnh và các viện, trường trong và ngoài tỉnh các ý tưởng khoa học công nghệ hay, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của việc nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong đời sống, góp phần phát triển tỉnh Bắc Giang. 

Hội thi lần đầu tiên được tổ chức và nhận được sự ủng hộ cao với nhiều ý tưởng hay được gửi dự thi. 

Chỉ trong một thời gian ngắn triển khai, đã có tổng số 203 ý tưởng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Ban tổ chức đã lựa chọn 23 ý tưởng vào vòng sơ khảo và đã chấm cho 11 ý tưởng vào vòng chung kết xét giải. 

Một giải nhất, hai giải nhì, ba giải ba và 5 giải khuyến khích đã được trao trong lễ Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống khoa học và công nghệ tỉnh Bắc Giang; trong đó dự án của Học viện Nông nghiệp Việt Nam được trao giải Nhất.

Với giải thưởng này, nhóm tác giả của Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang hướng dẫn để đưa ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem