Bộ Chỉ huy quân sự nói gì?
Thượng tá Trần Quốc Khánh- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Phú Lộc- cho biết: Khi cho thuê phần đất Đội quản lý công trình chiến đấu (ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) nuôi tôm thẻ chân trắng, đơn vị đã xin phép chính quyền địa phương và được đồng ý. Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng thống nhất cho Ban CHQS huyện cho thuê đất.
Thượng tá Khánh cho rằng nhờ các hồ tôm xả nước thải khi chưa được xử lý theo quy định ra môi trường mà… cá biển ở khu vực này nhiều hơn(?!). Thượng tá Khánh bảo, nước thải này “tất nhiên là có mùi hôi” nhưng nhờ nó mà “mật độ cá nhiều hơn, đánh cả ngày cả đêm”.
Hồ nuôi tôm trên phần đất của Đội quản lý công trình chiến đấu. Ảnh: Trần Hòe.
Về việc người dân thôn Phú Hải phản ánh đường ra biển của họ bị chặn bởi khu nuôi tôm, thượng tá Khánh nói, vừa qua phía chủ hồ tôm làm cho dân đoạn đường khác để xuống biển nhưng sau đó đường này bị xói lở không đi được.
Thượng tá Khánh nhấn mạnh rằng, khu đất Đội quản lý công trình chiến đấu thuộc chủ quyền của Ban CHQS huyện Phú Lộc nên người dân không thể tùy tiện đi qua đây.
Nhằm nắm thông tin đa chiều, PV Dân Việt đã liên hệ làm việc với lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên- Huế. Qua điện thoại, đại tá Nguyễn Ngọc Lâm- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, ý kiến của lãnh đạo cơ quan này cũng giống như ý kiến của lãnh đạo Ban CHQS huyện Phú Lộc trao đổi với PV.
Sẽ vào cuộc xử lý
Ông Nguyễn Xuân Bảo- Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh- cho biết: Theo quy hoạch, khu vực đất Đội quản lý công trình chiến đấu không phải là đất nuôi trồng thủy sản mà là đất quốc phòng. Ban CHQS huyện Phú Lộc cũng như các hộ nuôi tôm trên khu đất này không hề thông báo cho chính quyền xã về việc cho thuê đất cũng như việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất này.
Theo ông Bảo, nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghiệp như tại khu nuôi tôm nói trên phải đảm bảo các quy định về cơ sở hạ tầng và phải được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép. Khu nuôi tôm này không được cấp phép nhưng vì nằm trên đất quốc phòng nên chính quyền xã không thể can thiệp.
“Nếu là đất do xã quản lý thì chúng tôi đã không cho nuôi”- ông Bảo nói.
Ao xử lý nước thải của khu nuôi tôm chân trắng không bảo đảm quy định. Ảnh: Trần Hòe.
Ông Bảo cho biết thêm, hiện chính quyền xã Lộc Vĩnh đã báo cáo về vụ việc này cho các cơ quan có thẩm quyền cấp huyện để có sự kiểm tra, xử lý.
“Chắc chắn UBND huyện sẽ làm việc với Ban CHQS huyện về vấn đề này”- ông Bảo thông tin.
Ông Bảo cũng khẳng định việc lãnh đạo Ban CHQS huyện Phú Lộc nói rằng nhờ nước thải của các hồ tôm mà cá ở khu vực bờ biển thôn Phú Hải nhiều hơn là hoàn toàn không có cơ sở.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Thông- Trưởng Phòng NNPTNT huyện Phú Lộc cho biết, việc nuôi tôm chân trắng tại khu đất Đội quản lý công trình chiến đấu là không đúng quy định. Cụ thể, khu nuôi tôm này không đảm bảo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống ao lắng và ao xử lý nước thải.
Theo ông Thông, vì không được đơn vị cho thuê đất và các hộ nuôi tôm thông báo nên đến khi Bảo Điện tử Dân Việt phản ánh Phòng NNPTNT huyện mới biết về khu nuôi tôm này.
Ông Thông cho hay, do hoạt động nuôi tôm ở khu đất trên là trái phép nên Phòng NNPTNT huyện sẽ phối hợp với chính quyền xã Lộc Vĩnh lập biên bản xử lý. Ngoài ra, Phòng NNPTNT huyện cũng sẽ kiến nghị cấp trên xem xét việc cho thuê đất quốc phòng như trên là đúng quy định hay không.
Trước đó, làm việc với Ban CHQS huyện Phú Lộc, PV được cung cấp bản hợp đồng cho thuê đất quốc phòng giữa cơ quan này với 2 chủ hồ tôm là các ông Nguyễn Văn Phước, Huỳnh Quang Việt (cùng trú huyện Phú Lộc). Hợp đồng này được ký vào ngày 1.1.2017 và có hiệu lực đến 31.12.2024.
Nội dung hợp đồng ghi rõ việc Ban CHQS huyện Phú Lộc cho ông Phước và ông Việt nuôi tôm trên phần đất Đội quản lý công trình chiến đấu với giá thuê đất 80 triệu đồng/năm. Ngoài được đào ao hồ trên khu đất, ông Phước và ông Việt còn được bàn giao dãy nhà 5 phòng cùng toàn bộ cơ sở vật chất để phục vụ cho hoạt động nuôi tôm.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.