Dẫu vậy, vẫn có những “khối u” khi tỉnh này có tới 44 HTX ngừng hoạt động, nhiều HTX sống vật vờ, lay lắt…
Năm 2017, Lào Cai có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 35/143 xã. Tuy nhiên, trong số 35 xã NTM, không khó nhận ra một điều, nhiều HTX ở những xã này đã ngừng hoạt động.
Bi kịch, có những HTX được lập ra nhưng chưa một ngày vận hành. Chiếc biển hiệu hoành tráng giờ biến mất, con dấu chưa một lần được triện nằm trong hộp, bụi đóng tầng.
Đã làm gì đâu mà gọi là ngừng!?
Lào Cai hiện có 8 HTX, THT tại các xã NTM đã ngừng hoạt động. Nhiều nhất là TP Lào Cai với HTX, THT nuôi trồng thủy sản xã Đồng Tuyển và HTX Nông lâm nghiệp xã Cam Đường. 2 xã này lần lượt đạt chuẩn NTM vào các năm 2014, 2015. Tiếp đến, các huyện như Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà, Bảo Yên… các HTX đều “chết yểu”.
Bộ dấu của HTX DVNN Cam Đường chưa một lần được dùng.
Xã Cam Đường, mặc dù thuộc TP Lào Cai, nhưng người dân vẫn làm nghề nông. Người dân cấy lúa, trồng rau, nuôi lợn hay đại gia súc như trâu, bò. Qua giới thiệu của bà Hà Thị Mai Liên, Phó Chủ tịch UBND xã, chúng tôi gặp ông Ngô Văn Dũng – Chủ tịch HĐQT, kiêm GĐ HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Cam Đường.
Ông Dũng bảo, nghe chức danh thì “oách” thế thôi chứ có gì đâu. Mở đầu câu chuyện, ông nói: “Nói về HTX của tôi thì rắc rối lắm. Đúng là chưa làm được cái gì mặc dù mang danh HTX DVNN. Mỗi khi TP yêu cầu báo cáo, cũng chẳng biết nói chi. Mọi thứ mới chỉ là bàn bạc và trên giấy tờ. Nên bảo ngừng hoạt động cũng không đúng vì đã làm gì đâu mà ngừng?”.
Khi mới thành lập, HTX cũng có trụ sở, treo cái biển to dài đến vài mét ngay mặt đường. Ban quản trị HTX có đầy đủ ban bệ, chức danh nhưng đa phần đều kiêm nhiệm từ Hội phụ nữ, Hội nông dân xã.
Con dấu cất kỹ trong chiếc hộp gỗ bụi phủ đầy.
“Nói thật là lúc bấy giờ, thành lập HTX cũng chỉ để đáp ứng các tiêu chí NTM thôi. Ngoài ra, bản thân mình cũng muốn phát triển HTX, đầu tư kinh doanh phân bón, liên kết với người dân trồng rau sạch nhưng gặp nhiều cái khó. Sau khi thành lập 1 – 2 năm mà không có ai góp vốn, cũng chẳng có người dân nào làm xã viên. Mọi thứ cứ thế tan rã”, ông Dũng nhớ lại.
Chúng tôi đi một vòng dãy nhà từng là nơi gắn biển của HTX. Nơi ấy giờ đây đã thành nhà kho, một phần giao công an xã Cam Đường sử dụng. Tấm biển đã dỡ xuống, theo ông Dũng thì hình như đang cất trong nhà văn hóa xã. Mở cửa, ông Dũng lật tung đống băng rôn, khẩu hiệu đến hai lần, tấm biển hiệu đã không còn. “Chắc để lâu quá, bị hỏng anh em họ vứt đi rồi”, ông Dũng ngậm ngùi.
Giấy đăng ký kinh doanh còn mới, chưa một nếp gấp.
Hỏi về con dấu, giấy đăng ký kinh doanh, ông Dũng bảo phải cất kỹ, để ở nhà. Loay hoay một lúc, ông đưa chúng tôi một tập giấy tờ. Tờ giấy đăng ký kinh doanh mới cứng, chưa một nếp gấp. Hai con dấu đỏ được ông cất cẩn thận trong chiếc hộp gỗ có khóa, bên trong lót vải nhung đỏ. Lâu không sờ tới, chiếc hộp đã bị một lớp bụi đóng tầng. Chúng tôi mượn đóng thử, mực vẫn đỏ rói, nét chữ chưa hề sứt mẻ.
“Từ hồi đăng ký và được cấp con dấu, HTX chưa đóng vào bất kỳ một văn bản, giấy tờ kinh doanh, trao đổi hàng hóa nào. Vì tới nay, HTX cũng đã đăng ký mã số thuế đâu mà kinh doanh”, ông Dũng nói.
Chấp nhận thôi
Khi hỏi về thực trạng các HTX, ông Đặng Hoàng Long, Chủ tịch UBND xã Cam Đường thở dài ngao ngán. Theo ông Long, khi đó xã đang băng băng trên con đường về đích NTM, và theo như quy định, xã phải đạt tiêu chí về HTX, THT (tiêu chí số 13), thì mới được công nhận xã NTM. Thế là HTX DVNN Cam Đường ra đời.
Nơi từng là trụ sở gắn biển của HTX DVNN Cam Đường.
Đơn vị cấp giấy đăng ký kinh doanh cho HTX hoạt động là Phòng Tài chính – Kế hoạch, thuộc UBND TP Lào Cai, vào ngày 28/10/2014. Năm 2015, Cam Đường về đích NTM. “Các thành viên HTX là đại diện nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng thực ra chưa hoạt động đúng Luật HTX, mạnh ai nấy làm. Đấy chưa phải một HTX đúng nghĩa”, ông Long cho biết.
Ông Dũng loay hoay tìm lại tấm biển hiệu của HTX nhưng vô ích.
Chính vì HTX ra đời theo kiểu "đẻ non đái ép", nên sau đó lịm dần rồi ngừng thở hẳn. Theo ông Long, trong bộ tiêu chí NTM, nếu bắt buộc phải có HTX thì vẫn phải duy trì. Và hàng năm vẫn phải xây dựng báo cáo nhưng thực tế công việc, kết quả không có gì. “HTX bây giờ có cũng được, không cũng chẳng sao. Nếu tỉnh tiến hành giải thể rồi xã bị tụt hạng NTM, chúng tôi cũng phải chấp nhận thôi”.
Giờ nhắc lại thời điểm ra mắt HTX Cam Đường, rất nhiều lãnh đạo Sở, ban ngành của tỉnh cũng như TP Lào Cai đến dự chúc mừng. Buổi trưa còn liên hoan khá tưng bừng. Đúng một năm sau, Cam Đường trở thành xã NTM, thì chẳng còn ai đoái hoài, mảy may quan tâm tới cái HTX ra mắt hoành tráng ngày nào.
Danh sách 9 HTX, THT ngừng hoạt động tại các xã NTM ở Lào Cai: HTX DVNN Cam Đường, HTX Đồng Tuyển (TP Lào Cai); HTX Quyết Thắng, xã Xuân Giao và HTX Hồng Thắng, xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng); HTX Bảo Nhai (huyện Bắc Hà); HTX DVNN Liên Sơn, xã Lương Sơn (huyện Bảo Yên); HTX San Vạn và HTX Thiên Phú (xã Nậm Cang, huyện Sa Pa); HTX Hòa Mạc (huyện Văn Bàn). |
Kế Toại (Nông nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.