Chưa năm nào tin vui di sản lại rộn ràng thế...

Thanh Hà Thứ sáu, ngày 02/01/2015 09:28 AM (GMT+7)
Chưa năm nào mà tin vui về di sản văn hóa Việt Nam lại rộn ràng đến thế. Giữa năm là tin quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO ghi nhận danh hiệu di sản thế giới. Cuối năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại... 
Bình luận 0

2 tin vui lớn

Ngày 23. 6.2014, tại Qatar, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa- Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã ghi danh quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) của Việt Nam vào danh sách di sản thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An chính thức trở thành di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả 2 yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể danh thắng Tràng An được Ủy ban Di sản Thế giới công nhận dựa trên 3 trụ cột chính quy định tại hướng dẫn thực hiện Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đó là danh thắng này đạt được các tiêu chí về văn hóa - tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ - tiêu chí về địa chất – địa mạo; đảm bảo tính toàn vẹn và tính xác thực; đã thực thi và bảo đảm thực thi đầy đủ việc bảo vệ, quản lý di sản.

img
Một góc quần thể danh thắng Tràng An. ẢNh: T.L

Cũng trong phiên họp này của Ủy ban Di sản Thế giới, di sản Huế đã được đưa ra khỏi danh sách “Những di sản bị khuyến cáo” của UNESCO. Từ năm 2012, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã bắt tay xây dựng kế hoạch quản lý và cam kết với UNESCO hoàn thành bản kế hoạch vào đầu năm 2015 để trình phiên họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản Thế giới.

Đồng thời, Huế đã có nhiều nỗ lực trong công tác gìn giữ khu di sản, thể hiện qua các bản điều chỉnh quy hoạch và định hướng chương trình, dự án trên cơ sở tôn trọng di sản và thân thiện với môi trường. Những kết quả này cũng đã được UNESCO đánh giá cao khi chấp thuận những nội dung chính trong đề cương kế hoạch quản lý khu di sản Huế do trung tâm đệ trình; đồng thời UNESCO cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với khu di sản Huế khi cử chuyên gia quốc tế và Văn phòng UNESCO tại Hà Nội hỗ trợ Huế trong quá trình hoàn thiện kế hoạch này.

Tiếp đến, tháng 11.2014, UNESCO đã chính thức công nhận di sản ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dân ca ví, giặm được hiểu là hai lối hát dân ca không nhạc đệm được cộng đồng người sinh sống ở khu vực 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay. Ví, giặm được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật: Lúc ru con, khi làm ruộng, chèo thuyền, lúc dệt vải, xay lúa… Vì vậy, các lối hát cũng được gọi tên theo các hoạt động như: Ví phường vải, ví đò đưa, ví phường nón, giặm ru, giặm kể, giặm khuyên… Dân ca ví, giặm chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Nghệ Tĩnh và là phương tiện nghệ thuật để biểu đạt tư tưởng, tình cảm, tăng cường giao lưu, gắn kết cộng đồng.

Nỗi lo sau những niềm vui

Bên cạnh các tin vui về di sản thì năm 2014 cũng được xem là năm mà vấn đề sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai đến các cơ sở thờ tự, công sở trong nước trở nên gay gắt, bức xúc hơn bao giờ hết. Rất nhiều các chuyên gia văn hóa, các nhà sử học đã lên tiếng cảnh báo về việc xâm nhập các hình thức văn hóa ngoại lại.

Đặc biệt nhất là sự xuất hiện của những con sư tử đá Trung Quốc với tạo hình dữ tợn ngự trước cổng chùa, đình, đền di tích, công sở... Buồn hơn là hiện tượng này xảy ra rất phổ biến ở thủ đô nghìn năm văn hiến. Chùa Một Cột - ngôi chùa được xem như biểu tượng văn hóa của Thăng Long cũng xuất hiện 2 cặp sư tử đá, một ngự ngoài tam quan, một chễm chệ lối lên chùa cổ, nhe nanh dữ tợn.

Hay như đền Và (Sơn Tây) - nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh, sau khi trải qua một cuộc tu bổ ồn ào thì cũng xuất hiện cặp sư tử đá trông hệt như trong mấy phim cổ trang Trung Quốc. Chùa Tam Bảo ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, sau khi xây cổng và gác chuông cũng “nhân tiện” tạc luôn một đôi sư tử cẩm thạch, việc này còn được ghi vào bảng, treo ngay phía cổng chùa. Đình Yên Phụ cũng có đôi sư tử đá ngự. Chùa Bà Tấm (Gia Lâm) cũng không kém cạnh. Ngay sau khi yên vị ở chùa, người ta phong cho đôi sư tử đá là vật thiêng và “cấm sờ vào hiện vật”. Bích Câu đạo quán sau khi trùng tu cũng có sư tử đá.

Không chỉ có sư tử đá mà còn một hiện tượng nhức nhối khác là ban quản lý các di tích tự ý đưa hiện vật lạ vào cơ sở mình quản lý. Chỉ vài ngày sau khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, đền Phù Đổng (Hà Nội) bỗng dưng xuất hiện “hiện vật lạ”. Đó là một bộ áo giáp, một con ngựa và một roi bằng kim loại, khiến người dân ngỡ ngàng và các chuyên gia văn hóa không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

TS Đặng Văn Bài- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết do đền Phù Đổng là di tích quốc gia đặc biệt nên khi đưa hiện vật vào phải có thỏa thuận với Cục Di sản. “Việc cho phép bổ sung hiện vật vào di tích cũng phải có lý do chính đáng về khoa học, phải bảo đảm về thẩm mỹ. Cho phép mà không chuẩn thì còn có thể phê bình cả cơ quan cho phép”.

Trước sự bức xúc của dư luận, đầu tháng 8.2014, Bộ VHTTDL đã chính thức có công văn yêu cầu các công sở, điểm thờ tự, di tích trên toàn không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh: Cần có tri thức và ý thức

Tôi nghĩ bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo, còn nhiều băn khoăn khi Việt Nam có kinh nghiệm trong việc lập hồ sơ cho di sản, di tích thì công việc bảo tồn, phát huy di sản lại còn rất yếu. Như vịnh Hạ Long được thế giới công nhận, nhưng sau đó công việc bảo tồn phát huy không được tốt, khiến UNESCO nhắc nhở rất nhiều và có nguy cơ bị rút khỏi danh sách di sản thế giới. 

Chính vì vậy mà theo tôi, để bảo tồn, phát huy và quản lý tốt các di sản đã được thế giới công nhận, thì chúng ta cần phân biệt rõ xem đâu là vai trò của cộng đồng và đâu là vai trò của Nhà nước. Ngoài ra chúng ta cần phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về ý thức bảo vệ di sản. Thậm chí cán bộ, người dân cũng cần phải học để biết cách bảo tồn theo đúng cách khoa học, chứ không phải làm theo cảm tính. Tôi có thể ví dụ như cách đây mấy năm, đã có kỷ lục 3.000 người hát quan họ. Đó là một hành động rất mất công, mất sức, thể hiện sự nhiệt tình của cộng đồng, nhưng đấy không phải là cách để bảo vệ mà đó là cách phá hoại di sản. Và có nhiều di sản được trùng tu nhưng cuối cùng hóa ra lại là phá hoại di sản. Điều không thể thiếu trong bảo tồn và phát huy di sản đó chính là tri thức và ý thức. Mà tri thức và ý thức không chỉ trong bảo tồn và phát huy di sản, ngay cả trong cách quản lý cũng vậy.  

Nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền: Mạnh tay dẹp bỏ

Việc văn hóa ngoại lại xâm nhập tràn lan tại các di tích cổng chùa, đền, đình, công sở thậm chí cả Trường Sa, đó là do tâm lý sính đồ ngoại và hiệu ứng tâm lý đám đông, thấy người khác bày đồ ngoại, mình cũng bắt chước bày đồ ngoại cho đẹp. Tại thời điểm này, sự xâm nhập, giao thoa văn hóa này đã ảnh hưởng và xâm hại tới di tích của Việt Nam nên rất cần phải dẹp bỏ.  

Trong một xã hội hiện đại, về mặt quản lý di tích đã có luật là cấm xâm hại di tích. Người quản lý không thể tùy tiện thay theo cảm tính, tức là thích thì gỡ bỏ tượng cũ và thay bằng tượng mới, sơn son thếp vàng sáng bóng. Mà ở đây người quản lý phải hiểu rõ trách nhiệm của mình được phép làm đến đâu và dừng ở đâu. Tôi nghĩ, người ta quá sùng bái những giá trị văn hóa bên ngoài trong khi những giá trị văn hóa bản địa tương tự thì lại không được sử dụng.  Đằng sau sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai này rõ ràng chúng ta nhìn thấy một sự yếm thế về văn hóa. 

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Thừa tiền nhưng thiếu hiểu biết

Đối với sự xuất hiện của sư tử đá Trung Quốc ở hàng loạt đình, đền, chùa Việt là một điều phi lý vì văn hóa Việt Nam không có sư tử đá canh cổng bao giờ. Thời điểm thế kỷ 17-18 sư tử đá bắt đầu xuất hiện chủ yếu tại các đền và lăng tẩm. Tuy nhiên, sư tử Việt được chạm khắc với tính cách điệu cao, trông không hung tợn và giận dữ như “mốt” bây giờ đang sính. Đây chẳng qua là sự học đòi, a dua, thiếu hiểu biết nhưng lại thừa tiền. 

Huy Hoàng (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem