Chum tương ngày mùa

Chủ nhật, ngày 15/05/2011 13:38 PM (GMT+7)
Con gái lấy chồng xa, vào mùa rau muống, mẹ gửi lên cho một chai tương, giữ như thuốc quý.
Bình luận 0

Tương của mẹ bao giờ cũng có mùi thanh nhẹ, nước sánh vàng như mật, ngọt và không bị mặn. Khi ăn không cần nêm mì chính hay đường. Nếu muốn có vị đậm đà, chỉ cần dầm thêm một lát ớt nhỏ. Chỉ thế, nhưng bát tương dù rót đến lưng lưng, độc diễn rau muống dầm cà mà vợ chồng cũng ăn hết veo, thức ăn thế nào cũng ế.

Có những hôm quá tay, rót thừa nước chấm, nếu là mắm hay xì dầu thì đổ tuột là xong, riêng tương, thể nào cũng có một người xin “cố”. Một sêu cơm nhỏ, chan tương ăn không, chẳng bổ béo gì mà ngon miệng lạ lùng.

img
Ảnh minh họa: Internet

Hết bữa, nhất là vào những đêm hè nóng như đổ lửa, vợ bao giờ cũng chống đũa thèm thuồng, nhớ những bữa cơm tương cà cồn cào gan ruột. Mùa nắng thế này, ở nhà mẹ bao giờ cũng trải chiếu ra đầu hè ăn tối. Bữa ăn dù có thịt thà cá mắm thế nào cũng không thể thiếu một bát tương và đĩa cà. “Tương cà gia bản” theo các con mẹ đến tận giờ. Cả nhà bốn người, vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Thỉnh thoảng cậu út lại hếch mũi, hoa cau nồng nàn vào buổi tối, đi đâu cũng không kiếm lại được không khí yên bình ấy.

Những ngày mẹ làm tương bao giờ cũng phải chờ đủ hai đứa ở nhà, nếu không muốn chị em tị nạnh. Bố mẹ chẳng để con thiếu thứ gì nhưng vẫn cứ thích ngồi chờ mẻ đỗ tương đầu tiên mẹ rang. Những hạt đỗ tròn căng, vục vào mát lịm tay phải xóc nảy trên chảo cả tiếng đồng hồ mới dậy mùi thơm.

Khi mẹ rang đỗ, hai đứa biết điều không dám dở trò gì làm mẹ phân tán. Bởi vì thứ đỗ ấy, chỉ có thể chín trên lửa củi liu riu, tuyệt đối không được sống, không được cháy. Mẻ đỗ đầu tiên bao giờ cũng vơi đi một nửa trước con mắt hau háu của hai đứa con.

Mỗi đứa thủ sẵn một phễu giấy nhỏ, xúc thật đầy rồi mới yên tâm lên nhà ngồi học. Gió tầng hai mát rượi, chị em tí tách nhai đỗ tương thơm giòn và ngồi đố nhau mai có nắng to không?

Chum tương của mẹ thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào cái nắng. Đủ nắng thì tương thơm, ngọt, hôm nào phải trời râm râm, tương không chua cũng úng. Từ lúc mẹ ủ tương, tối buồn ngủ cỡ nào chị em cũng nhắc nhau che chum tương để tránh mưa, tránh sương. Sáng ra, mặt trời lên, thì hả ra lấy nắng.

Tương ủ khoảng ba tuần thì ăn được. Ngày đầu tiên ăn tương mới, chả ai bảo ai, hai đứa con đều nhắc bố: tối nay đừng ăn cơm khách vì mẹ sẽ luộc thịt ba chỉ chấm tương! Thằng út quen thói chấm thịt bằng tương, cứ phải lật đi lật lại miếng thịt hai ba lần trong bát chấm ăn mới đã miệng, sau này, khi phải chấm mắm, lỡ đưa lên mặn chát nó lại ngẩn mặt ra: mùa này có tương chưa chỉ?

Tương của mẹ chấm rau luộc là nhất. Đứng đầu bảng là rau muống, rau dền. Nhưng vào buổi nhỡ bữa, những loại rau tập tàng chan chát trong vườn cứ hái bừa về, luộc ào lên mà chấm tương, thêm quả cà muối xổi cũng hết vài ba bát cơm như thường. Buổi chiều xâm xẩm tối, khi chưa đến bữa mà đồ ăn vặt không sẵn, cứ xúc bát cơm nguội chan tương là đứa nọ nhìn đứa kia quẹt mỏ thèm thuồng.

Quê mẹ gần làng Vũ Đại, kho cá, nấu cá mà thiếu một chút vụn đỗ ở cuối vò tương thì món ăn “chưởn” hẳn. Con gái mẹ nghén, ngửi mùi thức ăn đã sợ. Thế là suốt ba tháng ròng chỉ cầm cự bằng cơm trắng chan tương. Mùi thơm, vị ngọt nhẹ hơi chua, độ mặn vừa phải của tương không hiểu sao lại rất hợp vị giác bà bầu.

Cháu mẹ lớn lên với tương chan buổi sáng, tương chấm rau luộc buổi trưa, tương nấu canh thay mắm vào buổi tối mà sinh ra cũng rắn rỏi, bụ bẫm như ai. Rể của mẹ mới chấm tương lần đầu đã nghiện ngay, ra sức nịnh bà làm tương quanh năm ăn thay nước mắm cho lành.

Đến giờ, mấy đứa cũng không giải thích được sao mẹ không làm tương vào mùa đông, mùa gió mà chỉ làm vào những ngày đầu mùa nắng, khi nhà nông bắt đầu vụ gặt. Chỉ có một cách lý giải là vì nó liên quan đến những kỷ niệm về bà ngoại...

Theo Sức khỏe và ATVST{
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem