Đối thoại với nông dân

Lê Hân Chủ nhật, ngày 29/05/2022 07:57 AM (GMT+7)
Cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với nông dân lần này diễn ra vào đúng thời điểm, cả nước đang gượng dậy và bứt phá sau đại dịch Covid-19, nhưng những "di chứng" mà đại dịch để lại với người dân, người nông dân vẫn chưa liền.
Bình luận 0

Hôm nay 29/5, tại tỉnh Sơn La- thủ phủ nông nghiệp vùng Tây Bắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, trực tiếp đối thoại với nông dân.

Trong bối cảnh sửa chữa những di chứng của Covid-19 và cố gắng phục hồi,  cuộc đối thoại lần này mang chủ đề "Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; Phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững".

Đối thoại với nông dân - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến thăm mô hình trồng xoài hữu cơ tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La). Ảnh: Phạm Hưng.

Đại dịch đã để lại một chuỗi những khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao khiến cho người nông dân người phải treo ao, người phải treo chuồng. Đến một người giàu kinh nghiệm chăn nuôi như ông Nguyễn Văn Thanh đến từ xã Vạn Thái, Ứng Hòa (Hà Nội) từ chỗ "sở hữu" 3.000 con lợn nái, giờ cũng phải giảm quy mô xuống còn 1.500 con vì không chịu được "nhiệt" do giá cám tăng quá cao. Số lợn mà ông giảm, tức thị phần của ông giờ rơi vào tay của những công ty chăn nuôi lớn. 

Trăn trở của ông Thanh cũng là của nhiều nông dân khi mà giờ đây, người chăn nuôi đã liên tục chịu những cơn bão quét qua, hết dịch cúm gia cầm lại sang dịch Covid-19, rồi dịch tả lợn châu Phi. Ai cũng khao khát làm giàu hoặc chí ít ổn định cuộc sống trên chính mảnh đất mình, nhưng càng nuôi càng lỗ, càng trồng càng lỗ. Thế là nông dân từ chỗ là chủ trên cánh đồng, chuồng trại của mình nay trở thành kẻ làm thuê cho các công ty nước ngoài dưới mỹ từ "chăn nuôi gia công". Cũng bởi thế, nhiều nông dân muốn đối thoại với Thủ tướng để làm sao đó, bằng giải pháp nào đó, tìm ra một hướng đi, một chính sách hỗ trợ cho nông dân đương đầu được với "những cơn bão đi qua".

Hay có những trăn trở rất thực tế từ ông Hoàng Đình Quê - một lão nông nuôi lợn, có diện tích trang trại 5ha đến từ huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Ông Quê kể, vừa rồi ở quê ông sốt đất xảy ra liên tục, nhiều người đang chăn nuôi, trồng trọt bỏ đi buôn bán đất nông nghiệp, sản xuất đình trệ. Ông lo ngại, ai cũng đi buôn đất như thế rồi lấy gì mà ăn. Vì thế, mong muốn của ông là được đối thoại trực tiếp với Thủ tướng để tìm ra căn nguyên và giải pháp về việc sốt đất này.

Đến từ mảnh đất miền Trung thân yêu, ông Võ Viết Minh Châu- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng không giấu được nỗi xót xa, đau đớn khi chứng kiến từng đoàn người ở quê hương ông và nhiều nơi khác phải vượt cả nghìn km đường sá xa xôi để trở về quê do tác động bởi dịch Covid-19 hồi giữa năm 2019.

Những người di cư mà ông Châu nói đến vốn là nông dân, họ rời bỏ quê hương lên thành phố để làm công nhân, thị dân nhưng con đường để họ trở thành thị dân thực sự còn quá xa vời khi mà số tiền 1 triệu đồng mỗi tháng thuê trọ họ còn không đủ trang trải. Bởi vậy, ông mong muốn qua buổi đối thoại lần này, Thủ tướng có giải pháp để giải được bài toán "ly nông bất ly hương", nghĩa là làm sao để không làm nông nữa nhưng vẫn không phải rời bỏ quê hương. 

Nhiều nông dân cũng bày tỏ nỗi lo đến Thủ tướng khi những người 35-60 tuổi sau khi bị thu hồi đất để làm công nghiệp, đô thị rồi họ sẽ đi về đâu, ai đào tạo cho họ một nghề ổn định?

Những câu hỏi đối thoại mà nông dân gửi đến Thủ tướng không hoàn toàn là những gam màu khó khăn, khó khăn và khó khăn mà có cả những đề xuất thú vị, táo bạo đến từ những nông dân trẻ. Chảo Thị Yến- một nữ nông dân trẻ mới hơn 30 tuổi, đến từ Lào Cai muốn đối thoại với Thủ tướng một chủ đề khá thú vị, đó là kéo tầng lớp thanh niên trẻ về nông thôn qua những mô hình nông nghiệp sinh thái, du lịch nông thôn… Chảo Thị Yến chia sẻ, trước đây một cái ao bèo chỉ là một cái ao bèo, một cái đống rơm chỉ là một cái đống rơm nhưng nếu biết khai thác, thì chúng ta có thể biến ao bèo đó thành một ao sen, đống rơm đó trở thành một điểm du lịch khám phá thú vị. Vấn đề là cơ chế, chính sách để giải bài toán làm thế nào, làm như thế nào, bằng cách nào đưa được người trẻ về nông thôn làm ăn thay vì bỏ lên thành phố làm shipper. Câu hỏi đó, Yến rất mong chờ ở buổi đối thoại với Thủ tướng.

Khát vọng làm giàu từ chính nông nghiệp cũng được Phạm Văn Lộc- người tự nhận mình là nông dân "truyền nhiệt" tới nhiều người khác. Lộc hiện đang điều hành hệ sinh thái nông nghiệp UCA theo hướng "ngồi một chỗ mà biết việc xa nghìn dặm". Theo đó, Lộc đã xây dựng được hệ thống điều khiển canh tác nông nghiệp từ xa, chỉ cần một smart phone, rồi ngồi ở Hà Nội, Lộc có thể cho rau "ăn" nước, lân, đạm vào lúc mấy giờ. Nhưng mong muốn của Lộc là việc chuyển đổi số nông nghiệp phải diễn ra đều và tới mọi nông dân, bởi thế anh muốn đối thoại với Thủ tướng về chủ đề chuyển đổi số nông nghiệp. 

Năm 2021, thật bất ngờ khi chịu tác động bởi dịch Covid-19 nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt được các con số ấn tượng khi tăng trưởng đạt mức 2,98% cao hơn GDP chung cả nước, kim ngạch xuất khẩu tiệm cận mốc 49 tỷ USD. Làm lên những con số đó là mồ hôi, nước mắt của người nông dân ngày ngày cần mẫn trên từng thửa ruộng, khuôn chuồng. Thế nhưng, mỗi khi rủi ro xảy đến, họ lại chính là những người chịu tác động nhiều nhất, tổn thương nhiều nhất.

Đảng, Nhà nước đã xác định mục tiêu "Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Cụ thể cho mục tiêu đó, Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tham vọng được nước ta trở thành một trong 15 nước nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Để đạt mục tiêu đó, bắt buộc phải có những chính sách không chỉ "cởi trói" mà còn phải "bung" hơn nữa, bay cao hơn nữa cho nông nghiệp cất cánh, để không còn tâm lý coi thường nghề nông, coi không làm gì được mới phải đi làm nông nghiệp. Muốn như thế, phải có truyền thông, có đào tạo, có huấn luyện để làm nông cũng trở thành một nghề có học hành, có tri thức, có am hiểu đàng hoàng.

Còn nhiều, còn nhiều lắm những tâm tư, trăn trở, tình cảm và đề xuất, kiến nghị mà trong 1.600 câu hỏi người nông dân muốn đối thoại với Thủ tướng, họ chỉ có một ước ao, một khát khao, đó là được làm ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ xã hội và làm giàu cho bản thân, ổn định cuộc sống gia đình.

Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Dân Việt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đã nói: "Chiến lược tuy không có từ nông dân nhưng luôn xem nông dân là chủ thể, đặt nông dân ở vị trí trung tâm. Do vậy, để đạt được mục tiêu Chiến lược phải nâng cao năng lực cho người dân, bởi chúng ta có thể thắng một mùa vụ nhưng không thể thắng một hành trình.  Chúng ta mong muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp".

Hàng trăm vấn đề, hàng nghìn câu hỏi. Và là hướng đi cho hàng triệu nông dân. Là chiến lược để Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia nông nghiệp hang đầu thế giới, thành đất nước hùng cường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem