Chuyện lạ: Người bị thần kinh lập di chúc đúng ngày chết (!)

Trần Phượng Thứ năm, ngày 22/12/2016 09:00 AM (GMT+7)
Đó là chuyện đã xảy ra đối với trường hợp bà Nguyễn Thị Ngọt (SN 1942, trú tại xóm 2, thôn Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương, TP. Hải Phòng.
Bình luận 0

Di chúc lập bất thường

Bà ngọt vốn bị bệnh thần kinh từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, khoảng 2 giờ trước lúc bà Ngọt mất, bản di chúc về thửa đất tại địa chỉ nêu trên được xác lập một cách bất bình thường, đặc biệt là con trai bà Ngọt thuộc hàng thừa kế thứ nhất lại không hề hay biết.

Căn cứ theo tài liệu do bà Nguyễn Thị Lan, chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Dương cung cấp: Ngày 16.9.2016, UBND xã Quốc Tuấn ban hành thông báo số 13/TB-UBND về việc niêm yết nội dung di chúc của bà Nguyễn Thị Ngọt. Thông báo ghi rõ, ngày 16.9.2016 UBND xã Quốc Tuấn nhận được yêu cầu của bà Nguyễn Thị Một (SN 1954, HKTT tại TP. Hồ Chí Minh, chị họ của bà Ngọt) về việc công bố và công khai di chúc của bà Nguyễn Thị Ngọt.

img

Nội dung được cho là lời di chúc của bà Ngọt tự lập.

Theo đó, di chúc được công bố là bản di chúc được bà Nguyễn Thị Ngọt lập ngày 30.7.2016 (đúng ngày bà Ngọt mất). Tài sản được lập di chúc là thửa đất số 410, tờ bản đồ số 23, có diện tích 1264 m2 tại thôn Kiều Hạ 2. Bà Ngọt giao lại thửa đất trên cho bà Một là con của bác. Di chúc trên được ông Nguyễn Văn Phái, Nguyễn Văn Bên và Nguyễn Văn Thấy (cùng HKTT tại thôn Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn) ký làm chứng.

Ngày 11.9.2016, sau hơn 1 tháng bà Ngọt mất, dòng họ Nguyễn Đình đã tổ chức công bố di chúc của bà Ngọt cho những người có quyền lợi liên quan được biết, dưới sự chứng kiến của UBND xã Quốc Tuấn. Ngày 14.9.2016, dòng họ Nguyễn Đình tiếp tục mở cuộc họp hội đồng gia tộc để xác minh lại nguồn gốc thửa đất và tính xác thực của nội dung bản Di chúc trên. 

Ngày 16.9.2016, UBND xã Quốc Tuấn đã tổ chức cuộc họp xác định lại nguồn gốc thửa đất và tính xác thực của bản di chúc. Tại đây, những người làm chứng cam kết nội dung di chúc là đúng sự thật, người lập di chúc là bà Nguyễn Thị Ngọt lúc đó trong trạng thái minh mẫn?

Tuy nhiên, theo phản ánh của anh Lê Văn Bền, SN 1971, trú tại xã Quốc Tuấn, con trai ruột bà Ngọt cho biết: Bản di chúc này có rất nhiều khuất tất về phần người lập di chúc, thời điểm lập di chúc và người được hưởng thừa kế.

Con ruột không được hưởng thừa kế

Anh Bền cho biết: Bố mẹ anh Bền mua lại thửa đất của ông Mý (địa chỉ xóm 2, Kiều Hạ, xã Quốc Tuấn) từ năm 1974 và sinh sống tại đó. Năm 1981, chị gái ông là Lê Thị Na bị động kinh, bà Ngọt cũng trở nên không bình thường. Tài sản trong nhà đem bán hết để mời thầy cúng. Sau đó, bà còn chửi bới đuổi bố và chị cả đi. Trước tình cảnh đó, bố anh về Huế (quê gốc), chị thì lưu vong sang Trung Quốc. Hàng ngày, bà Ngọt quần áo không mặc, không ăn uống, không nằm giường mà chỉ nằm đất …

Ông Nguyễn Văn Lợi, bí thư chi bộ thôn Kiều Hạ 2, xã Quốc Tuấn cùng nhiều người dân sinh sống ở xung quanh nhà xác nhận bà Nguyễn Thị Ngọt có những biểu hiện về thần kinh không bình thường. Địa phương cùng người thân nhiều lần vận động bà nhập viện Tâm thần để điều trị tuy nhiên bà Ngọt từ chối bằng cách xin đài âm dương không được, bà không đi điều trị?

img

Anh Lê Văn Bền tại thửa đất được bà Ngọt di chúc cho bà Một.

Căn cứ vào khoản 3 điều 652 của Bộ Luật dân sự, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hay của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực. Đối chiếu với điều này, người phụ nữ mà dân làng thôn Kiều Hạ luôn cho rằng “thần kinh có vấn đề” này tự lập di chúc bằng văn bản với nội dung hoàn chỉnh, đầy đủ lý lẽ là một điều không thể tin nổi. Việc lập và điểm chỉ di chúc hoàn toàn không được thị thực ngay tại UBND xã cũng như xác nhận của công chứng nhà nước tại thời điểm lập. Thêm vào đó, bản di chúc này được lập chỉ cách thời điểm bà Ngọt chết 2 giờ đồng hồ, thời điểm mà bà Ngọt có được minh mẫn, có đủ thể chất hay không vẫn là một câu hỏi. Đặc biệt hơn cả là tài sản không hoàn toàn của riêng bà Ngọt nên việc bà Ngọt lập di chúc để lại toàn bộ mảnh đất cho chị họ hoàn toàn không hợp lý bởi con của bà Ngọt hiện vẫn còn sống.

Tại các cuộc họp của dòng họ Nguyễn Đình nói trên và biên bản do UBND xã Quốc Tuấn lập về việc giải quyết di chúc của bà Ngọt, thì phần lớn các ý kiến đều không đồng ý để anh Bền được thừa kế mảnh đất này với lý do anh Bền thường xuyên bay vào TP Hồ Chí Minh, không ở địa phương nên khó quản lý, sử dụng. Trong khi đó, họ lại đồng ý để cho bà Một có hộ khẩu thường trú ở phường 5, quận 3, TP.HCM và định cư tại Úc, rất hiếm khi trở về quê hương được quản lý mảnh đất này?

Anh Bền than thở: Bản di chúc này được lập khi nào, anh và chị Nga không được chứng kiến. Nếu bản di chúc này có giá trị, phần đất này do bà Một quản lý thì hai chị em anh không có đất ở?

Điều lạ kỳ là, biên bản công bố mở di chúc và biên bản về việc xác nhận di chúc, xác nhận nguồn gốc đất của bà Nguyễn Thị Ngọt do bà Nguyễn Thị Lan, chủ tịch UBND xã Quốc Tuấn, huyện An Dương cung cấp đều dập xóa, không rõ ràng.

Khi PV thắc mắc về phần dập xóa và tính pháp lý của bản di chúc, bà Lan nói: Người dân vốn thật thà, người ta gửi thế nào thì chúng tôi xác nhận vậy? Về tính pháp lý của bản di chúc đối với xã thế là đúng (!?) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem