Chuyện lạ ở Kon Tum: Lạnh thấu xương vẫn gác cho sâm ngủ đông

Thứ ba, ngày 05/03/2019 13:30 PM (GMT+7)
​Từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau là thời điểm sâm Ngọc Linh ngủ đông. Trong khoảng thời gian này, bà con người Xơ Đăng trồng sâm Ngọc Linh-loài sâm đặc hữu quý hiếm ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) phải liên tục thay nhau ngày đêm canh gác để bảo vệ những luống sâm của gia đình. Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức gian nan, cực khổ bởi mưa lũ, chim chuột và kẻ xấu luôn rình mò, phá hoại các vườn sâm.
Bình luận 0

Từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm, là thời điểm những vườn sâm Ngọc Linh bắt đầu chín hạt, bà con Xơ Đăng  thu hoạch hạt sâm và đưa vào ươm ngay tại vườn sâm của mình, đồng thời, những cành, lá sâm cũng được cắt tỉa đem đi bán.

Sau khi thu hoạch hạt sâm và cắt lá sâm Ngọc Linh xong, bà con Xơ Đăng tiến hành lấy lá cây mục phủ một lớp dày lên các luống sâm để tạo mùn, giữ ẩm cho củ và chống xói mòn do mưa lũ gây ra trong thời gian sâm ngủ đông.

img

Chị Y Biêm, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đang kiểm tra các gốc sâm tại vườn sâm của mình

“Trồng sâm Ngọc Linh không khó, cái khó là bảo vệ sâm, đặc biệt là trong giai đoạn ngủ đông” - anh A Nhâm, người trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Long Láy (xã Măng Ri) đã nói như vậy khi dẫn chúng tôi đi tham quan vườn sâm Ngọc Linh của gia đình anh.

Vườn sâm được trồng dưới tán rừng có độ cao trên 2.000m. Để đến được vườn sâm, chúng tôi phải leo núi nhiều tiếng đồng hồ, vượt qua 4 lớp hàng rào bằng lưới B40, kẽm gai, bẫy chông bằng tre, cùng nhiều chốt bảo vệ của các gia đình trồng sâm Ngọc Linh nơi đây.

Anh A Nhâm cho biết, vườn sâm Ngọc Linh có diện tích 3 sào với 400 gốc sâm, được 4 gia đình trong họ hàng cùng trồng từ năm 2016. Cứ 3 – 4 ngày, các thành viên trong 4 gia đình lại cử người lên thay nhau để tuần tra, canh gác và thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn người xấu vào nhổ trộm sâm.

Hàng ngày, các thành viên trực chốt đều đi kiểm tra 1 vòng quanh các hàng rào để xem có dấu hiệu xâm phạm hay không, sau đó sẽ thay phiên nhau thức để đi tuần và canh gác vườn sâm vào ban đêm. Thời gian vừa qua, anh A Nhâm đã đầu tư gần 5 triệu đồng để mua kẽm gai về bao bọc cho hàng rào thêm chắc chắn.

Cũng theo anh A Nhâm, lợi dụng trời mưa, đêm tối nên người xấu thường đột nhập vào các vườn sâm để nhổ sâm. Năm ngoái, có hộ dân tại thôn Tu Bung, xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã bị nhổ trộm nhiều gốc sâm trên 3 năm tuổi, bị thiệt hại vài chục triệu đồng.

img

Bà con Xơ Đăng trồng sâm quý hiếm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) thường xuyên kiểm tra và gia cố lại hàng rào cho chắc chắn.

Khi cây sâm bước vào giai đoạn ngủ đông, các lá sẽ được cắt hết, chỉ còn củ sâm vùi trong lớp mùn và lá khô. Khi đó, bà con trồng sâm sẽ dùng que tre cắm ngay bên củ để làm dấu nhận dạng, việc làm này vô tình để lại dấu vết cho kẻ xấu dễ dàng nhổ trộm. “Nhiều năm đổ mồ hôi, công sức chăm sóc sâm quý, chỉ cần mất cảnh giác, có thể sẽ bị mất cả gia tài” - anh A Nhâm nói.

Canh người trộm sâm đã khó, canh giữ các loại động vật ăn sâm còn khó gấp bội, nhất là các loài chuột, loài chim. “Con chuột rất thính và nhanh, chúng thường vào vườn sâm vào ban đêm, đào xới các luống sâm, moi củ sâm lên để cắn. Muốn bắt được chuột, phải đặt bẫy (được làm bằng đá và cành cây) ở nơi có mầm cây mới nhú từ củ sâm để dụ chúng tới. Tuy vậy, có loài chuột rất khó bắt, nên muốn sâm không bị chuột ăn, không còn cách nào khác là phải đi tuần hàng đêm” - anh A Nhâm kể.

Mùa đông, thời tiết vùng núi Ngọc Linh rất khắc nghiệt, ban đêm nhiệt độ xuống dưới 10oC lạnh cắt da cắt thịt, những vườn sâm Ngọc Linh bị sương mù bao phủ nên việc bảo vệ gặp nhiều khó khăn. Mưa liên tục nên việc ngủ lại qua đêm, túc trực, canh gác, đi tuần tra của bà con hết sức gian khổ.

“Nhiều hôm ban đêm, trời mưa trở lớn, sương lại giăng mù mịt nhưng chúng tôi phải thức đi kiểm tra để kịp thời xử lý nước chảy xói lở, cành cây gãy đè lên các luống sâm” - chị Y Biêm cho hay.

Chị Y Biêm, người trồng sâm Ngọc Linh ở thôn Chum Tam (xã Măng Ri) cho hay, hàng ngày chúng tôi đều phải dọn dẹp các rãnh luống để cho nước mưa dễ tiêu thoát, không bị xói lở và tránh được tình trạng nước bị ngưng đọng hoặc nước tràn qua các luống sâm gây úng thối củ sâm.

Chị Y Biêm cũng tâm sự, cây sâm Ngọc Linh có giá trị cao, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng nên gắn với nghiệp trồng sâm thì phải chịu thương, chịu khó, ăn ngủ cùng với sâm.

Ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) cho biết: Hầu hết các gia đình trên địa bàn xã đều trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ, do vậy, bà con đều cử người luân phiên bảo vệ vườn sâm của gia đình 24/24.

Theo ông Thành, chính quyền cũng thường xuyên tuyên truyền cho các nhóm hộ phải hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác bảo vệ các vườn sâm, tuyên truyền cho người dân không được tự ý vào vườn sâm khi chưa được sự cho phép của chủ hộ, đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an xã đẩy mạnh việc tuyên truyền pháp luật cho người dân và theo dõi việc đăng ký tạm trú, tạm vắng đối với người vãng lai trên địa bàn xã.

Đức Thành (Báo Kon Tum)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem