Giai thoại huyền bí
Miếu Ông Cọp được xây dựng vào năm Bính Tý 1936, đời vua Bảo Đại năm thứ 11. Trong quá trình xây dựng miếu gặp rất nhiều khó khăn, có lúc đã xây lên được một nửa lại bị bão đến quật đổ, nhưng nhờ sự giúp đỡ và chung tay của người dân ba khối Xuân Quỳnh, Xuân Mỹ và An Hòa ( Hội An) thì đến ngày 13 tháng 8 năm Bính Tý, miếu Ông Cọp được hoàn thành.
Miếu Ông Cọp tọa lạc tại khối Xuân Mỹ, phường Tân An, TP.Hội An.
Hiện nay, vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại khác nhau kể về nguồn gốc ra đời của miếu Ông Cọp. Nhiều vị bô lão trong làng cho rằng, tên gọi miếu Ông Cọp xuất phát từ tấm bình phong trước miếu có tạc nổi hình con cọp đang có động thái dương nanh, múa vuốt thể hiện uy lực của chúa sơn lâm. Bởi hình tượng này nên người dân nơi đây đặt cho cái tên là miếu Ông Cọp. Cách lý giải này có tính thuyết phục cao vì người Hội An có thói quen đặt tên cho các công trình công cộng gắn với người, vật ở nơi đó. Chẳng hạn như: Chợ Ông Cọp ( hay còn gọi là chợ Tân An) vì nó nằm trước Miếu Ông Cọp, Giếng Bá Lễ vì giếng nằm sau nhà bà Bá Lễ (phường Minh An).
Ông Lê Văn Bảy (52 tuổi, ấp Xuân Mỹ, phường Tân An), một tiểu thương buôn bán ở chợ Ông Cọp hằng ngày quét dọn và trông coi miếu Ông Cọp. Có khách đến thăm thì ông Bảy mở cửa, giới thiệu khách thăm quan. Ông Bảy cho biết: “Về nguồn gốc sinh ra miếu Ông Cọp thì chưa ai được rõ vì có rất nhiều truyền thuyết lưu truyền. Nhưng hằng năm, cứ đến ngày 17, 18 tháng giêng hay Rằm tháng bảy thì có rất nhiều người dân cũng như du khách về đây để cúng viếng với tâm nguyện cầu may”.
Bức phù điêu hình chúa sơn lâm.
Theo ông Bảy thì nhiều người dân phố Hội vẫn rỉ tai nhau về nguồn gốc miếu ông Cọp rất linh thiêng. Tương truyền, lúc xưa Ấp Xuân Mỹ là vùng đất trải dài cát và rừng. Ngày nọ, có một con cọp bị thương từ đâu chạy đến Xuân Mỹ ẩn nấp để điều trị vết thương. Ban đêm người dân thường nghe tiếng cọp kêu lớn vọng cả một vùng.
Ngày trước người dân làng Xuân Mỹ cũng luôn lo lắng vì thấy thú giữ ăn thịt gia súc, gia cầm của họ, nhưng từ khi chúa sơn lâm về trú ngụ tại đây thì tình trạng đó dứt hẳn. Khoảng một tháng sau, người dân đi rừng phát hiện cọp đã chết do vết thương quá nặng. Dân trong làng cảm thấy tiếc thương nên đã xây miếu thờ rồi quen gọi là miếu Ông Cọp.
Che chở dân làng
Ông Lê Văn Bảy, gần 20 năm làm việc không lương, canh giữ và chăm sóc miếu Ông Cọp.
Miếu Ông Cọp được xem là nơi bao bọc cho cuộc sống bình yên của dân làng nơi đây. Người buôn bán đều đến thắp hương cầu cho nhiều khách đắt hàng. Ai gặp khó khăn trong cuộc sống đều đến miếu Ông Cọp để cầu may.
“Để mua may bán đắt, vợ chồng tôi thường viếng thăm miếu cầu may. Nhờ vậy mà công việc kinh doanh tinh thần thoải mái và ngày càng ổn định” - Chị Nguyễn Thị Lành (tiểu thương) chia sẻ.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, người dân Hội An thường tìm đến miếu Ông Cọp để dọn dẹp, sửa sang và bày trí lại miếu với tấm lòng biết ơn về sự che chở vào bao bọc của miếu cho dân làng bình yên. Nhiều người dân và du khách thập phương cũng tìm đến đây thắp hương và khấn vái cầu may mắn trong cuộc sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.