Chuyện mùng Ba Tết thầy

Thứ bảy, ngày 01/02/2014 11:33 AM (GMT+7)
Đọc bài "Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy" của tác giả Nguyễn Hữu Hiệp trên chuyên mục Quê nhà của Báo Dân Việt, tôi nhận ra được nhiều điều thú vị...
Bình luận 0

Song từ thực tế điền dã thu thập được những cứ liệu trong dân gian miền Tây Nam Bộ nói chung vùng đất Hậu Giang – Bạc Liêu – Cà Mau nói riêng, tôi xin có đôi dòng cung cấp thêm đến độc giả của báo Dân Việt một số thông tin về tập tục này!

Dân gian Tây Nam bộ thường truyền với nhau câu: Mùng Một tết cha, mùng Ba tết thầy. Nhiều người lí giải rằng, mùng Ba đến tết thầy dạy học, đền đáp công ơn thầy đã dạy dỗ chữ nghĩa để mình khôn lớn nên người. Trong thực tế ngày nay cũng đã diễn ra như vậy. Việc làm ấy là một nét đẹp, nhưng đã có sự phát triển, vượt xa nghĩa gốc xưa của một phong tục? Truy nguyên nguồn cội, chúng tôi xin tái hiện một nghĩa khác của nét sinh hoạt văn hóa này.

(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Thực tình, việc học chữ nghĩa ở vùng đất Tây Nam bộ vào cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỷ XIX còn ít nhiều hạn chế. Thầy đồ Nho không nhiều, người theo học chữ Tây thì phải là con nhà khá giả, chủ điền, … Người học ít, người dạy cũng ít nên việc tết thầy được dân gian khuyến dạy qua nội dung câu nói mồng Ba Tết thầy hiểu là học trò đến Tết thầy học dường như không hợp lí, trong nét nghĩa ở thuở ban đầu ngày đó.

Thầy – đối tượng được người người đến Tết dịp mùng Ba có lẽ là còn có đối tượng khác.

Ngày trước khi điều kiện sinh sống chủ yếu là tự túc, tự cấp, sức khỏe của con người ít may nhiều rủi. Bệnh tật, ốm đau thuốc men chủ yếu là cỏ, cây quanh vườn nhà. Nhưng biết sao được, có bệnh ắt phải tìm thầy.

Thầy ở đây là người biết chút ít bùa chú hoặc pháp thuật. Những người này cũng thường hay trị bệnh bằng những cách khó chấp nhận dưới góc nhìn của khoa học ngày nay. Nhưng nếu người bệnh may mắn hay tình cờ hết bệnh thì người thầy trị bệnh đó được khen hay, khen giỏi. Tiếng lành đồn xa. Nếu có người không may thì coi như đó là phần số, cam lòng thọ lãnh.

Theo quan niệm dân gian xưa ở miền Tây sông nước, khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ chúng thường mang gửi nhờ thầy nuôi. Nhà nghèo thì chuẩn bị xị rượu, bắt con gà, giàu thì đầu heo, tiền bạc mang đến ra mắt thầy. Thầy nhìn mặt đứa trẻ và đặt cho một cái tên xấu xấu như con Xù, thằng Hen, con Niễng, thằng Đực, con Bù Tọt, con Thẹp, … cốt là để dễ nuôi và khỏi bị người khuất mặt quở phạt.

Từ lúc này, đứa bé là con của thầy, nó gọi thầy bằng cha, còn gọi cha ruột bằng một cái đại từ khác, như đáng lẽ phải gọi là ba thì lại gọi là , là dượng, chẳng hạn. Thầy cho miếng bùa, thường là miếng vải đỏ may hình trái tim, được xỏ chỉ cho đứa nhỏ đeo ở. Người ta tin như vậy, quỷ ma sợ không dám lại gần. Trẻ sẽ khỏe mạnh, không ốm đau, quấy khóc.

Sau buổi lễ ấy thì cha mẹ ruột mang trẻ về nhà nuôi dưỡng, chỉ đến ngày rằm, ngày vía mới sắm lễ vật đến nhà thầy để thầy … cúng và đổi bùa. Bùa được đeo đến 9 hoặc 12 tuổi mới thôi. Bài thơ Tiền và lá (có người cho là của nhà thơ Kiên Giang tặng Nguyễn Bính, người thì cho là của Nguyễn Bính), đã nhắc đến sự kiện này:

Ngày xưa hớt tóc miểng vùa

Ngày xưa mẹ bắt đeo bùa cầu Ông

Cũng từ đó, năm nào Tết đến, lễ chúc ông bà, nội ngoại xong xuôi vào mùng Một, mùng Hai thì mùng Ba đến tết thầy. Thầy đã đỡ đầu bằng tinh thần, hay những lần chữa chạy bệnh tình, nuôi dưỡng cho mình. Lễ mang đến nhà thầy cũng tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng người. Vấn đề là tấm lòng trọng nghĩa, đến thầy để tạ ơn thầy, kính thầy như cha. Có trường hợp thầy nuôi cho đến lớn, lập gia đình, có con, người đó lại mang con đến nhờ … thầy nuôi! Những người thầy ấy quả “mát tay” và cũng đáng trọng về đạo đức, nhân cách.

Ý nghĩa và phong tục ấy ngày nay đã dần nhạt phai. Nó chuyển sang nghĩa mới như chúng tôi đã nói ở phần đầu bài viết này. Bởi y học phát triển, chuyện "bùa chú", "tà ma", "đồng bóng" đã lùi xa vào quá khứ. Song, dù thế nào thì nó cũng đã một thời tồn tại trong đời sống bình dân miền sông nước. Không ít người lớn tuổi ngày nay vẫn còn nhớ lá bùa đỏ thầy cho đeo như một kỉ vật của tình người, của niềm tin vào sự sống.

Hai Miệt Vườn (Hai Miệt Vườn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem