Chuyện những “chiến sĩ Cụ Hồ, quân Võ Đại tướng”

Thứ hai, ngày 05/05/2014 10:21 AM (GMT+7)
Trước khi quyết định đánh Điện Biên Phủ được đưa ra, một tập đoàn cứ điểm giả lập với cánh đồng Mường Thanh, đồi A1, hầm chỉ huy... của quân đội thực dân Pháp đã được bộ đội ta dựng lên ngay ở ATK Định Hóa, Thái Nguyên.
Bình luận 0
Cuộc diễn tập mang ý nghĩa quan trọng

Mùa hè năm 1953, ông Phùng Đức Nự mới 25 tuổi, đang là Trung đội trưởng kiêm Chính trị viên Trung đội bộ đội địa phương huyện Định Hóa. Năm ấy, một cuộc diễn tập “đánh tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp” đã được thực hiện ngay tại cánh đồng xóm Bản Soi, xã Đồng Thịnh, huyện Định Hóa – quê hương của ông Nự.

Ông Phùng Đức Nự nhớ lại lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng năm 2005.
Ông Phùng Đức Nự nhớ lại lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng năm 2005.

Khi đó, lúa đang chín rộ ở cánh đồng Soi, cả cánh đồng được dùng làm trận địa diễn tập. Ông Nự kể, những ruộng người dân chưa kịp gặt xong thì rẽ lúa làm thành giao thông hào để bộ đội tập thực binh. Người dân, kể cả lực lượng bộ đội địa phương như ông Nự lúc bấy giờ chỉ biết bộ đội chủ lực diễn tập công đồn với thủ pháo, pháo, súng bazôka. Địa hình diễn tập được trên một khu vực rất rộng với những giao thông hào dưới cánh đồng Soi, đồi pháo vây xung quanh, hầm chỉ huy của địch được dựng ở cạnh UBND xã Đồng Thịnh hiện nay.

Ông Nự kể: “Người dân xóm Đồng Mòn được đưa đi sơ tán trước cuộc diễn tập. Đồi Nà Chà được đặt làm đồi pháo, Đồi Nghè gần trường quân chính của Bộ Tổng tham mưu lúc bấy giờ cũng được coi là một điểm chốt quan trọng của địch. Trận địa được kéo tới tận xóm Đồng Làng, Đèo Tịt. Sở chỉ huy tiền phương của ta được đặt ở Nọng Nia. Hầm chỉ huy của tướng địch đặt ở vị trí ngay cạnh trụ sở UBND xã bây giờ, có đào hầm hẳn hoi”.

Để chuẩn bị trận địa, ông Nự nhớ rằng bộ đội ta đã phải mất hơn một tuần để chuẩn bị. Hệ thống hầm hào, lô cốt địch được dựng bằng tre nứa, bao cát, các vị trí bố trí ụ súng của địch được bố trí khắp nơi, có dây thép gai làm vật cản. Trong các vị trí cần đánh chiếm có cả mục tiêu là sân bay địch.

Rồi tiếng súng đì đoàng vang lên, bộ đội ta theo đường giao thông hào thâm nhập trận địa địch, dùng thủ pháo đánh phá đồi địch. Thao trường ở cánh đồng Soi khi ấy như một chiến trường thực sự. Đấy cũng là lần đầu tiên, ngay tại vùng an toàn khu Định Hóa, người dân được chứng kiến bộ đội chủ lực của ta diễn tập với các trang thiết bị tiên tiến, vũ khí hỏa lực mạnh.

Người dân, kể cả lực lượng dân quân địa phương như ông Phùng Đức Nự lúc bấy giờ cũng chỉ biết đó là một cuộc diễn tập công đồn trên quy mô lớn của bộ đội ta. Sau này, khi tận mắt mục kích địa bàn chiến dịch Điện Biên Phủ và được các cán bộ đại đoàn quân tiên phong kể lại, ông Nự mới hay cánh đồng Bản Soi đã từng được coi là cánh đồng Mường Thanh, Đồi Nghè tượng trưng cho đồi A1, hầm chỉ huy của tướng địch không khác mấy so với hầm tướng De Castries.

Ông Nự cho hay: “Các vị tướng của mình giỏi chọn vị trí thật, sơ đồ diễn tập tương đối giống với Điện Biên Phủ. Cánh đồng ở phía dưới thấp, quân ta từ phía trên đánh xuống. Ngay cả hầm chỉ huy của địch giống hệt như hầm tướng De Castries ở cánh đồng Rum, kể cả mặt bằng, xe pháo bố trí xung quanh. Chỉ khác, hầm tướng De Castries có mái vòm bằng thép”.

Thông tin từ Sở VHTTDL Thái Nguyên đã xác định: “Xóm Bản Soi, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vào hè thu năm 1953, thực hiện chỉ thị của Tổng Quân ủy, một trung đoàn thuộc Đại đoàn Quân tiên phong (F308) đã tổ chức diễn tập thực binh đánh tập đoàn cứ điểm của Pháp”.

Ngày 6.12.1953 tại đồi Tỉn Keo thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa – nơi cách cuộc diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm hơn 12km, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tham mưu báo cáo quyết tâm tấn công Điện Biên Phủ. Hồ Chủ tịch thay mặt Bộ Chính trị kết luận: Về phía địch, Điện Biên Phủ sẽ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng chúng có cái yếu cơ bản là bị cô lập.

Mọi việc tiếp viện, tiếp tế đều phải dựa vào đường hàng không; Về ta, với chất lượng được nâng cao một bước trong chỉnh huấn, chỉnh quân với những phương tiện sẵn có và tiến bộ về trang bị kỹ thuật, quân đội ta tới đây có thể đánh được tập đoàn cứ điểm. Bộ Chính trị đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ với bí danh Trần Đình và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Người gửi các mật lệnh bằng tiếng Tày


Từ ATK Thái Nguyên, những người lính như ông Nự ngày đêm bảo vệ các cơ quan T.Ư lại bồng súng theo đoàn quân chủ lực tiến lên Điện Biên. Một cựu chiến sĩ Điện Biên ở TP. Thái Nguyên cho tôi biết: “Những ngày đó, bộ đội và dân công trên đường hành quân vào chiến dịch đều truyền nhau câu ca: Ra đi đã nguyện lời thề - Trần Đình hết giặc mới về quê hương” để thể hiện sự quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp”.

"Nay đã nhiều đồng chí ngoài 80 tuổi. Dù biết không dễ có thể chờ đến những lễ kỷ niệm Điện Biên Phủ những lần sau chúng tôi vẫn tự dặn lòng phải có trách nhiệm xây dựng địa phương trong khả năng của mình để xứng đáng truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Ông Phùng Đức Nự

Trong đoàn người ấy, ông Phùng Đức Nự tham gia công việc hậu cần ở tuyến sau. Một người đồng hương với ông Nự ở Định Hóa, cùng bảo vệ ATK có may mắn hơn khi được trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, được trực tiếp thực hiện một mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là ông Mông Đức Ngô – Trung đội trưởng Trung đội Thông tin liên lạc trong chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ở xã Phượng Tiến, huyện Định Hóa. Khi còn ở ATK Định Hóa, ông Ngô như nhiều dân quân, bộ đội địa phương khác đã làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan T.Ư Đảng đóng tại đây.

Người lính dân tộc Tày cũng có may mắn khi được nhiều lần phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã đưa ra quyết định dùng tiếng Tày để phát đi một phần chỉ đạo các đơn vị bởi hệ thống thông tin liên lạc của ta khi ấy còn tương đối lạc hậu so với đối phương nên chưa thể bảo mật. Ông Ngô được chọn làm người gửi các mật lệnh bằng tiếng Tày. Vậy là lệnh của Đại tướng, của Sở chỉ huy chiến dịch được phát đi khắp mặt trận bằng tiếng Tày.

Những chiến sĩ Điện Biên Phủ ngày ấy ở ATK vẫn nhớ như in vinh quang được bảo vệ Bác Hồ, Đại tướng và các cơ quan T.Ư ở ATK, được sát cánh cùng các đại đoàn chủ lực làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Vinh quang đó, được những người lính Điện Biên Phủ thế hệ ông Nự, ông Ngô gọi là “Chiến sĩ Cụ Hồ, quân Võ Đại tướng”.

Ông Phùng Đức Nự nhớ lại lần được gặp lại gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội vào ngày 13.4.2005. Lúc đó, khoảng 15 người đại diện cho bộ đội chiến khu được đến nhà riêng của Đại tướng trò chuyện. Ông Nự tự hào kể: “Cuộc gặp đó, theo lịch Đại tướng chỉ tiếp chúng tôi 15 phút nhưng nó đã kéo dài hơn vì Đại tướng bảo đây là đoàn các anh em ở chiến khu. Đại tướng hỏi nhiều lắm, hỏi những câu rất cụ thể liên quan đến đời sống của chúng tôi. Đại tướng luôn cười vang. Lúc đó chúng tôi thấy ông gần gũi và chân thành vô cùng”.
Vinh Hải (Vinh Hải)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem