Chuyện về nhà nông Philippines

Chủ nhật, ngày 01/09/2013 14:53 PM (GMT+7)
Cũng giống như Việt Nam, trong những năm gần đây làn sóng lao động nông thôn ở Philippines đổ về các đô thị lớn và đi XKLĐ ngày một nhiều. Với những nông dân còn lại, họ đã tiến tới việc sản xuất chuyên nghiệp hơn.
Bình luận 0
Trong một chuyến đi dự chương trình giao lưu nông dân châu Á- Thái Bình Dương ở Philippines, phóng viên Báo NTNN đã có dịp tìm hiểu về những nông dân như thế.

Nông dân nói tiếng Anh… như gió

Khi chưa sang Philippines, tôi cứ mang máng trong đầu, mấy ông nông dân nơi này làm ăn cũng nhàng nhàng. Bởi chẳng gì, hàng năm Philippines đều phải nhập tới trên 1 triệu tấn gạo từ Việt Nam. Thế nhưng, khi sang tới nơi, được xuống tận ruộng đồng của đất nước xứ đảo này, mới thấy hết sự chuyên nghiệp của từng nông dân ở đây. Họ chuyên nghiệp từ cách tính toán cho tới giao tiếp.

Một con đường dẫn ra cánh đồng ở Ramos, tỉnh Tarlac.
Một con đường dẫn ra cánh đồng ở Ramos, tỉnh Tarlac.

Trong chuyến đi này, chúng tôi được bố trí xuống tỉnh Tarlac, một tỉnh nông nghiệp nằm cách thủ đô Manila chừng 5-6 giờ chạy xe. Nơi chúng tôi xuống là khu trồng ngô ở vùng Bray Center, Ramos. Đón tiếp đoàn chúng tôi trên đồng ruộng là một nông dân “chính hiệu” có tên là Jerson. Năm nay 37 tuổi, Jerson đã có nhiều năm gắn bó với ruộng đồng vùng này. Điều đầu tiên khiến cả đoàn phải ngạc nhiên là khả năng giao tiếp của anh chàng nông dân này khá thoải mái, đặc biệt là nói tiếng Anh rất trôi chảy và chuẩn xác.

Thực ra, nhiều người vẫn hiểu rằng việc người dân Philippines nói tiếng Anh là bình thường như “cơm ăn, nước uống hàng” ngày. Song tìm hiểu kỹ mới biết, ở Philippines khi nói chuyện với nhau, người dân vẫn nói tiếng mẹ đẻ- tiếng Filipino- một ngôn ngữ dựa theo tiếng Tagalog. Khi cả đoàn xuống cánh đồng ngô của gia đình mình, Jerson bắt đầu giới thiệu về “gia sản” của mình. Theo như lời anh nông dân này, thì nhà anh có 2,4ha chuyên trồng ngô, trong đó có hơn 1,1ha trồng ngô biến đổi gen. Trong đoàn của chúng tôi có rất nhiều người là các chuyên gia, nhà báo, kỹ sư… đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan… Sau khi nghe Jerson giới thiệu xong, mọi người bắt đầu phỏng vấn anh.

Một ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được ở người nông dân này là sự tự tin và thoải mái, thậm chí anh còn chủ động “chém gió” với mọi người, không có dáng vẻ gì là của một anh nông dân quanh năm chấn lấm, tay bùn. Bất cứ câu hỏi nào của ai đưa ra cũng được anh trả lời ngay tức khắc hoàn toàn bằng tiếng Anh với những kiến thức rất chuyên sâu về làm nông nghiệp. Theo lời của Jerson, những người nông dân như anh bây giờ làm ăn đều phải có sự tính toán từ việc đầu tư bao nhiêu cho giống, phân bón, thuê nhân công đến việc thu hoạch rồi bán hàng cho ai. Nhờ biết làm ăn, tính toán như vậy nên lợi nhuận mà những người như anh thu được bao giờ cũng đạt từ 40-60%.

Trong lúc Jerson trả lời câu hỏi và phỏng vấn của mọi người, thi thoảng cũng có những nông dân đang thu hoạch ngô cạnh đó xen vào câu chuyện, và tất nhiên, họ đều nói với khách bằng tiếng Anh một cách rất chuẩn xác. Một người đi trong đoàn chúng tôi nói: “Ngoài việc Philippines là nước đi đầu trong việc ứng dụng trồng giống ngô biến đổi gen ở châu Á, một lý do mà nước này được chọn để tổ chức chương trình giao lưu nông dân châu Á- Thái Bình Dương hàng năm (tính đến nay là 7 năm liên tục) còn do khả năng nói tiếng Anh của nông dân ở đây rất lưu loát và họ còn có kỹ năng giao tiếp cao nhờ biết nói tiếng Anh.

Nghề làm nông đang “hot”

Nếu như ở nước ta, nghề nông đã trở thành một nghề “không biết làm gì mới đi làm nông”, thì ngược lại ở Philippines nghề này đang thu hút được rất nhiều người là trí thức hay nghỉ hưu. Thực tế ở Philippines, một thời gian dài do hệ thống thủy lợi xuống cấp (người dân chủ yếu phải dùng nước khoan để tưới cho cây trồng) và thường xuyên chịu rủi ro do mưa bão, nên đã có rất nhiều người rời bỏ ruộng đồng, bỏ hoang ruộng để đi nơi khác tìm việc làm. Chính điều này đã khiến các sản phẩm thực phẩm ở nước này khá nghèo nàn và giá lương thực luôn cao hơn so với các nước xung quanh.

Hiện nay, Philippines vẫn còn hơn 40% dân số (tổng số 90 triệu người) làm nông nghiệp. Trong đó, gạo là nông sản quan trọng nhất, song do hệ thống thủy lợi xuống cấp, thiếu nước tưới nên hàng năm nước này thiếu hụt một lượng gạo rất lớn, phải nhập khẩu. Sau lúa gạo, ngô là cây trồng phát triển thứ 2 với khoảng 2,6 triệu ha và đang có xu hướng tăng lên do loại cây này không cần nhiều nước như lúa.


Cũng vì nắm bắt được những điều trên, anh Resley Buca - một người khá vạm vỡ ở Nam Cotabaco, thuộc khu vực Mindanao ,vốn là một thủy thủ đã bỏ về quê để làm ruộng. Anh kể, thời gian đầu khi mới về làm nông, vợ anh cũng không hài lòng và không tin anh có thể làm được ruộng. Điều đầu tiên mà Buca làm khi rời bỏ nghề thủy thủ đó là cùng vợ con lên tận vùng Nam Cotabaco để thuê đất trồng 2ha ngô, đậu. Thời gian đầu, công việc khá vất vả do anh chưa có kỹ thuật với nghề nông. Song chỉ một thời sau, anh đã được một số chuyên gia kỹ thuật ở các công ty đến đặt vấn đề hợp tác và hướng dẫn anh cách trồng ngô, từ đó Buca càng yêu thích với nghề nông của mình hơn.

Buca chia sẻ: “Quan điểm của tôi là luôn làm thử cái mới và sẽ thành công, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như phải biết tính toán”. Nói chuyện với tôi, Buca đã đưa ra cả một bản hạch toán rất chi tiết với các chi phí, thu nhập đầu ra- đầu vào khi làm ruộng của mình theo từng vụ, từng năm và con con số đối chiếu để hạch toán lỗ- lãi. Cũng nhờ biết hạch toán như vậy, nên anh đã có thêm nhiều tiền hơn để mua được 2 xe máy và cho các con đi học, mà không cần phải lo bỏ nghề nông.

Tâm sự thêm với tôi, Buca cũng cho biết, anh biết khá nhiều người bạn là nông dân như anh ở Việt Nam, bởi theo anh Việt Nam là nước sản xuất nông nghiệp lớn, cũng có nhiều kinh nghiệm để những nông dân Philippines học hỏi.

Phóng viên Báo NTNN (phải)  trao đổi với nông dân Jerson.
Phóng viên Báo NTNN (phải) trao đổi với nông dân Jerson.

Vốn là một cô giáo, sau khi về hưu, bà Perla Asor ở Naga City, Bắc Luzon cũng đã tìm về với nghề nông và trồng tới 7ha ngô. Nói về việc làm nông, bà Perla chia sẻ: Quan điểm của tôi là những người nông dân phải biết tin vào mình. Như tôi, khi mới về làm nông, tôi đã chủ động liên hệ với Phòng Nông nghiệp địa phương để được hướng dẫn về kỹ thuật, rồi tự mình chủ động hợp tác với một số công ty để họ hỗ trợ về giống, kỹ thuật... Theo lời chia sẻ của bà Perla, chúng tôi được biết nông dân ở Philippines khá chủ động trong việc liên kết với doanh nghiệp và họ luôn chú ý tới 2 khâu là giống và kỹ thuật canh tác, bởi theo họ đó mới chính là những yếu tố mấu chốt để làm ruộng có lãi.

Gặp gỡ nhiều với những nông dân ở Philippines, chúng tôi càng thấy họ rất năng động. Ngoài việc canh tác, họ còn biết làm dịch vụ và cho nhau thuê lại ruộng rất linh hoạt. Anh Ismael Madriaga - một nông dân ở Poblacion, Ramos, tỉnh Tarlac là một trong những nông dân như thế. Hiện anh có 2ha chính chuyên canh tác ngô, còn lại anh tập trung vào làm dịch vụ, từ việc phân phối giống đến việc cho thuê máy cày, máy bừa. “Thực chất, gia đình tôi có 4ha, nhưng đã cho thuê đi 2ha để tập trung vào làm dịch vụ khác”.

Theo anh Madriaga, ở đây việc cho thuê lại ruộng khá phổ biến, vụ này anh có thể cho thuê đi 2ha, nhưng vụ sau anh lại có thể thuê lại 3-5ha, hoặc đối với những ruộng ở xa thì không nhất thiết cứ giữ lấy sản xuất, mà có thể cho người khác thuê lại, còn mình đi thuê ruộng khác gần hơn. Hiện anh nông dân này đang được coi là triệu phú trong vùng nhờ biết “đa dạng hóa” hình thức kiếm tiền từ chính nghề nông.
Lê Hân (Lê Hân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem