Có tới 3 nhân vật Triệu Đà trong lịch sử nước Nam?

Khánh Đăng Thứ sáu, ngày 24/05/2024 14:30 PM (GMT+7)
Những nghiên cứu mới nhất của nhóm tác giả Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân (nhóm nghiên cứu Di sản Văn hóa Đền Miếu Việt) được công bố trong cuốn sách "Long Hưng Triệu Vũ Đế" đã chứng minh lịch sử nước Nam có tới 3 nhân vật Triệu Đà.
Bình luận 0

Triệu Đà không phải người phương Bắc?

Trong truyền thuyết "Mỵ Châu – Trọng Thủy", nhân vật Triệu Đà được miêu tả là chúa của đất Nam Hải, mấy lần đem quân sang cướp đất Âu Lạc, nhưng vì An Dương Vương có nỏ thần, quân Nam Hải bị bại trận nên Triệu Đà đành cố thủ đợi chờ thời cơ. Triệu Đà thấy dùng binh không lợi, bèn xin giảng hòa với An Dương Vương, sai con trai là Trọng Thuỷ sang cầu thân lấy nàng Mỵ Châu – con gái của An Dương Vương. An Dương Vương vì muốn giữ tình hoà hiếu giữa hai quốc gia nên đã đồng ý gả con gái.

Có tới 3 nhân vật Triệu Đà trong lịch sử nước Nam?- Ảnh 1.

Tượng thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng hậu trong hậu cung đền Đồng Sâm. Ảnh: TL

Trọng Thuỷ đã ở rể tại Cổ Loa, đánh cắp nỏ thần của thần Kim Quy ban cho vua Thục mang về. Triệu Đà tấn công vào Cổ Loa, vua An Dương Vương bị thua chạy về Đền mộ Dạ Sơn thì cùng đường, thần Kim quy hiện lên báo vua "kẻ ngồi sau ngựa chính là giặc đấy, sao không giết đi". An Dương Vương liền chém công chúa Mỵ Châu, máu chảy loang mặt nước, loài trai nuốt vào bụng hóa thành hạt minh châu.

Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất của nhóm tác giả Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Lưu, Nguyễn Đức Tố Huân được công bố trong cuốn sách "Long Hưng Triệu Vũ Đế" đã chứng minh lịch sử nước Việt có tới 3 nhân vật Triệu Đà.

Theo tác giả Thích Tâm Hiệp, trong quá trình đối chiếu, khảo cứu và dịch chú hai bản tư liệu, bao gồm "Thần tích làng Mạo Phổ" (Lương Lỗ, Thanh Ba, Phú Thọ) và "Thần tích làng Hạ Mạo", nhóm đã phát hiện thông tin vô cùng quan trọng. Sự tích các vị thần được thờ ở Mạo Phổ và Hạ Mạo đã soi tỏ một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc, đó là giai đoạn cuối của thời Hùng Vương, qua thời Thục Vương đến khi nhà Triệu lập quốc Nam Việt với kinh đô ở Lưỡng Quảng (vùng đất Việt cổ, tương ứng hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông ngày nay).

Theo nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp, "Thần tích Hạ Mạo" cho biết, Triệu Văn Vương có cha là Chàng Ánh, con của Hùng Vương thứ 17. Chàng Ánh theo bản thần phả được xưng là Hậu Hùng Vương, lấy con gái của Đông Chu Quân. Hậu Hùng Vương đã lệnh cho người con út dẫn ba ngàn quân giúp Triệu Đà đánh Thục. Triệu Đà lên ngôi là Vũ Đế nhưng vẫn cắt Quảng Tây cho Việt. Chàng Út kế vị, xưng là Việt Tây Út Ngọ Lôi Mai Đại vương. Vũ Đế ban sắc phong cho Chàng Út làm vương.

"Những thông tin vô cùng quý giá từ tộc phả của Hạ Mạo và bản thần phả cùng di tích và tục thờ thần ở Mạo Phổ chính là chiếc chìa khóa giải mã những nút thắt lịch sử về giai đoạn Hậu Hùng Vương và thời kỳ lập quốc của các vị vua nhà Triệu. Đây cũng chính là minh chứng rõ ràng cho lịch sử hào hùng của người Việt trong giai đoạn này", nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp nói.

Nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp cũng nói rằng, trong sử Việt, có lẽ không có vị đế vương nào lại phải chịu tiếng oan ức như vua Triệu Vũ Đế. Oan vì bị một số sử gia Tàu đánh tráo khái niệm, đánh tráo thời gian, biến một vị đế vương oai hùng đầu tiên của nước Nam người Việt thành một người Tàu xâm lược, thâm độc…

Có tới 3 nhân vật Triệu Đà trong lịch sử nước Nam?- Ảnh 2.

Bìa sách “Long Hưng Triệu Vũ Đế, tư liệu và luận giải”. Ảnh: ĐT

"Nỗi oan đầu tiên là Triệu Đà bị xem là người phương Bắc xâm lược nước Nam. Theo "Sử ký Tư Mã Thiên" vua Nam Việt họ Triệu, tên là Đà, người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Thông tin thư tịch chỉ có vậy, thế mà không biết căn cứ vào đâu sách vở lại chú thích huyện Chân Định đời Tần "nay là" huyện Chính Định, Hà Bắc, Trung Quốc. Triệu Đà bị biến thành người nước Triệu thời Chiến Quốc, quê gốc Hà Bắc. Trong khi huyện Chính Định ở Trung Quốc thời kỳ nhà Tần đang là huyện Đông Viên, đến thời Đông Hán mới đổi thành huyện Chân Định quê hương vua Triệu được.

"Nam Việt Úy Đà liệt truyện" chép, bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận. Như vậy, thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần. Huyện Chân Định hoàn toàn có thể nằm ở chính Giao Chỉ chứ không đâu xa. Chân Định là một trong 15 bộ của nước Văn Lang thời Hùng Vương. Chân Định cũng là tên cũ của huyện Kiến Xương, tới thời Thành Thái (1889) đổi là huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Huyện Kiến Xương nay còn di tích là đền Đồng Sâm tại xã Hồng Thái thời Triệu Vũ Đế. Tại "Đồng Sâm sự tích" cho biết, Triệu Vũ Đế lấy vợ là Hoàng hậu Trình Thị. Như vậy, Triệu Đà là người Việt chính gốc chứ chẳng phải Tần hay Triệu nào ở Bắc Hoàng Hà", nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp kiến giải.

3 nỗi oan của Triệu Đà

Theo nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp, nỗi oan thứ hai của Triệu Đà là dẫn quân Tần xâm lược Việt. Đây được xem là "nỗi oan thấu trời" của nhân vật lịch sử này vì khi nhóm nghiên cứu cất công lần tìm các thư tịch cũ đều không có sách nào nói Triệu Đà cầm đầu đại quân nhà Tần. Chỉ có trong "Hoài Nam Tử" có đoạn: "Nhà Tần sai Úy Đà Đồ Thư đem lau thuyền xuống Nam đánh Bách Việt". Cụm từ "Úy Đà" bị hiểu thành Triệu Đà, hóa thành Triệu Đà cùng Đồ Thư dẫn quân xuống phương Nam. Trong khi đó, Úy Đà là chức vụ của tướng Đồ Thư, với nghĩa như Đô Úy, tức là tướng thống lĩnh quân đội.

"Việt Nam Úy Đà liệt truyện" chép: "Thời Tần, Đà được làm lệnh ở huyện Long Xuyên, thuộc quận Nam Hải". Nếu Triệu Đà là tướng cùng Đồ Thư dẫn mấy chục vạn quân đánh Việt thì sao lại chỉ được làm một huyện lệnh nhỏ nhoi ở Nam Hải?

Huyện Long Xuyên nay là Long Biên, nơi còn đình đền thời Triệu Vũ Đế tại xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên). Theo sự tích ở đình Xuân Quan thì Triệu Vũ Đế khi đi qua bến sông này đã thấy rồng bay lên nên sau đó đặt tên là Thăng Long. Đình Xuân Quan được xây trên hành cung cũ của Triệu Vũ Đế nên có tên là điện Long Hưng".

"Thiên Nam ngữ lục" (thế kỷ 17) chép về Triệu Đà: "Hiệu xưng là Triệu Vũ Hoàng/Chín lần xem trị bốn phương đẹp lòng/Long Biên thành hiệu Thăng Long/Vì xưa rồng dậy dưới sông Nhị Hà".

Triệu Vũ Đế lấy vợ ở đất Chân Định (Kiến Xương, Thái Bình), khởi nghĩa kháng Tần từ đất Long Biên (Thăng Long), hoàn toàn không phải kẻ xâm lược, dẫn quân Tần đánh Việt", nhà nghiên cứu Thích Tâm Hiệp chia sẻ thêm.

Theo nhóm tác giả sách "Long Hưng Triệu Vũ Đế", Triệu Đà bị xem là kẻ thâm độc, xâm lược nước ta vì truyền thuyết Việt kể Triệu Đà sau khi đánh An Dương Vương không được phải giả vờ xin hòa, cho con là Trọng Thủy cưới công chúa Mỵ Châu của An Dương Vương và xin ở rể. Trọng Thủy nhân cơ hội đánh tráo lẫy nỏ thần của nước Âu Lạc rồi tìm quân về nước, dẫn quân sang, đuổi An Dương Vương cùng đường mà phải chém chết Mỵ Châu… Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tìm khắp các thư tịch của Trung Hoa không hề có chỗ nào ghi Triệu Đà đánh An Dương Vương.

"Nếu Triệu Đà là người cầm quân Tần đánh Việt từ năm Tần Thủy Hoàng thứ 33 (214 TCN), lập ra quận huyện đầy đủ rồi thì làm gì còn An Dương Vương và nước Âu Lạc nào sau đó nữa để Triệu Đà phải dụng tâm, khổ kế như vậy" các thành viên nhóm nghiên cứu thắc mắc.

Nhóm nghiên cứu cho biết, trong quá trình nghiên cứu, tìm tòi và đối chiếu các sử liệu thành văn, các di sản văn hóa tín ngưỡng còn lưu truyền trên đất Việt thì có thể thấy trong câu chuyện "Nam Việt Úy Đà" có tới 3 vị thủ lĩnh.

Người thứ nhất là Lý Bôn – một thường dân áo vải khởi nghĩa từ vùng Long Hưng (Thái Bình) đuổi được nhà Tần năm 207 TCN, lập nước Vạn Xuân, xưng Đế thên hạ tức Triệu Vũ Đế.

Người thứ hai là Triệu Túc thuộc dòng dõi quý tộc Chu Diên, Thái phó của Lý Nam Đế đã chiếm lại các quận mà Tần lập ra trên đất Việt, xưng là Nam Việt Vũ Vương.

Người thứ ba là Triệu Quang Phục, Tả tướng của Lý Nam Đế, con trai của Triệu Túc, chống giữ ở đầm Dạ Trạch rồi cùng cha mình lập quốc Nam Việt, đến năm 179 TCN tự xưng Đế, tức Triệu Vũ Đế.

Chứng tích về các nhân vật nhà Triệu được thờ tự và lễ hội trải khắp các làng xã miền quê đất Bắc. Theo thống kê của nhóm Nghiên cứu Di sản Văn hóa Đền Miếu Việt, hiện có tới 25 di tích thờ Triệu Vũ Đế; hơn 200 đình, đền, miếu thờ các vị vua nhà Triệu. Trong đó, đáng kể nhất là ngay khu vực thành Cổ Loa có rất nhiều đình, đền thờ Triệu Đà. Cụ thể, có đình và đền Tó (xã Uy Nỗ, thị trấn Đông Anh) thờ Triệu Việt Vương (Đây là vị Vương nhà Triệu thời hậu An Dương Vương); đình đền Hội Phụ (xã Đông Hội, Đông Anh) thờ Triệu Việt Vương (thời hậu An Dương Vương); đình Văn Tinh (xã Xuân Canh, Đông Anh) thờ Triệu Đà và Cao Sơn Đại Vương.

Cụm di tích đền Đình Vỹ (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và di tích hai làng Đa Vạn – Song Tháp (phường Châu Khê, TP. Từ Sơn, Bắc Ninh) có chung bản thần tích "Ký sự đền linh họ Triệu" kể về mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy và sự nghiệp của Triệu Đà. Thậm chí, ở di tích làng Đa Vạn vẫn còn lưu một số sắc phong cho Triệu Đà và cuốn thư "Tự Đế Kỳ Quốc" (Từ Đế mà có quốc gia này). Ở đình Thạc Quả - đình Tràng (xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng thờ Triệu Vũ Đế và còn giữ được sắc phong Triệu Vũ Hoàng Đế.

Ở Thái Bình, cụm di tích quan trọng nhất và lưu giữ nhiều tư liệu quý về Triệu Đà là cụm di tích Đồng Sâm, đặc biệt là đền Đồng Sâm. Đền Đồng Sâm được xây dựng trên chính đất của hành cung Triệu Vũ Đế xây thuở xưa, thờ Nam Việt Vũ Đế - Triệu Vũ Đế và Hoàng hậu Trình Thị cùng Nguyễn Kim Lâu là tổ nghề chạm bạc cổ truyền của làng. Tại ngôi đền này, nhân dân tôn Triệu Vũ Đế là "Nam Bang Đế thủy", là "Khai quốc Đại đế" - bậc đế vương mở đầu một triều đại chính thống, khai sinh quốc gia Nam Việt.

Ngoài ra, ở thôn Quan Hà (xã Cộng Hòa, huyện Hưng Hà, Thái Bình) còn có di tích thờ cả Triệu Vũ Đế và Triệu Việt Vương; thôn Tuấn Nghĩa (xã Thành Thái) và thôn Cam Đoài (xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, Thái Bình) cũng có di tích thời Triệu Đà. Hiện chùa Cam Đoài vẫn lưu giữ được sắc phong và bài vị cổ thờ Triệu Đà.

(Còn tiếp)



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem