"Con tỷ đô" nuôi đang lời, nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An quyết đổi đời với "chuyện đã rồi"

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 12/03/2023 13:00 PM (GMT+7)
Hấp dẫn từ lợi nhuận và muốn thoát khỏi cảnh nghèo đeo bám khiến nông dân ở vùng Đồng Tháp Mười (Long An) như con thiêu thân lao vào đào ao nuôi tôm trên đất lúa dù chính quyền nỗ lực ngăn cấm.
Bình luận 0

Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, chỉ trong năm 2022, các huyện khu vực Đồng Tháp Mười, như: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng, thị xã Kiến Tường có thêm 132ha diện tích nuôi tôm mới, nâng tổng diện tích nuôi tôm trên đất lúa ở các huyện này lên hơn 349ha.

Nuôi “con tỷ đô” lời hơn 100 lần trồng lúa, nông dân ở Đồng Tháp Mười “làm chuyện đã rồi”, quyết chí đổi đời  - Ảnh 1.

Nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An đang lao vào vòng xoáy nuôi tôm?. Ảnh: Trần Đáng

Đổi đời nhờ nuôi tôm công nghệ cao

Làm trưởng ấp 2 (xã Tân Lập) đến 36 năm (1985 - 2021), ông Phan Văn Luận thừa hiểu đào ao nuôi tôm trên đất lúa là vi phạm. Thế nhưng, ngay sau khi nghỉ làm trưởng ấp, ông Luận đã lao vào đào ao nuôi tôm ngay chính trên mảnh đất lúa của mình.

Hôm chúng tôi đến thăm, 3ha ao nuôi tôm công nghệ cao của ông Luận đã cho mấy vụ tôm trúng đậm. Những ao tôm này nằm lọt thỏm giữa những mảnh ruộng lúa đang trổ vàng đồng của bà con nông dân.

Để có điện cung cấp cho việc nuôi tôm, ông Luận mua bình điện hạ thế để kéo điện về ao. Tổng chi phí cho việc hạ điện nuôi tôm lên đến 250 triệu đồng. Một số tiền không tưởng đối với ông Luận, nếu như ông cứ trồng lúa.

Theo ông Luận, mỗi năm ông nuôi 3 vụ tôm thẻ chân trắng. Chỉ tính riêng ao tôm rộng 2,5 công đất của ông, mỗi vụ cho thu hoạch 8 - 10 tấn tôm.

"So với trồng lúa, nuôi 1ha nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận gấp 100ha trồng lúa. Trước đây khi tôi còn trồng lúa 3ha lúa chỉ cho lợi luận khoảng 80 triệu đồng/năm, không đủ tiền đi đám", ông Luận thổ lộ.

Cũng như ông Luận, thấy nông dân nuôi tôm lời to, anh Nguyễn Văn Bình (ấp 2, xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cũng "vác mai đi đào". 4 năm trước, thay vì đào ao trên đất lúa, anh Bình cải tạo ao ương cá tra giống rộng 1,5 công đất để nuôi tôm.

Anh Bình vừa kể vừa nhăn nhó: "Năm đầu tiên nuôi tôm tôi lỗ mất 2 tỷ đồng vì thiếu kỹ thuật, kinh nghiệm".

Clip: Nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An chia sẻ việc nuôi tôm công nghệ cao. Clip: Trần Đáng

Thua đau phải theo lao, anh Bình vay mượn tiền quyết chí ăn thua đủ với con tôm. Anh bắt đầu tăng cường học hỏi thêm kỹ thuật, rút kinh nghiệm mấy vụ tôm thua lỗ. Nhờ quyết tâm, chăm chỉ học hỏi, những vụ tôm sau anh Bình bắt đầu trúng lớn.

Theo anh Bình, nuôi tôm rất cực. Để vụ nuôi tôm thành công, ngoài con giống tốt, phải xử lý nước cho chuẩn. Mỗi ao nuôi tôm sử dụng vùng nước mặn khác nhau nên việc xử lý nước cũng khác nhau, không ao nào giống ao nào.

Mỗi vụ, ao tôm rộng 1,5 công đất của anh thu hoạch 5 – 6 tấn tôm. Hiện, tôm nuôi trong ao của anh Bình đang đạt cỡ hơn 30 con/kg. Giá tôm thương lái thu mua tại ao là 160.000 đồng/kg.

"Với giá tôm hiện nay, ao tôm 1,5 công này cho lời khoảng 600 triệu đồng", anh Bình bộc bạch.

Anh Bình thổ lộ, trước khi nuôi tôm, gia đình anh thuộc hiện hộ nghèo của xã Tân Lập. Thậm chí, phải nhờ đến sổ hộ nghèo gia đình anh có mới miếng ăn để tồn tại. Từ ngày nuôi tôm, gia đình anh đổi đời.   

"Tôi trả sổ hộ nghèo cho chính quyền lâu rồi. Cuộc sống giờ đã ổn định, khỏe hơn ngày còn trồng lúa nhiều lắm. Tôi chuẩn bị mua xe hơi để làm phương tiện đi lại cho gia đình và công việc", anh Bình khoe.

Thấy nuôi tôm lời to, anh Bình mướn 1ha đất mở thêm một khu nuôi tôm tại xã Tân Hiệp (Thạnh Hóa). Hiện, anh Bình thuê 3 thợ nuôi tôm, lương 6 – 10 triệu đồng/tháng/người.

"Nếu sau này không nuôi tôm nữa tôi sẽ chuyển sang nuôi cá chứ không trồng lúa, vì trồng lúa không khấm khá được", anh Bình dứt khoát.

"Làm chuyện đã rồi" để nuôi tôm công nghệ cao

Nuôi “con tỷ đô” lời hơn 100 lần trồng lúa, nông dân ở Đồng Tháp Mười “làm chuyện đã rồi”, quyết chí đổi đời  - Ảnh 4.

Hiện, tại khu vực xã Tân Lập có khoảng chục đại lý bán thức ăn nuôi tôm. Ảnh: Trần Đáng

Ông Lê Văn Tùng, Trưởng phòng NNPTNT huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), hiện diện tích nuôi tôm trên địa bàn là 179ha với hơn 100 hộ nuôi.

"Chủ trương của địa phương là không cho nuôi tôm trên đất lúa. Nhiều người vi phạm đã bị phạt rồi do chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép, nhưng do lợi nhuận nuôi tôm quá cao, nên bà con cứ vi phạm", ông Tùng cho biết.

Theo ông Tùng, để thỏa khao khát nuôi tôm làm giàu, chờ đêm xuống hay những ngày cuối tuần không có cán bộ để ý, bà con nông dân cho đào ao nuôi tôm. Đến khi cán bộ phát hiện thì "chuyện đã rồi".

Một cán bộ địa phương cho biết, khi phát hiện bà con vi phạm đào ao nuôi tôm, chỉ còn biết phạt, phát lệnh ngưng hoạt động chứ không thể yêu cầu bà con khôi phục nguyên hiện trạng ban đầu.

"Không nỡ yêu cầu bà con lấp ao vì biết rằng chi phí đào ao là tiền bà con thế chấp sổ đất để vay ngân hàng", vị cán bộ này nói.

Theo anh Bình, để hoàn chỉnh một ao nuôi tôm rộng 1ha, gồm: Đào ao, con   giống… nông dân đầu tư hơn 1 tỷ đồng.

"Bà con rất khát khao nuôi tôm xóa nghèo, làm giàu. Nhờ chính quyền xem xét thấu đáo cho phép bà con nuôi tôm", anh Bình bộc bạch.

Một cuộc khảo sát 180 hộ nuôi tôm vùng Đồng Tháp Mười của Sở NNPTNT tỉnh Long An cho thấy, có 18 hộ bị lỗ và 162 hộ nuôi có lời 21 triệu - 5 tỷ đồng/ha. Trung bình, các hộ nuôi lời khoảng 1,25 tỷ đồng/ha.

Nuôi “con tỷ đô” lời hơn 100 lần trồng lúa, nông dân ở Đồng Tháp Mười “làm chuyện đã rồi”, quyết chí đổi đời  - Ảnh 5.

Nuôi tôm công nghệ cao đang thay đổi đời sống của nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở Long An, nhưng cũng đang gây đau đầu cho các cấp chính quyền ở Long An vì những hệ lụy sau này. Ảnh: Trần Đáng

Sở NNPTNT tỉnh Long An cũng đánh giá, do hệ sinh thái nước ngọt, ao mới đào nuôi tôm thời gian đầu tương đối thuận lợi, cho lợi nhuận cao, nhưng khi đã nuôi 2 - 3 năm trở lên sẽ gặp khó khăn hơn như môi trường nuôi bị ô nhiễm, các bệnh đặc trưng của tôm thẻ, số vụ nuôi trong năm giảm, mật độ thả nuôi giảm, năng suất thấp, khiến lợi nhuận cũng thấp hơn.

Trước mắt, tỉnh Long An sẽ tiếp tục quản lý chặt và xử lý đối với các hộ đang nuôi nhưng không đạt yêu cầu kỹ thuật ao nuôi, xả thải ra môi trường. Còn các trường hợp đào ao mới từ đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ không đúng quy định pháp luật, địa phương sẽ kiên quyết xử lý và buộc khôi phục hiện trạng ban đầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem