Cột đâm trâu, cây nêu và bộ gu - Di sản của người Cor

Nguyễn Văn Sơn Thứ sáu, ngày 12/09/2014 07:00 AM (GMT+7)
Trong dòng chảy của thời gian, trải qua bao thăng trầm lịch sử, chiến tranh hoạn lạc, dời làng rồi lại lập làng để sinh tồn, tộc người Cor nói chung và người Cor vùng núi huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nói riêng đến đây đã để lại một kho tàng văn hóa đặc sắc, trong đó cột đâm trâu (Gơr-ố) và bộ Gu độc đáo mà so với các dân tộc khác trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên không có được. 
Bình luận 0

Nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa vật thể phi vật thể đó, trong phiên họp lần thứ VII tại Hà Nội vào ngày 12.8.2014 vừa qua, Hội đồng Di sản Quốc gia đã công nhận loại hình"Cây nêu và bộ Gu của người Cor" là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào của bà con dân tộc Cor, cũng là niềm tự hào chung của cộng đồng các dân tộc cư trú dọc đại ngàn Trường Sơn. Báo Dân Việt Online, xin giới thiệu cùng bạn đọc.

img

Khi làng mở hội, những người già làng Cor am hiểu phong tục-tập quán luôn trang trí cho cây nêu thật đẹp chuẩn bị cho lễ hội truyền thống của làng

Từ nghệ thuật trang trí trên cột đâm trâu (Gơr-ố)

Theo phong tục cổ truyền, khi làng, cộng đồng tổ chức lễ hội họ thường có nhiều loại cột để buộc con trâu hiến tế nhằm tăng thêm giá trị của lễ hội. Cột phướn là loại cột quan trọng nhất với nhiều bộ phận, với nhiều hoạ tiết hoa văn sinh động. Cây cột đâm trâu gồm ba phần, mỗi phần có cách trang trí, điêu khắc, chạm trổ khác nhau, cao từ 5-6m. Phần quan trọng nhất ở giữa của thân cột được người Cor tập trung để tạo thành hệ thống các dãy hoa văn liên tục.

img

Mô tít các Gu

Trên mô típ các dãy hoa văn cũng được hình học hoá. Các chấm tròn màu xanh, đỏ, đen tượng trưng cho các ngôi sao. Chúng đều xuất hiện đều khắp ở giữa. Vòng tròn màu đỏ, có hình dáng lớn hơn được dùng để làm biểu tượng của mặt trời, còn các vòng đen nhỏ hơn là biểu tượng của mặt trăng được trang trí qua trục thân gỗ. Chính vì vậy, khi người Cor thực hiện việc dựng cột đâm trâu bao giờ cũng dựng vào buổi sáng và quay về hướng đông. Ngoài ra, người Cor còn lấy hình tượng của núi rừng (đoót), ché rượu (taluốt-alôốc), hạt cườm (dhú-ốch), hàng rào (taan-paga), các ngôi sao (xo-lóc), con sóc (kà-róc),...để trang trí cho cột đâm trâu.

img

img

Cây nêu trong lễ ăn mừng được mùa tổ chức vào tháng 9 năm 2005 của người Cor thôn 2A xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My(Quảng Nam)

Trên đỉnh của cột đâm trâu, có biểu tượng một búp chuối rừng (róc-prết). Bốn góc xung quanh nơi tiếp giáp giữa búp chuối được gắn bằng bốn thanh gỗ dáng hình lưỡi dao có mũi cong, đi kèm các dao này cũng treo nhiều tua bông bằng vỏ cây có nhuộm màu rất đẹp. Trên đỉnh còn có biểu tượng một con chim chèo bẻo là vua của các loài chim, như giữ để không cho các loại ma xấu vào cột ăn trâu phá hoại. Biểu tượng của búp chuối mỗi ngày luôn trổ hoa, đấy là tâm điểm biểu hiện tấm lòng của người Cor với các thần linh, ông bà, tổ tiên cộng đồng...


Đến bộ Gu truyền thống

Một trong những trang trí đặc sắc trên cây nêu của người Cor là bộ Gu làm bằng loại cây gỗ bút được treo trên cao, chính giữa quãng gian khách trong nhà của gia chủ có trâu hiến tế, có nhiều mô típ trang trí với nhiều màu sắc lạ mắt. Người Cor thường dùng các Gu để trang trí mâm thần (đoạn giữa cột đâm trâu). Xung quanh của mâm gỗ này, họ đục lỗ cho xuyên để buộc các dãy bông được làm bằng vỏ cây nhuộm màu trông rất đẹp.

img

Và hình ảnh cây nêu sau lễ hội đã ăn sâu vào tiềm thức của người Cor, như một minh chứng để cho các ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên... làm nơi cư ngụ phụ hộ dân làng.

Mỗi tấm Gu là một trong những tác phẩm nghệ thuật của những đàn ông Cor khéo tay. Trên các mặt Gu là một thảm hoa văn mô tả cuộc sống đời thường nơi vùng người Cor sinh sống và phản ánh quan niệm về các thần linh. Ngoài ra, còn có nhiều Gu trang trí bởi những hoa văn hình học, tứ giác, đường vuông góc. Nhiều hình vẽ trên Gu còn khắc hoạ đặc điểm xứ sở của người Cor như cây chò, cây quế, mặt trăng, cầu vồng, con suối...

Và cột đâm trâu là biểu tượng của sợi dây tâm linh
      

Mặc dù đã tổ chức ăn trâu xong, nhưng người Cor nơi đây không hạ cây cột đâm trâu xuống mà vẫn để mãi cho đến khi cây mục, hư mới thôi. Theo họ, sở dĩ để cây cột đâm trâu như vậy là để cho các ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên... làm nơi cư ngụ.

Họ xem cột đâm trâu như biểu tượng của sợi dây tâm linh để nối con người với ma tốt, thần linh, ông bà, tổ tiên ngày một thêm gần gũi hơn. Để tổ tiên có điều kiện quan sát cuộc sống hằng ngày của buôn làng, phù hộ dân làng không bị ốm đau, bệnh tật, mùa màng tốt tươi, dân làng luôn được no đủ, buôn làng luôn đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau mà nó còn là hình thức giáo dục, dạy bảo con cháu họ không quên về ông bà, tổ tiên, về cội nguồn của dân tộc mình, đã sinh sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem