Cuộc sống "địa ngục" của người Hazara dưới thời Taliban

Thứ sáu, ngày 22/10/2021 10:00 AM (GMT+7)
Mỗi lần Hussain Rahimi rời nhà để đến nhà thờ Hồi giáo cầu nguyện, anh lại đọc kinh Kalima – kinh đạo Hồi - vì anh ấy không chắc mình sẽ còn sống trở về nhà.
Bình luận 0
Cuộc sống "địa ngục" của người Hazara dưới thời Taliban - Ảnh 1.

Một phụ nữ đi ngang qua các ngôi mộ tại nghĩa trang Hazara dành cho các nạn nhân thuộc cộng đồng Shi'ite trên ngọn đồi ở ngoại ô Kabul, Afghanistan vào ngày 20/10/2021. Ảnh: Reuters

"Tôi sợ! Gia đình chúng tôi luôn sợ hãi khi đến nhà thờ Hồi giáo", Rahimi, 23 tuổi, là người dân tộc Hazara - một cộng đồng chủ yếu là người Shi'ite đã phải hứng chịu nhiều vụ tấn công bạo lực nhất trong lịch sử đẫm máu ở Afghanistan.

Rahimi mất em gái của mình, một học sinh lớp 12, trong một vụ đánh bom trường học ở Kabul vào tháng 5. Rahimi cho biết: "Khi chúng tôi ra khỏi nhà, gia đình gọi điện hỏi chúng tôi đang ở đâu... Mọi người nói với chúng tôi rằng hãy nhanh chóng về nhà đi, tình hình thật tồi tệ!"

Mặc dù Taliban đã hứa rằng tất cả các nhóm sắc tộc của Afghanistan sẽ được bảo vệ, nhưng những vụ giết chóc vẫn tiếp diễn kể từ khi họ nắm chính quyền vào tháng 8. Trong những ngày vừa qua, đất nước đã chứng kiến nhiều vụ đánh bom liều chết tại các nhà thờ Hồi giáo do Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng nhắm vào giáo phái Shi'ite thiểu số. Tổng cộng hơn 100 người đã thiệt mạng. Sau khi tình trạng bạo lực xảy ra, một số người Hazara không dám đến nhà thờ Hồi giáo nữa.

Người Hazaras từ lâu đã bị phân biệt đối xử ở Afghanistan, trong đó tôn giáo chỉ là một yếu tố. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công liều chết vào những nhà thờ Hồi giáo và các trung tâm cộng đồng của những chiến binh Sunni. Ước tính cho thấy quy mô của cộng đồng Shi'ite tổng thể vào khoảng 10-20% dân số, bao gồm người Tajik, người Pashtun cũng như người Hazara.  

Trên thực tế, người Hazara thường là nạn nhân của các cuộc cạnh tranh sắc tộc và kinh tế đặc hữu trong chính trị Afghanistan. Người Hazara nói tiếng Ba Tư, được cho là có nguồn gốc từ các đội quân của nhà lãnh đạo Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn thế kỷ 13, họ được coi là nhóm dân tộc lớn thứ ba ở Afghanistan sau người Pashtun và Tajik.

Mặc dù vậy, người Hazara đã phải chịu sự phân biệt đối xử và áp bức kể từ khi "Iron Amir" Abdur Rahman xóa sổ hàng nghìn người khỏi quê hương của họ ở miền trung Afghanistan trong chiến dịch tàn nhẫn nhằm thành lập nhà nước Afghanistan hiện đại vào thế kỷ 19. Nhiều người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công liều chết đến nỗi họ có một nghĩa địa đặc biệt ở Kabul, được gọi là "Vườn của các Tử đạo", nơi chôn cất hầu hết những người thiệt mạng trong các vụ đánh bom.


Lê Phương (Reuters)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem