"Cứu" ngành hàng không, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất gì?

Thế Anh Thứ ba, ngày 13/04/2021 13:37 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát, các nước đang nghiên cứu triển khai ban hành "hộ chiếu vaccine" để mở lại các đường bay quốc tế, nhưng ngành hàng không vẫn được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2021.
Bình luận 0

Giảm giá dịch vụ hàng không

Khó khăn lớn nhất của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đối diện không phải là thị trường bay nội địa, mà là do các đường bay quốc tế chưa được mở trở lại, thị trường quốc tế bị thu hẹp khiến các hãng hàng không cạnh tranh gay gắt hơn.

Trong năm 2020, Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng thế giới. Nhận định về triển vọng ngành hàng không năm 2021, các chuyên gia cho rằng sẽ vẫn là một năm đầy khó khăn. Cách nào để duy trì bộ máy là bài toán đặt ra với các hãng hàng không trong cuộc chiến "sinh tử" để tồn tại, phát triển hậu Covid-19.

"Cứu" ngành hàng không, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất gì? - Ảnh 1.

Hãng hàng không Bamboo Airways đang mở rộng mạng lưới bay nội địa.

Để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ chính sách hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Bộ GTVT, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề cho doanh nghiệp ngành GTVT. Dù vậy, ngành GTVT triển khai nhiều giải pháp và đã đáp ứng tốt nhu cầu vận tải của toàn xã hội. Bộ GTVT cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Khẳng định diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp là cần thiết, Bộ GTVT đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành xem xét một số chính sách, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Về lĩnh vực vận tải đường bộ, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2021. Kéo dài hết ngày 31/12/2021 đối với Thông tư số 74/2020 của Bộ Tài chính về việc hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%; xe ô tô tải kinh doanh vận tải được giảm 10%.

Cùng với đó, cần tiếp tục có thêm những giải pháp hỗ trợ để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021 (không tính lãi chậm nộp); không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến 31/12/2021.

Đáng chú ý, để "cứu" ngành hàng không, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá đến hết năm 2021. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét kiến nghị khác của ngành hàng không về hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán.

"Cứu" ngành hàng không, Bộ GTVT tiếp tục đề xuất gì? - Ảnh 2.

Các hãng hàng không cần chính sách hỗ trợ để đảm bảo phát triển bền vững.

Giảm thuế bảo vệ môi trường

Trên thực tế, việc giải "cứu" ngành hàng không đã được các Bộ, Ngành tính toán tới lâu và cũng đã có những chính sách giảm thuế, phí, nhiên liệu bay. Trước đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay và dự kiến giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với loại nhiên liệu này.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường này mở ra cơ hội góp phần thúc đẩy phát triển ngành hàng không đang trong giai đoạn khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho ngành hàng không lao đao sụt giảm doanh số kinh doanh, đặc biệt, việc cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng cũng làm cho 90% máy bay của các hãng phải "đắp chiếu" để phòng chống dịch Covid-19 lây lan.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động rất lớn của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay (sau đây gọi chung là dự án Nghị quyết) theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự án này cũng đã được Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình UBTVQH xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020; Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020.

Kể từ ngày 01/01/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 về biểu thuế bảo vệ môi trường. Để Nghị quyết sớm được trình vào UBTVQH, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan nghiên cứu có ý kiến tham gia gửi về Bộ Tài chính trước ngày 10/6/2020.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem