Làm dân vận giỏiNhững người dân quanh số nhà 56, ngõ 99, đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội)- trụ sở của PVP quá quen với cảnh hàng trăm người nước ngoài nhộn nhịp ra vào ngôi nhà này. Trong số đó có nhiều người đặc biệt, khi họ kết thúc thời gian tình nguyện… dường như tất cả hàng xóm đều tới tạm biệt lưu luyến.
Augustin (ngồi giữa, mặc áo kẻ) và những người bạn cùng đi tình nguyện tại Việt Nam ở ngôi nhà chung.
Ma - tên tiếng Việt của Mirko Iwanov, một tình nguyện viên lớn tuổi nhất nhì ở khu nhà này, tới từ Berlin (Đức). Đầu tháng 11.2013, Ma hết thời gian 1 năm hoạt động tình nguyện tại Việt Nam và thông báo một tiệc chia tay qua email (thư điện tử) với những người anh thân thiết tại Việt Nam. Chỉ là lời mời qua thư, nhưng tối đó, hàng chục người hàng xóm mang rượu và những món quà nhỏ tới chia tay, để rồi sau đó được biết, anh chưa về Đức mà sẽ vào Huế để tham gia làm tình nguyện viên ở một dự án trang trại sinh thái. Mọi người đều trêu: “Ma đi làm tình nguyện viên giỏi, làm công tác… dân vận còn giỏi hơn nữa”.
Ma để lại cho tôi ấn tượng khá đặc biệt: Anh từng là chuyên gia IT (công nghệ thông tin) nhưng để tóc dài và trắng như cước, trông khá … liêu trai. Lần đầu tiên gặp anh tại Khu sinh thái Khe Rỗ (xã An Lạc, Sơn Động, Bắc Giang), Ma đang đi dọn rác và vận động mọi người dọn rác. Ma bảo tôi: “Khe Rỗ đúng là thiên đường, nơi này quá đẹp. Nhưng nó sẽ chết nếu không quản lý được rác thải ở đây”.
Tới Khe Rỗ, Ma thấy nơi đâu cũng đầy rác. Ma nói: “Tôi đề nghị các giải pháp: Thứ nhất, phải có “chế tài” để du khách tự dọn rác – những thứ họ mang đến và thải ra sau khi họ ra về; thứ 2, trao quyền cho cộng đồng địa phương kiểm soát, thậm chí thu tiền phạt. Thứ 3: hãy cho tôi một khẩu súng săn, và sẽ có nhiều người bị… nướng chả, ha ha, tôi đùa đấy”- Ma nói.
Cuối cùng, giải pháp anh hỗ trợ khu vực này là đào tạo nhân viên khu du lịch để nhắc nhở du khách không xả rác, và đặt vấn đề một cách nghiêm túc về quản lý rác thải.
Không ngại dấn thânTối đó, tôi tiếp tục quay lại ngôi nhà chung của các tình nguyện viên nước ngoài. Thành lập từ 2005 tới nay, VPV đã thu hút và làm cầu nối cho hơn 4.000 tình nguyện viên tới Việt Nam. Đại đa phần trong số họ còn rất trẻ, chỉ mới 17,18 tuổi. Ngôi nhà chung này thường xuyên có khoảng 40-50 tình nguyện viên…báo cơm ăn hàng ngày. Ngày ăn cơm tập thể do chính họ góp tiền nấu, rồi bắt xe bus, đạp xe đạp tới những nơi họ là tình nguyện viên. Tối về họ tụ tập tán gẫu, đọc sách và ngủ giường tầng. Mỗi người đều ấp ủ những dự định chia sẻ, cống hiến với trẻ em khó khăn, những cộng đồng thiểu số thiệt thòi ở Việt Nam- theo những cách thức “chung tay góp sức” thiết thực nhất.
“Trên đường tới Vũng Tròn, tôi nhìn thấy rất nhiều túi nylon vứt vương vãi khắp nơi. Cạnh Cây tình yêu- những gì tôi nhìn thấy, với tôi thực sự là thảm họa. Rất nhiều túi nylon và thức ăn thừa vứt quanh đó. Một cặp đôi trẻ trung đang ngồi nướng những con chim nhỏ. Tôi cố gắng nói với họ rằng họ nên nhặt nhạnh hết số rác mà họ thải ra và mang chúng đi đổ”. (Trích email của Ma gửi các thành viên trong VPV)
|
Tôi ái ngại bởi độ tuổi đó ở VN, nhiều bậc cha mẹ vẫn “ấp” con dưới cánh, và những chàng trai, cô gái 17,18 không có việc gì khác ngoài việc học. Trong khi đó, những tình nguyện viên ở đây sẵn sàng đi dạy ngoại ngữ miễn phí, trợ giúp trẻ em khuyết tật, tham gia các dự án cộng đồng.
Như Augustin - 20 tuổi, sinh viên luật tới từ Paris (Pháp) trông còn khá non nớt, nhưng khi lên bục giảng thì khá đĩnh đạc khi tham gia dạy tiếng Pháp cho học sinh Trường Tiểu học Trung Tự (Hà Nội). Augustin sang Hà Nội được gần 1 tháng và trở về Pháp vào cuối tháng 11.2013.
Còn Julie, cô gái tới từ Pháp thì đã có gần 8 tháng đi làm tình nguyện viên chăm sóc trẻ em khuyết tật ở làng Hữu Nghị Hà Nội. Julie có tình yêu đặc biệt với trẻ em. Khi tôi đến, cô đang… bò trên sàn nhà, kiên nhẫn chơi với mấy em bé lẫm chẫm hàng xóm, và trao đổi với các bé bằng những câu tiếng Việt ngọng nghịu.
“Đồ ăn của Việt Nam quá rẻ, không thể tưởng tượng được chỉ cần chưa tới 1 bảng Anh (khoảng 35.000 đồng) là đã có bữa ăn đầy đủ. Tôi rất thích ngồi… uống trà trên vỉa hè và tán gẫu với những người bạn mới quen. A, có vẻ như tôi đã nhiễm phong cách Việt rồi thì phải”- Julie pha trò.
Quang Nam (Quang Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.