Đà Nẵng sẽ trang bị "tận răng" cho ngư dân yên tâm ra khơi

Đình Thiên Thứ ba, ngày 29/08/2017 07:01 AM (GMT+7)
Để giúp ngư dân yên tâm bám biển làm giàu góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngoài việc tranh thủ các chính sách của Trung ương, TP.Đà Nẵng còn có những chính sách riêng biệt.
Bình luận 0

Sáng nay 29.8, tại TP. Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67: Những vấn đề cần đặt ra". Báo NTNN/Dân Việt là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.

Nhân dịp này,  Phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã phỏng vấn ông Hồ Kỳ Minh -Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng về những chính sách của Đà Nẵng dành cho ngư dân và chiến lược phát triển kinh tế biển của thành phố.

img

Ông Hồ Kỳ Minh- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Thưa ông, ngoài những chính sách đã có như Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ đóng mới tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ khai thác hải sản, hỗ trợ 100% mua bảo hiểm cho ngư dân, thì thời gian tới Đà Nẵng có thêm chính sách nào khác để giúp ngư vươn khơi bám biển?

-Ngoài các chính sách đã có, thời gian tới TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục và triển khai các chính sách khác như, chính sách nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ và bảo vệ nguồn thủy sản ven bờ. Mục đích đến năm 2020 trên địa bàn Đà Nẵng không còn thuyền thúng gắn máy và ổn định số lượng khoảng 150 tàu cá vỏ gỗ công suất nhỏ hơn 20CV với sức chở tối đa từ 0,5 tấn trở lên.

Bên cạnh đó, thời gian tới Đà Nẵng sẽ có thêm chính sách hỗ trợ bảo quản để giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác, bởi hiện nay trong khai thác xa bờ, dài ngày trên biển thì khâu bảo quản sau khai thác còn nhiều hạn chế, nên sản phẩm sau khai thác bị tổn thất và giảm chất lượng.

Vì vậy, cần hỗ trợ ngư dân áp dụng các công nghệ bảo quản tiên tiến như hỗ trợ lắp đặt trên tàu các thiết bị làm lạnh, làm đá lụa, đá vảy; nâng cấp hầm bảo quản bằng chất liệu mút xốp PU, hầm ngâm hạ nhiệt thân cá… cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ. Thành phố cũng tổ chức đào tào thuyền viên về kỹ thuật vận hành, bảo dưỡng, bảo trì tàu cá vỏ thép, vật liệu mới và kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau khai thác theo công nghệ mới.

img

 Tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của ngư dân TP.Đà Nẵng. ảnh: Đình Thiên

Để phát triển kinh tế biển thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật như hệ thống cảng cá, âu thuyền trú bão, chợ đầu mối... cũng phải đồng bộ. Hiện tại Đà Nẵng đã có những cơ sở gì và thời gian tới sẽ đầu tư ra sao?

- Hiện nay cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá được đầu tư đồng bộ với khu công nghiệp thủy sản tập trung bao gồm có chợ cá, âu thuyền, nhà máy chế biến, chợ hậu cần, cửa hàng vật tư, thiết bị tàu cá, cơ sở dầu, nước đá, cơ sở đóng sửa tàu, dịch vụ ăn uống, giải trí.

Trong sự phát triển chung, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển với mục tiêu đóng góp của ngành kinh tế biển vào GRDP của Đà Nẵng đạt 10% vào năm 2025 và 15% vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2030 sẽ có đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ khoảng 600 chiếc. Đi kèm với đội tàu đánh bắt sẽ có đội tàu hậu cần 25 chiếc. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đưa ra chỉ tiêu khoàng 15% số tàu từ 90CV trở lên sử dụng vật liệu vỏ thép, composite, gỗ bọc composite. Số tàu có thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác tiên tiến đạt 30% vào năm 2030.

Dự kiến đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ có 1.200 tàu với tổng công suất đạt hơn 280.000CV và nâng lên 350.000CV vào năm 2030, công suất bình quân khoảng 290 CV/tàu.

Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, Đà Nẵng đưa ra những chiến lược, biện pháp cụ thể gì khác trong thời gian tới?

- Trước nhất TP.Đà Nẵng sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, thống nhất phương án chia sẻ lợi ích với các địa phương lân cận để đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án trung tâm nghề cá lớn tại Đà Nẵng.

Với định hướng phát triển tàu thuyền có công suất lơn hơn 400CV nên chúng tôi sẽ nâng cấp nạo vét luồng và mở rộng vũng đậu thuyền lên quy mô 600CV, sớm hoàn thiện nâng cấp mở rộng cảng cá Thọ Quang thành cảng cá loại 1. Bên cạnh đó, sẽ cho rà soát, nâng cấp các cơ sở sản xuất nước đá, kho lạnh. Thực hiện di dời, sắp xếp các cơ sở sản xuất nước đá, mua bán ngư lưới cụ vào hoạt động tại khu vực Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Thọ Quang hoặc bố trí các chi nhánh, đầu mối liên lạc tại khu vực âu thuyền.

Hoàn thiện cơ chế đấu giá tại chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, thu hút tàu thuyền công suất lớn trong và ngoài thành phố về neo đậu, giao thương. Phát triển mạng lưới tư thương thu mua, bảo quản... và mở rộng mạng lưới thu mua để tập trung được nguồn nguyên liệu có chất lượng cao cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu dùng nội thành.

Trong tình hình Biển Đông phức tạp, Đà Nẵng có những phương án cụ thể nào để ngư dân yên tâm bám biển?

- Chúng tôi tập trung triển khai việc gướng dẫn cho ngư dân tổ chức đánh bắt theo tổ, đội đoàn kết để hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau khi đi khai thác trên biển. Thông báo cho ngư dân biết các đường dây nóng khi xảy ra sự cố trên biển của bộ đội biên phòng, của lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân... Hiện Đà Nẵng đã có tọa độ mật danh tàu cá, khi có sự cố sẽ biết ngay vị trí và có lực lượng ứng cứu kịp thời.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì hiệu quả mạng thông tin liên lạc biển giữa các đài thông tin của bộ đội biên phòng thành phố, Đài Thông tin duyên hải, trạm bờ Chi cục Thủy sản với các tàu cá Đà Nẵng hoạt động sản xuất trên biển để kịp thời theo dõi, cảnh báo sớm đối với các tàu có dấu hiệu đi vào vùng biển của các nước trong khu vực...

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem