Như thường lệ, chúng tôi tìm về xã Ngọc Lý vào những ngày áp Tết để được thưởng thức món thắng cố và mua giò ngựa đi tặng cho người quen nhưng vào tới 10 “đại lý” lớn nhỏ đều thấy chủ đại lý lắc đầu: hết hàng.
“Năm nay giá ngựa tăng đột biết, trung bình một con ngựa thịt có giá từ 20 đến 25 triệu đồng, riêng ngựa bạch tuỳ từng trọng lượng nhưng thấp nhất cũng có giá 50 triệu đồng/một con, trong khi Tết nguyên đán năm trước giá ngựa chỉ từ 13-15 triệu đồng/1 con. Do đó, nhiều chủ đại lý không dám nhập ngựa nhiều như những năm trước. Do lượng cung thịt ngựa giảm, giò ngựa cũng giảm khoảng 30% mà cầu thì lại tăng đột biến nên mới đến 28 - 29 Tết đã cháy hàng”, ông Nguyễn Văn Lý ở thôn Lý 1 xã Ngọc Lý cho biết.
Chuẩn bị quay giò ngựa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ thịt ngựa ở Ngọc Lý năm nay cũng bán sớm hơn, ngay từ những ngày 26 - 27 Tết cơ bản đã thịt và quay giò ngựa xong, hiện chủ yếu là thời điểm làm cao ngựa. Giá giò ngựa cũng giao động từ 300 - 350.000 đồng/1kg.
Tuy nhiên, đến ngày 28 - 29 Tết, giá giò ngựa đã tăng lên 400 đồng/1kg thậm chí có người còn sẵn sàng trả 450 - 500.000 đồng/1kg nhưng vẫn cháy hàng (giá giò ngựa của Tết năm trước chỉ 250 - 300.000 đồng1/kg). Trong khi các mặt hàng như thịt lợn móc chỉ tăng nhẹ lên 57.000 đồng/1kg, gà đồi Yên Thế 50 - 55.000 đồng/kg thì các loại thịt trâu, bò, ngựa lại tăng đột biến khoảng 30 - 50% so với cùng kỳ.
Sản phẩm giò ngựa hoàn thiện
Ông Nguyễn Văn Quang ở thôn An Lập là chủ đại lý chuyên sản xuất giò ngựa cung cấp cho các siêu thị lớn ở Hà Nội thở dài cho biết: “Tâm lý của người Việt mình là cứ năm tuổi con gì thường tránh ăn thịt các loại con vật đó, ví như năm gà là không ăn và không thắp hương thịt gà, năm lợn thì không ăn, không thắp hương thịt lợn vào dịp Tết nguyên đán nên cả tôi và một số lò mổ năm nay đã nhập lượng ngựa giảm so với cùng kỳ. Nếu như năm ngoái, vào dịp này tôi mổ khoảng 15 con thì năm nay chỉ giám nhập về chưa đầy 10 con. Giờ thấy cháy hàng, giá lại tăng mới tiếc... đứt cả ruột”.
Theo ông Quang, dù năm nay là năm Giáp Ngọ nhưng không thấy người tiêu dùng kiêng thịt ngựa, giò ngựa, thậm chí lượng cung còn tăng lên đáng kể. Có thể do các món ăn như thắng cố, giò ngựa bắt đầu được đưa vào siêu thị nhiều từ 2 năm trở lại đây, đến nay nhiều người tiêu dùng đã quen. Vừa trò chuyện với tôi, ông Quang vừa liên tiếp trả lời điện thoại của một số siêu thị ở Hà Nội và khách hàng quen là đã hết hàng.
Hiện nhà ông đã thịt con ngựa cuối cùng vào chiều 29 Tết nhưng đã có khoảng hơn 20 khách hàng ngồi chờ lấy giò và thưởng thức món tiết canh cũng như thắng cố giữa sân nhà ông Quang. Do thấy chúng tôi là một trong những khách đường xa ngồi chờ, dù chưa đặt hàng trước nhưng ông cũng mời ở lại ăn thắng cố và nhường lại 2 chiếc giò ông định để dành mang đi biếu cho chúng tôi lấy lốt.
Lục phủ ngũ tạng ngựa được dùng để nấu thắng cố.
Ở miền Bắc, xã Ngọc Lý huyện Tân Yên (Bắc Giang) cùng với huyện Phú Bình của Thái Nguyên vào những năm gần đây được biết đến là nơi chuyên buôn ngựa, thịt ngựa làm giò, làm cao, đặc biệt là vào mùa cưới và dịp áp Tết. Ngựa được vận chuyển từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên... và khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều thương lái còn sang cả Tây Tạng để săn lùng ngựa do nguồn cung ngày càng khan hiếm.
Theo những chủ đại lý và cả một số hộ dân ở Ngọc Lý cho biết, vào dịp áp Tết có nhiều hộ dù không phải buôn bán còn chung nhau mua một con ngựa để thuê người thịt ăn tất niên. Phần thịt ngon, không có gân được dùng để quay giò bán, phần còn lại để nấu thắng cố hoặc cho vào tủ lạnh để ăn dần. Từ lục phủ ngũ tạng ngựa đều được dùng để nấu thắng cố, xương ngựa dùng để nấu cao nên khi chung một con ngựa thịt, vừa được ăn tất niên lại vừa không bỏ phí bất cứ thứ gì của con ngựa.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.