Đại án AIC: Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn truy nã, vì sao vẫn có luật sư bào chữa tại tòa?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 26/11/2022 19:21 PM (GMT+7)
Theo quyết định đưa vụ án liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra xét xử thì luật sư Dương Văn Nghị tham gia bào chữa cho bị cáo này. Bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn, bị truy nã vẫn có luật sư bào chữa?
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố khung cao nhất tội đưa hối lộ

Quyết định xét xử được đưa ra sau ba ngày Viện KSND tối cao ban hành cáo trạng. Dự kiến phiên tòa bắt đầu từ ngày 21/12 và diễn ra trong 20 ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật.

Đại án AIC: Vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn có luật sư bào chữa tại tòa? - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn vẫn bị viện kiểm sát truy tố - Ảnh: AIC Group

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch AIC bị đưa ra xét xử về tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái bị xét xử về tội nhận hối lộ.

Ông Phan Huy Anh Vũ, cựu giám đốc Sở Y tế bị xét xử về tội nhận hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Bồ Ngọc Thu, cựu giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Bảy bị can đang trốn truy nã giống bà Nhàn cũng bị đưa ra xét xử. 24 bị can còn lại gồm nhiều lãnh đạo, nhân viên của AIC, cán bộ của tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo một số công ty thẩm định giá bị xét xử về ba tội danh.

Luật sư Dương Văn Nghị tham gia bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai có hai luật sư bào chữa là Nguyễn Văn Tú và Lê Nguyễn Quỳnh Thi.

Sau thông tin này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, vì sao bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn và bị truy nã vẫn có luật sư bào chữa?

Lý do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn có luật sư bào chữa

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo nội dung cáo trạng của Viện KSND tối cao, rất nhiều bị cáo trong vụ án này bị truy tố ở khung hình phạt có mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Cụ thể, với tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 và tội Đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất của các tội danh này là 20 năm tù.

Với tội Nhận hối lộ theo Điều 354 Bộ luật hình sự, mức hình phạt cao nhất của là 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, các bị can, bị cáo bị truy tố ở các khung hình phạt trên đều thuộc trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố và bắt buộc phải có người bào chữa tại phiên tòa.

Theo ông Cường, nếu quá trình điều tra, truy tố, xét xử các bị can, bị cáo hoặc người thân thích của họ không nhờ người khác bào chữa, cơ quan tiến hành tố tụng phải cử người bào chữa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, trong vụ án này đối với các bị can, bị cáo đang bị truy nã, tòa án sẽ cử người bào chữa cho tất cả họ để đảm bảo quyền được bào chữa theo quy định tại Điều 61 và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

Những người bào chữa theo chỉ định sẽ đăng ký bào chữa với tòa án, sao chụp hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ, tham dự phiên tòa để đưa ra quan điểm về đánh giá chứng cứ.

Đồng thời sử dụng chứng cứ, đưa ra những lập luận để bào chữa theo hướng gỡ tội hoặc giảm nhẹ cho các bị cáo theo quy định của pháp luật. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chi trả, thanh toán thù lao và chi phí cho những người bào chữa theo chỉ định.

Vị chuyên gia cho cho rằng, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, thuộc một trong các vụ án mà Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, giám sát.

Vụ án hình sự này xử lý nhiều cán bộ có chức vụ cao ở địa phương, số tiền thiệt hại cho Nhà nước là đặc biệt lớn, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một số bị cáo còn có liên quan đến sai phạm tại vụ án khác nên việc khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử được dư luận đánh giá cao.

Với những bị cáo đang bị bỏ trốn, nếu có thông tin về việc bị cáo đang ở nước ngoài, sau khi có bản án của tòa án, cơ quan chức năng có thể tiến hành yêu cầu các quốc gia mà bị cáo đang cư trú phối hợp để dẫn độ về nước thi hành án.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem