Đại gia Lê Thành là ai và vai trò của Lavifood thế nào trong đại án Vạn Thịnh Phát?
Chân dung đại gia Lê Thành và vai trò của Lavifood trong đại án Vạn Thịnh Phát
O.L
Thứ ba, ngày 26/12/2023 06:31 AM (GMT+7)
Lavifood được coi là một "mắt xích" trong đại án Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan. Ông Lê Thành chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Lavifood hơn 1 tháng (1/2021) và quay trở lại ghế Chủ tịch HĐQT Lavifood vào tháng 6/2022, trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ vài tháng.
Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.
Đáng chú ý, trong cáo trạng của VKSND Tối cao có nhắc đến CTCP Lavifood của doanh nhân Lê Thành trong hành vi phạm tội "Tham ô tài sản" của Trương Huệ Vân, cháu gái bà Trương Mỹ Lan.
Trước đó, theo kết luận điều tra của Bộ Công an, năm 2021, bà Trương Mỹ Lan mua lại Công ty CP Lavifood từ ông Lê Thành để đưa vào vận hành, hoạt động trong lĩnh vực chế biết sản phẩm nông nghiệp và giao cho Trương Huệ Vân quản lý, điều hành thông qua Nguyễn Phi Long- Tổng Giám đốc Công ty CP Lavifood (được cho đứng tên sở hữu 31% cổ phần), cùng với Võ Hồng Khanh (được cho đứng tên sở hữu 34%), Hồ Xuân Dũng (được cho đứng tên sở hữu 35%).
Trong quá trình hoạt động, Trương Mỹ Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Lavifood vay vốn tại Ngân hàng SCB để phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. Ngoài ra, bà Lan còn thống nhất, chỉ đạo Vân cho thành lập các Công ty "ma" để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Lavifood nhằm lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB để sử dụng cho các mục đích của Lan và Vân.
Biến động nhân sự tại Lavifood liên quan tới Vạn Thịnh Phát
Dữ liệu từ Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Lavifood thành lập tháng 6/2014, có trụ sở chính tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Công ty đăng ký khoảng 40 mã ngành kinh doanh, trong đó ngành nghề chính là chế biến và bảo quản rau quả.
Lavifood có 3 nhà máy: Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh (Nhà máy 1 - Tanifood); huyện Bến Lức, tỉnh Long An (Nhà máy 2 - Lavi Long An) và Nhà máy 3 - Hồng Nguyên Long tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Thông tin từ website doanh nghiệp này cho biết, Lavifood cung cấp ra thị trường các sản phẩm trái cây, rau củ tươi, chần trụng, xay nhuyễn; trái cây cấp đông IQF, trái cây củ quả sấy, nước trái cây rau củ quả và nước trái cây cô đặc. Doanh nghiệp đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc như HACCP, Halal, BRC (Bureau Veritas), Kosher…
"Lavifood tiên phong định hướng người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có thành phần 100% tự nhiên, tươi nguyên chất, ứng dụng công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới vào chế biến và phối trộn các loại trái cây rau củ từ bà con nông dân vào sản phẩm, giúp nông dân tiêu thụ nông sản trồng trọt và phục vụ lợi ích của cộng đồng, mang lại sức khỏe mỗi ngày và niềm vui cuộc sống", Lavifood giới thiệu.
Công ty có vốn điều lệ tại thời điểm thành lập là 30 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Công ty TNHH Thương mại Thiện Nhân góp 50%, ông Phạm Ngô Quốc Thắng góp 40%, bà Phạm Ngô Hoàng Thùy Trang góp 10%. Người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng giám đốc Công ty khi này là ông Phạm Ngô Quốc Thắng (SN 1981).
Tại thay đổi ngày 2/10/2017, Lavifood tăng vốn điều lệ lên 450 tỷ đồng. Đến ngày 20/1/2021, ông Lê Thành được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm đại diện tại Lavifood thay cho ông Đặng Ngọc Cẩn (SN 1957). Chỉ sau 5 ngày (25/1/2021), ông Lê Thành lên giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Cùng ngày, Lavifood tăng vốn từ 450 tỷ lên 1.030 tỷ đồng.
Đến ngày 28/1/2021 - chỉ sau 3 ngày ông Thành lên làm Chủ tịch HĐQT, Lavifood tăng vốn lên 2.880 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Thành chỉ giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Lavifood hơn 1 tháng. Vào tháng 2/2021, ông Nguyễn Phi Long - mắt xích quan trọng tại Vạn Thịnh Phát, trở thành Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Lavifood.
Và tại thay đổi gần nhất của Lavifood vào tháng 6/2022, ông Lê Thành đã quay trở lại ghế Chủ tịch HĐQT - trước khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt chỉ vài tháng (tháng 10/2022).
Tiềm lực của đại gia Lê Thành
Về doanh nhân Lê Thành - ông nổi tiếng bởi nắm ghế Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Vị đại gia này còn đứng tên tại một số pháp nhân như CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings, CTCP Tập đoàn Tân Mai, CTCP Tân Mai miền Đông, CTCP Đầu tư Nhà Quản lý, CTCP Đầu tư kết nối xanh, CTCP Green Edu...
Ngoài ra, ông Lê Thành còn từng là đại diện và là cổ đông lớn tại các Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest).
Đáng chú ý, ông Thành còn được biết từng là cựu Thành viên HĐQT, từng sở hữu 12,8% vốn điều lệ của CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1).
Về CTCP Tập đoàn Tân Mai tiền thân là Công ty Kỹ nghệ Giấy Việt Nam, thành lập năm 1958, thuộc sở hữu nhà nước, cổ phần hoá năm 2006. Tháng 12/2008, tập đoàn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Công ty CP Giấy Tân Mai và Công ty CP Giấy Đồng Nai, với vốn điều lệ hơn 890,9 tỷ đồng. Hiện tập đoàn này đang sở hữu rất nhiều đất đai làm nhà máy, khu trồng cây nguyên liệu tại Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Tháng 12/2019, đại gia Lê Thành đã mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, tương đương tỷ lệ sử hữu 61,47% trở thành cổ đông lớn. Tháng 1/2020, ông Thành được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tân Mai Group nhiệm kỳ 2020-2024.
Về CTCP Đầu tư Tân Thành Holdings (thành lập tháng 9/2018) tiền thân là CTCP Đầu tư Green Logistics. Ngành nghề hoạt động chính là xây dựng nhà để ở. Vốn điều lệ khi thành lập đạt 99 tỷ đồng, cổ đông sáng lập gồm ông Lê Thành góp 90%, Lê Văn Nhân góp 5% và Lê Mã Long góp 5%. Đến tháng 10/2019, doanh nghiệp tăng vốn lên 900 tỷ đồng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.