Pháp luật chưa thừa nhận
Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Công ty Luật Bizlink:
"Khoản 2, Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình đã quy định rõ: "Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Như vậy, với quy định trên đây, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa nam với nữ và không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính.
Theo các quy định pháp luật hiện nay thì việc hôn nhân giữa những người cùng giới tính không được thừa nhận. Trên thế giới hiện nay một số quốc gia đã cho phép những người cùng giới tính kết hôn. Khi nhắc đề cập đến vấn đề này có nhiều quan điểm khác nhau.
Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc công ty luật Thiên Minh (Hà Nội) chỉ rõ:
Luật hôn nhân và gia đình nghiêm cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính (Khoản 5 - điều 10), do vậy tất cả những đám cưới của những người đồng tính hiện nay là không hợp pháp, phần lớn các nước trên thế giới vẫn còn khá dè dặt khi nhìn nhận về vấn đề này.
Tuy nhiên cũng đã có một số nước công nhận và cho phép hôn nhân đồng giới.
Một nhà nghiên cứu tâm lý (đề nghị giấu tên) nêu quan điểm: "Có nhiều quan điểm trước đây thường cho rằng hôn nhân của những người đồng tính là bệnh hoạn. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ của một nhà tự nhiên học rằng những con người này sinh ra vốn dĩ đã như vậy, họ không thể tự quyết định được giới tính của họ mà tạo hóa đã quyết định cho họ".
Theo chuyên gia này, dù có thừa nhận, né tránh hay không thừa nhận, xã hội vẫn phải đối mặt với thực tế là có một bộ phận người đồng tính trong xã hội.
Vị này nói: "Theo tôi, đã đến lúc những người có trách nhiệm cần phải nhìn nhận sự việc theo hướng đa chiều để tìm cách giúp những người đồng tính tự tin sống, hưởng cuộc sống hạnh phúc thực sự, qua đó cũng giúp ngăn chặn được những nguy cơ khác từ quan hệ của những người đồng tính như nêu trên".
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Việt Hùng thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Việt Hùng lại cho rằng: "Hôn nhân giữa người đồng tính hiện tại pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận, cho dù họ có tổ chức hôn nhân thực tế theo hình thức gì đi nữa. Quan điểm của tôi là trong giai đoạn hiện nay ở nước ta chưa nên thừa nhận.
Tuy nhiên, xu thế trong tương lai, khi những điều kiện về kinh tế, xã hội phát triển đến một mức độ nhất định và các quan niệm xã hội có sự chuyển biến khác đối với quan niệm truyền thống về gia đình có cởi mở hơn, nhận thức của số đông có sự thay đổi về hôn nhân gia đình, thì có thể công nhận hôn nhân đồng giới."
Việc sửa đổi luật pháp và thừa nhận hôn nhân chính thức giữa những người đồng tính, theo ông Nguyễn Đức Mạnh là một vấn đề nan giải. Mặt khác, một khi pháp luật đã thừa nhận hôn nhân của những người đồng tính thì rất nhiều định nghĩa và cách nhìn nhận về gia đình, hôn nhân trước đây sẽ phải sửa đổi tương ứng vấn đề này đòi hỏi cần phải có nhiều thời gian xem xét...
Nguy cơ "hôn nhân" không bền vững
Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho biết, đã có nhiều nhiều người nhờ ông tư vấn về chuyện tình yêu "khó nói" của họ.
"Cơ bản có thể chia thành 2 đối tượng chính: đối tượng thứ nhất là các bạn thuộc thế hệ 9X. Có những bạn mới chỉ học lớp 8, lớp 9, thì phần lớn việc họ yêu nhau và đến với nhau chỉ là theo trào lưu, a dua. Những nhìn nhận về tình yêu và giới tính ở lứa tuổi này còn mang nặng sự cảm tính, nên chuyện tình yêu cũng thường nhanh chóng tan vỡ.
Đối tượng thứ hai là những người đã khá chín chắn trong cuộc sống, là công chức, thậm chí là cả giáo viên... đối với những đối tượng này thì nên để họ sống theo cách của riêng mình. Tôi tôn trọng những quyết định của họ", ông nói.
Theo ông Đinh Đoàn: "Xã hội nên có những cái nhìn thẳng thắn; nếu là trào lưu thì nên định hướng, đừng a dua theo. Với những người thực sự bị đồng tính thì họ cũng có những khó khăn riêng của mình, khó hoà nhập với cuộc sống chung của cộng đồng. Xã hội hôm nay nên có cái nhìn thoáng hơn vì hiện tượng đồng tính là có thật và đã là sự thật thì phải chấp nhận".
Ông Đinh Đoàn nhận định: "Khó khăn lớn nhất mà các cặp đôi đồng tính phải đối mặt là dư luận. Nếu họ biết cách hạn chế dư luận thì sẽ giữ được tình yêu bền lâu và đỡ căng thẳng, vì hôn nhân của những cặp đôi này là không vững, họ không có những ràng buộc giống như những cặp đôi bình thường khác.
Thực tế những cặp đôi đồng tính nếu yêu nhau và muốn đến với nhau một cách nghiêm túc thì không nhất thiết cứ phải tổ chức lễ cưới, bởi vì cách tốt nhất để giữ gìn tình yêu là sự kín đáo chứ không phải là làm rùm beng lên. Ở Việt Nam đã có rất nhiều cặp đôi đồng tính sống với nhau như vợ chồng”.
Những trường hợp cấm kết hôn
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
1. Người đang có vợ hoặc có chồng;
2. Người mất năng lực hành vi dân sự;
3. Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
4. Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
5. Giữa những người cùng giới tính.
Theo điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Theo Đời Sống Pháp Luật
Vui lòng nhập nội dung bình luận.