Dân Hà Nội mua gia cầm: Ưng mắt thì mua

Thứ hai, ngày 18/04/2011 18:23 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Mỗi khi muốn ăn gà, vịt, ngan, tôi thường chọn loại làm sẵn, nhìn thấy ưng mắt thì mua. Chọn cảm tính thôi, chứ sao biết được gia cầm an toàn hay không an toàn", chị Trần Thị Mai ở quận Cầu Giấy nói.
Bình luận 0

Cục Thú y và Công ty truyền thông Tiến Bộ vừa kết thúc tháng cao điểm truyền thông nâng cao nhận thức về việc chỉ tiêu dùng gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và qua kiểm dịch thú y trên địa bàn 10 quận của TP. Hà Nội. Kết quả là đã góp phần phát triển chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ gia cầm an toàn cũng như nhằm thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng.

img

Người tiêu dùng hiện vẫn rất khó biết nguồn gốc gia cầm khi mua hàng ở chợ.

Nghe tuyên truyền rất nhiều về dịch cúm gia cầm (CGC) trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng dường như kiến thức đọng lại trong đầu chị Trần Thị Mai ở quận Cầu Giấy chỉ ở dạng “lơ mơ”.

Chị thổ lộ: “Nhà tôi hay đi chợ Đồng Xa, Mai Dịch. Mỗi khi muốn ăn gà, vịt, ngan, tôi thường chọn loại làm sẵn, nhìn thấy ưng mắt thì mua. Chọn cảm tính thôi, chứ sao biết được gia cầm an toàn hay không an toàn, tôi cũng không để ý đến dấu kiểm dịch thú y...”. Trong số hơn 1.050 người ở 10 chợ đầu mối được phỏng vấn thì có tới 48% có câu trả lời như chị Mai.

Việc tuyên truyền, vận động người tiêu dùng tham gia vào việc tiêu thụ gia cầm có nguồn gốc xuất xứ, có dấu kiểm dịch thú y chính là góp phần làm cho khâu chăn nuôi tại các hộ gia đình, trang trại an toàn và bền vững hơn...

Để giúp người bán hàng và tiêu dùng hiểu và nâng cao nhận thức về dịch bệnh trên gia cầm, vật nuôi nói chung và dịch CGC, nhóm truyền thông đã xây dựng một gian hàng thông tin ở mỗi chợ, phát tờ rơi và giải thích cho người tiêu dùng những thông tin để phân biệt gia cầm an toàn và gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hầu hết mọi người đều hiểu và chia sẻ, nhưng để biến sự hiểu biết đúng thành hành vi đúng không phải là chuyện dễ. Anh Đào Hùng ở 128C Đại La (quận Hai Bà Trưng) cho hay:

“Vì điều kiện gia đình nên chuyện chợ búa trong nhà, tôi phải cáng đáng. Tôi hiểu về gia cầm an toàn là thế nào rồi, nhưng hỏi chỗ bán gia cầm an toàn thì người ta lại chỉ một địa điểm cách nhà tôi hàng chục cây số. Thời buổi xăng tăng giá liên tục, để ăn được miếng thịt gà an toàn thì tiền xăng quá tiền gà...”.

Hệ thống phân phối gia cầm tại Hà Nội rất đa dạng, phong phú, nhưng việc phân phối, quảng bá gia cầm an toàn thì chưa có nhiều. Các nhà hàng, cơ sở giết mổ rất ngại khi có người hỏi thăm đến xuất xứ gia cầm. Tuy nhiên, vẫn có những nhà hàng xác định muốn kinh doanh lâu dài thì phải tuân thủ các quy trình về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi.

Ông Trần Thành - chủ nhà hàng vịt quay Bắc Kinh ở phố Khâm Thiên (Đống Đa), chia sẻ: “Sản phẩm vịt quay của nhà hàng được hình thành từ quy trình khép kín. Tôi có cơ sở chăn nuôi vịt đúng tiêu chuẩn, quy trình ở huyện Phú Xuyên. Con giống có kiểm dịch, chăn nuôi đúng kỹ thuật, giết mổ đều có dấu thú y. Mỗi ngày tiêu thụ mấy trăm con vịt thịt, không làm cẩn thận thì rất dễ mất khách, có khi còn sạt nghiệp...”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem