Đấu võ tự phát, làm đối thủ thương tích nặng có bị xử lý hình sự?

Lương Kết Thứ bảy, ngày 15/07/2017 12:30 PM (GMT+7)
Theo các luật sư (LS), đối với kiểu thi đấu võ tự phát để phân tài cao thấp, dù người tham gia trên cơ sở tự nguyện, nhưng trong thi đấu mà gây thương tích nặng, thậm chí làm đối thủ tử vong sẽ bị xử lý hình sự.
Bình luận 0

Mới đây, clip võ sư phái Vịnh Xuân Pierre Francois Flores (Canada) đánh bại võ sư Đoàn Bảo Châu được đăng tải trên các trang mạng xã hội gây sự chú ý lớn đối với dư luận xã hội. Có nhiều bình luận xung quanh kiểu thi đấu giao lưu võ thuật này, ở góc nhìn pháp lý, các vị LS thuộc Đoàn LS thành phố Hà Nội cho rằng, kiểu thi đấu trên là không đúng, dễ dẫn tới hậu quả khó lường.

img

Trận đấu giữa võ sư Flores với võ sư Đoàn Bảo Châu được dư luận rất chú ý.

Các LS Trịnh Anh Dũng, LS Trần Thu Nam (Đoàn LS thành phố Hà Nội) đều khẳng định, việc hai hay nhiều người đấu võ kiểu tự phát với nhau để phân tài cao thấp, dù trên cơ sở tự nguyện, nhưng khi thi đấu người nào gây thương tích cho đối thủ từ 31% trở lên là đủ yếu tố để xử lý hình sự.

“Dù là thi đấu võ nhưng gây thương tích cho nhau thì đó là lỗi cố ý chứ không phải vô ý. Bởi anh là người có võ, anh hiểu sự nguy hiểm khi thách đấu, hiểu sự lợi hại của những ngón đòn mình sử dụng, việc ra đòn có mục đích là để chiến thắng đối thủ chứ không phải vô ý” - LS Trịnh Anh Dũng nói.

Vẫn theo LS Dũng, nhiều trường hợp khi thách đấu võ còn làm cam kết như chẳng may có thương tích nặng, thậm chí chết người thì bên bị hại không có yêu cầu gì. Tuy nhiên những cam kết kiểu này trong pháp luật dân sự bị coi là hợp đồng vô hiệu, nghĩa là nó không tuân thủ pháp luật nên không được pháp luật bảo vệ.

Theo LS Trần Thu Nam, trong thi đấu võ bằng tay chân kiểu tự phát không có yếu tố dùng hung khí nguy hiểm, không có yếu tố côn đồ nên tỷ lệ thương tích của bị hại phải từ 31% trở lên mới đủ căn cứ xử lý hình sự. “Tỷ lệ thương tích từ 31% trở lên thuộc khoản 2 Điều 104 Bộ luật Hình sự tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Ở trường hợp khoản 2 Điều 104, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án không cần phải có yêu cầu của bị hại, nhưng vấn đề quan trọng là bị hại phải đi giám định thương tích mới có căn cứ để xử lý” - LS Nam cho biết.

Vẫn theo LS Nam, trường hợp thi đấu võ tự phát dẫn tới hậu quả chết người thì việc xử lý hình sự đơn giản hơn, bởi hậu quả đã rõ ràng. Trường hợp này có thể bị truy tố vào khoản 3 Điều 104, có khung hình phạt từ 5 đến 15 năm tù.

Theo các vị LS, việc võ sư phái Vịnh Xuân Pierre Francois Flores sang Việt Nam đấu với một số võ sư được mạng xã hội đưa lên là kiểu thi đấu không nên khuyến khích và phải được kiểm soát chặt.

LS Trịnh Anh Dũng cho rằng, thi đấu võ thuật là hoạt động thể thao, nếu chỉ là giao lưu nhẹ nhàng thì không sao, còn như thi đấu để phân thắng bại phải được cơ quan quản lý cho phép. “Bởi thi đấu võ rất nguy hiểm, khi một trận đấu được cấp phép phải đảm bảo nhiều điều kiện, ví dụ sàn thi đấu phải đủ tiêu chuẩn, hai đối thủ có cân nặng tương đương nhau, trước khi vào thi đấu phải được khám sức khỏe, có trọng tài tham gia điều khiển trận đấu, người thi đấu phải có đồ bảo hộ, công tác an ninh…” - LS Dũng nói.

Theo LS Trần Thu Nam, một trận đấu võ thuật khi không được cơ quan chức năng cấp phép nghĩa là vi phạm. “Thi đấu võ được cấp phép, có các điều kiện đảm bảo nhưng nhiều khi còn xảy ra rủi ro lớn, nếu thi đấu không có phép nghĩa là không đủ các điều kiện đảm bảo thì hậu quả rất khó lường. Chẳng hạn khi người thi đấu đang hăng đòn có thể gây thương tích nặng cho đối phương, thậm chí thương tích dẫn tới hậu quả chết người. Có trường hợp người bị đối phương đánh vào chỗ hiểm ban đầu chưa phát hiện thương tích nhưng sau đó một thời gian tử vong” - LS Nam cho biết.

Trả lời báo chí, ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - nhấn mạnh: "Nếu ông Flores muốn tiếp tục thách đấu thì phải tuân thủ các quy định và khai báo với cơ quan chức năng. Võ thuật là hoạt động nguy hiểm nên chúng ta mới phải phân chia hạng cân, có đồ bảo hộ, có trọng tài… Nếu các hoạt động này tiếp diễn, phải có sự đồng ý của chính quyền. Trong luật, thách đấu, gây nguy hiểm cho người khác là hành vi bị nghiêm cấm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem