Ninh Thuận: Quỹ Hỗ trợ nông dân đang giúp nông dân tăng thu nhập, xây dựng mô hình kinh tế tập thể

Đức Cường Thứ năm, ngày 25/07/2024 07:25 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân (HTND), thời gian qua các cấp Hội đã xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng thiết thực hiệu quả, giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể...
Bình luận 0

Phát triển sản xuất nhờ Quỹ hỗ trợ nông dân

Một ngày trung tuần tháng 7, PV Dân Việt theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Thuận Nam về xã Phước Nam, huyện Thuận Nam. Đây là một trong những làng Chăm lớn nhất ở Ninh Thuận. Tại đây, đa số đồng bào dân tộc Chăm phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gia súc có sừng.

Đây là dòng vốn đầu tư đang giúp nhiều nông dân Ninh Thuận "nhận mức lương" cao hơn- Ảnh 1.

Ông Thập Văn Quá hội viên nông dân ở xã Phước Nam. Ảnh: Đức Cường

Là một trong những nông dân tiêu biểu về phát triển kinh tế nhờ nguồn Quỹ (HTND) của huyện, ông Thập Văn Quá ở thôn Phước Lập - Tam Lang, xã phước Nam cho biết, nhờ nguồn vốn từ Quỹ (HTND) mà gia đình ông có cuộc sống ổn định, các con đều học tập đến nơi đến chốn.

Theo ông Quá, trước đây cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Không có vốn sản xuất nên gia đình chỉ biết nhờ cậy vào 3 sào lúa (3.000 mét vuông), mỗi năm sản xuất được 2 vụ nên không mấy dư giả.

Đầu năm 2023, thông qua Hội Nông dân xã Phước Nam gia đình ông được Hội Nông dân huyện Thuận Nam xét duyệt cho vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ (HTND) để chăn nuôi bò.

Có được số vốn trên cộng với tiền tích góp, gia đình ông Quá mua 1 con bò đực và 3 con bò cái để nuôi sinh sản kết hợp lấy ngắn nuôi dài từ việc sản xuất lúa.

Để đàn bò phát triển tốt, ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, ông Quá tận dụng rơm rạ sau khi thu hoạch lúa để giảm chi phí chăn nuôi. Đến đầu năm 2024, 3 con bò cái đã sinh được thêm 3 bê con nâng tổng đàn bò của gia đình lên thành 7 con.

"Dự kiến đến cuối năm tôi sẽ bán đi 2 con đực để sửa lại nhà mới, riêng bò cái sẽ giữ lại để tiếp tục sinh sản. Việc nuôi bò sinh sản kết hợp sản xuất lúa giúp gia đình có thêm điều kiện để nâng cao thu nhập, tiền bán bò và bán lúa hàng năm có thể hơn 100 triệu đồng…", ông Quá cho hay.

Đây là dòng vốn đầu tư đang giúp nhiều nông dân Ninh Thuận "nhận mức lương" cao hơn- Ảnh 2.

Nhờ nguồn vốn Quỹ HTND ông Quá đã phải triển kinh tế nhờ vào chăn nuôi bò. Ảnh: Đức Cường


Ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Nam cho biết, từ năm 2014 đến nay, Quỹ HTND huyện đã giải ngân thực hiện 59 dự án, với số tiền gần 13 tỷ đồng. Trong đó, có 47 dự án chăn nuôi bò, dê sinh sản và vỗ bèo, 3 dự án cây ăn trái, 1 dự án thủy sản và 1 dự án tưới nước tiết kiệm.

"Đa số hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có được nguồn vốn nhiều trường hợp đã phát triển sản xuất để vươn lên khá giả. Ngoài ra, thông qua hoạt động Quỹ HTND các tổ, nhóm nông dân cùng dự án đã liên kết, hợp tác giúp nhau phát triển sản xuất. Qua đó giúp nông dân chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất để nâng cao thu nhập...", ông Hoàn cho hay.

Đa dạng sinh kế giúp nông dân Ninh Thuận

Đây là dòng vốn đầu tư đang giúp nhiều nông dân Ninh Thuận "nhận mức lương" cao hơn- Ảnh 3.

Vườn táo của nông dân Dương Tấn Chín, thôn Nha Húi, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Đức Cường

Để hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với những hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, Hội Nông dân Ninh Thuận cũng đã triển khai 2 dự án giảm nghèo gồm: dự án hỗ trợ trồng táo liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (huyện Thuận Bắc).

Trong đó, dự án hỗ trợ phát triển trồng táo liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) được triển khai thực hiện với 25 hộ theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất vì đã được doanh nghiệp đảm bảo đầu ra.

Đây là dòng vốn đầu tư đang giúp nhiều nông dân Ninh Thuận "nhận mức lương" cao hơn- Ảnh 4.

Vườn táo sản xuất theo hướng táo sạch ứng dụng tưới tiết kiệm. Ảnh: Đức Cường

Dẫn chúng tôi tham quan vườn táo trĩu quả đang cho thu hoạch, nông dân với gần 40 năm kinh nghiệm Dương Tấn Chín ở thôn Nha Húi xã Nhơn Sơn (huyện Ninh Sơn) cho biết, đây là lứa tao đầu tiên sau gần 8 tháng xuống giống. Táo được trồng theo tiêu chuẩn táo sạch, không sử dụng thuốc hóa học.

Theo ông Chín, trước đây 2 sào (2.000 mét vuông) được ông trồng các loại cây rau màu nhưng hiệu quả kinh tế thấp, gia đình vì thế thuộc diện khó khăn.

Từ tháng 9/2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, ông bắt đầu trồng táo, chi phí đầu tư gồm giống, phân bón đều được hỗ trợ.

"Vụ táo đầu tiên thu hoạch được hơn 2 tấn/sào, với giá bán được doanh nghiệp bao tiêu 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí gia đình lãi hơn 30 triệu đồng, nhờ đó kinh tế khởi sắc hơn…", ông Chín phấn khởi nói.

Đây là dòng vốn đầu tư đang giúp nhiều nông dân Ninh Thuận "nhận mức lương" cao hơn- Ảnh 5.

Táo là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, dự án hỗ trợ phát triển trồng táo liên kết theo chuỗi giá trị tại thôn Nha Húi, xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bắt đầu triển khai vào tháng 9/2023.

Dự án hỗ trợ 25 hộ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển cây táo trong 36 tháng với tổng kinh phí 3,3 tỷ đồng.

"Đến nay, đa số diện tích táo thuộc dự án hỗ trợ đều phát triển tốt, có 20/25 hộ đã thu hoạch táo, năng suất bình quân khoảng 1,2 tấn/sào. Sản phẩm đầu ra được Hội Nông dân liên kết với doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân với giá ổn định 12.000 đồng/kg, giúp nông dân yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo…", ông Hùng cho hay.

Qua 12 năm thực hiện Đề án hoạt động Quỹ HTND Ninh Thuận đã đạt được những kết quả vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Đến nay, lũy kế cho vay từ nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong toàn tỉnh Ninh Thuận đạt được hơn 71 tỷ đồng.

Qua đó, tạo điều kiện cho 2.963 lượt hộ vay vốn để thực hiện 245 dự án phát triển sản xuất, góp phần tác động tích cực đến tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức giải ngân với 26 dự án/194 hộ, với kinh phí trên 7,7 tỷ đồng, phối hợp với hệ thống ngân hàng giúp hội viên phát triển sản xuất, với tổng dư nợ trên 2.000 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem