Người dân trong xã Hòa An đã tận dụng những diện tích nhỏ hẹp tự có để phát triển thêm các mô hình để tăng thêm thu nhập như: Nuôi cá, nuôi ếch vèo trên sông, nuôi baba, nuôi gà, nuôi vịt, nuôi heo,..
Đây là những mô hình chăn nuôi tận dụng diện tích xung quanh nhà. Nhưng các mô hình này tiềm ẩn các rủi ro như: Giá cả không ổn định, dịch bệnh xảy ra tương đối nhiều, người dân thiếu khoa học kỹ thuật, nhất là chi phí đầu tư lớn,...
Tuy nhiên, hiện nay tại xã Hòa An đang phát triển mạnh mẽ mô hình nuôi lươn không bùn trên bể lót bạt. Ưu điểm của mô hình nuôi lươn không bùn này là: Tận dụng diện tích nhỏ hẹp xung quanh nhà, chi phí đầu tư thấp, lươn ít nhiễm bệnh, đầu ra dễ dàng, lợi nhuận rất lớn trên cùng một diện tích so với các đối tượng con nuôi khác.
Cách đây 2 năm xã Hòa An chỉ được vài hộ nuôi lươn không bùn nhưng đến nay thì có trên 20 hộ nuôi. Các hộ nuôi lươn không bùn bằng lươn giống nhân tạo và đang ngày càng được nhân rộng.
Anh Nguyễn Văn Quý cư ngụ tại ấp Bàu Môn, xã Hòa An là một người nuôi lươn không bùn trên bể lót bạt lâu năm cho biết: Gia đình anh hiện nay nuôi được 6.000 con lươn giống.
Công việc chăm sóc đàn lươn rất dễ dàng, mỗi ngày chỉ thay nước 1 lần, cho lươn ăn 2 lần vào sáng sớm và buổi chiều tối.
Anh Quý cho hay, nuôi lươn không bùn trong bể lót bạt là mô hình dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp cho các hộ nghèo, cận nghèo và các hộ ít đất sản xuất.
Với diện tích 4m2 bể lót bạt có thể nuôi được 1.000 con lươn giống, sau 9 - 12 tháng nuôi đã trừ tất cả các chi phí cho lợi nhuận 30 triệu đồng.
Xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) là vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, hộ dân canh tác chủ yếu trên cây lúa chiếm 85% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, diện tích lúa tính trên hộ ít nên đời sống người dân gặp hiều khó khăn. Việc nhân rộng mô hình nông nghiệp hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi lươn không bùn giúp nông dân giảm nghèo, vươn lên ổn định thu nhập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.