|
ND Thạch Văn tham gia lớp mây tre đan tăng thu nhập cho gia đình. |
Chỉ cách TP. Hà Tĩnh khoảng 10km nhưng cuộc sống của người dân vùng biển Thạch Văn rất khó khăn, thiếu thốn. Chồng đi biển, vợ ở nhà trông con. Nhìn cuộc sống của chị em túng quẫn, chị Trần Thị Mai Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạch Văn trăn trở: Để thoát nghèo phải có cái nghề sau những vụ mùa.
Một lần lên TP.Hà Tĩnh thăm người nhà, chị thấy nhu cầu tìm người giúp việc của người dân thành phố rất lớn. Về nhà, chị bàn với các chị trong xã lập một nhóm chuyên về giúp việc gia đình. Thế là lớp đào tạo phụ nữ giúp việc gia đình ra đời. Chị Hoa tâm sự: "Tưởng chuyện lau, dọn nhà cửa ai cũng làm được, nhưng khi bắt tay vào mới thấy không hề đơn giản. Ngoài cần cù, chịu khó, cái khó nhất của nghề này là tính trung thực của người giúp việc".
Không phải ngẫu nhiên mà hơn một năm nay, nhóm giúp việc hơn 30 chị trong xã không ngày nào có thời gian rảnh rỗi. Mờ sáng, các chị lên thành phố làm việc tới tối mịt mới về nhà. Chị Nguyễn Thị Hằng tham gia lớp giúp việc cho biết: "Trước khi đi làm, chúng tôi được các thầy tại Trung tâm giới thiệu việc làm trên tỉnh về dạy từng ly, từng tý. Vì vậy, khi đi làm chúng tôi được chủ nhà tin tưởng giao chìa khóa nhà. Họ đi làm tối về, chúng tôi bàn giao lại cho họ mà không mất mát một thứ gì".
Từ thành công này, chị Hoa liên lạc với các tổ chức, công ty kiếm nghề cho ND những ngày nông nhàn. Sau hơn một năm, Hội Phụ nữ xã Thạch Văn đã liên kết mở được 8 lớp học với gần 300 chị em tham gia. Ông Nguyễn Khắc Dong - Chủ tịch UBND xã Thạch Văn cho biết, sau lớp giúp việc gia đình, hiện đã có 7 lớp học khác, đó là lớp làm bánh, lớp chăn nuôi, lớp mây tre đan xuất khẩu, lớp làm vườn, lớp đóng thuyền và lớp khởi sự doanh nghiệp nhỏ (gồm các hộ buôn bán, kinh doanh nhỏ tại địa phương) được mở.
Chị Hoa cho biết thêm, chính quyền, các ban, ngành địa phương căn cứ vào đối tượng, hoàn cảnh từng gia đình để mở lớp học cho phù hợp. Chị Nguyễn Thị Tương, xóm Đồng Bạn, xã Thạch Văn học lớp mây tre đan xuất khẩu cho biết: Hai vợ chồng và 4 đứa con chỉ có 2 sào trồng lạc. Chồng chị đi biển. Từ khi được học nghề, nhiều chị đã có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Huệ phấn khởi: “Nhờ nghề mây tre đan, tôi đã có tiền nuôi con học đại học”.
Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.