"Hội phải nắm bắt được nông dân (ND) thiếu thông tin gì, thiếu kinh nghiệm sản xuất về lĩnh vực nào để phối hợp với các ngành chức năng tập huấn cho ND đạt hiệu quả cao nhất..." - ông Lò Văn Quý - Chủ tịch Hội ND huyện Thuận Châu, Sơn La tâm sự.
Noong Lay là xã khó khăn của huyện Thuận Châu. Xã có 4 dân tộc chính là Kinh, Thái, Xá, Mông. Đồng bào chủ yếu canh tác trên nương nên năng suất cây trồng thấp.
|
Nhờ thâm canh cà phê, nhiều hộ ở bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La) có thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. |
Tập huấn sát thực tế
Nhưng trong chuyến trở lại Noong Lay lần này, chúng tôi thấy sự thay đổi lớn ở nơi đây. Trên những nương, vườn trước đây chỉ trồng sắn, ngô giống cũ hoặc bỏ hoang theo kiểu vườn tạp thì bây giờ đã được thay thế bằng nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả giống mới.
Bà Lò Thị Nhinh, dân bản Phiêng Phớ, bảo: “Dân được tập huấn nhiều lần rồi, biết cái hay, cái tốt rồi thì cũng phải thay đổi chứ. Cái nương nhà tôi bây giờ trồng ngô lai 10 và DK 888 nên năng suất bắp gấp 3 lần giống cũ đấy. Còn cái vườn cây ăn quả này, tôi trồng bưởi, đào lai và nuôi gà thả vườn, thu nhập cũng hơn nhiều rồi. Trước đây bản có ít người vẫn đói ăn vì thiếu gạo. Bây giờ người nhiều lên mà vẫn đủ cơm ăn là nhờ biết thâm canh, biết dùng giống lúa có năng xuất cao…”.
Anh Lò Văn Hom, bản Hồi Khôm, tâm sự: “Hội ND tổ chức tập huấn khuyến nông sát thực lắm. Trước hết chi hội lấy ý kiến bà con xem dân bản cần tập huấn về nội dung gì, sau đó tập hợp các ý kiến thành bảng nhu cầu để chuyển lên tổ chức hội. Từ đó Hội cấp trên lại phân nhóm đối tượng theo nhu cầu tập huấn để chuyển giao kỹ thuật theo những nội dung: Trồng lúa nước, thâm canh đất nương, cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, thuỷ sản... Vì thế các hộ có những kiến thức chuyên sâu về loại hình sản xuất của mình, nên làm ăn hiệu quả hơn nhiều.
Đổi thay những phận nghèo
Trên cánh đồng lúa ở bản Mòn, xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, chúng tôi gặp chị Tòng Thị Ương đang đi thăm ruộng. Chị phấn khởi: “Chúng tôi đã nhiều lần được tập huấn khuyến nông về thâm canh cây lúa nước. Mỗi lần được tập huấn, chúng tôi đều ghi chép lại kiến thức học được, bám vào đấy mà làm nên năng suất lúa cao hẳn lên mà lại tiết kiệm được công sức, phân bón. Mỗi giống lúa, mỗi vùng đất, mỗi thời gian sinh trưởng lại cần lượng nước, lượng phân và loại phân bón khác nhau nên phải biết cách chăm bón thì mới tốt được. Dân làm lúa nước ở đây bây giờ cuộc sống khá hơn là nhờ lúa cho năng suất cao đấy”.
“Dân được tập huấn nhiều lần rồi, biết cái hay, cái tốt rồi thì cũng phải thay đổi chứ...”.
Bà Lò Thị Nhinh
Đến với bản tái định cư Quỳnh Thuận thuộc xã Chiềng Pha, chúng tôi bắt gặp những nương cà phê, chè, cây ăn quả xanh mướt. Lão nông Hoàng Văn No, người dân trong bản, vui vẻ: “Từ khi dân về đây tái định cư Thuỷ điện Sơn La, do điều kiện sản xuất thay đổi nên chúng tôi được tập huấn nhiều kiến thức mới. Nhờ thế mới chỉ về đây 5 năm, trong điều kiện đất sản xuất ít hơn so với nơi ở cũ, nhưng thu nhập của chúng tôi cao hơn trước nhiều. Trong bản bây giờ đã có nhiều triệu phú rồi đấy”.
Trở lại Hội ND huyện Thuận Châu, ông Lò Văn Quy - Chủ tịch Hội cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của hội viên, ND và kế hoạch phát triển kinh tế trên địa bàn, Hội đã phối hợp với lực lượng khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, phòng nông nghiệp huyện tổ chức 160 lớp tập huấn cho gần 17.000 lượt người. Những lớp tập huấn ấy đã trang bị kiến thức cho ND để sản xuất hiệu quả, qua đó, vị thế của Hội cũng được nâng lên.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.